Cá tầm lậu vào nội địa bằng cách nào?

28/07/2013 - 11:26

PNO - Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện mỗi ngày có khoảng 20-30 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó, cá được nhập lậu chủ yếu qua các cửa ngõ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh.

 Cao Bằng mặc dù là nơi có đường giao thông đi lại khó khăn, nằm khuất nẻo, cửa khẩu ít sôi động là một trong những trọng điểm mà các đối tượng buôn lậu thủy sản, gia cầm nhắm tới. Từ Cao Bằng, hàng được tập kết rồi chở vòng sang Lạng Sơn, theo quốc lộ 1A về xuôi. Ở tuyến sau, Bắc Giang và Hà Nội được coi là hai “trạm trung chuyển” và “tẩy trắng” cá tầm lậu về sâu hơn trong nội địa. Ngoài ra, tại Lai Châu cũng đang là một trong những địa chỉ hợp thức hóa cá tầm lậu nhập từ Trung Quốc về qua ngả Lào Cai.

Ca tam lau vao noi dia bang cach nao?

Các doanh nghiệp ươm nuôi cá tầm trong nước đang có nguy cơ phá sản vì cá tầm lậu tràn vào.

Tại cửa ngõ Lào Cai, cá từ huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) được các đầu nậu thuê cửu vạn chở bằng đò sang địa bàn thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt thuộc huyện Bảo Thắng, nằm cách TP Lào Cai khoảng hơn 10km theo sông Nậm Thi ngăn cách giữa Việt Nam-Trung Quốc. Đây cũng là khu vực nhập lậu các loại hàng hóa, gia cầm và xuất lậu quặng nhức nhối từ nhiều năm qua.

Theo H., một trong những đầu nậu, tiết lộ: “Cao điểm nhất về buôn lậu cá tầm là cuối năm 2012. Lúc đó, có thể buôn bán, vận chuyển công khai qua sông Nậm Thi, chuyển từ ban đêm sang ban ngày mà cũng chẳng có ai hỏi han”. Trên bến, xe chở cá của các đối tượng buôn lậu xếp dài dằng dặc. Cứ tầm 8-9 giờ sáng là cá được đưa sang. Hàng được đóng trong các thùng xốp, ướp lạnh rồi xếp lên xe, trong xe có hệ thống bơm khí oxy để cá “ngủ”. Vì vậy mỗi xe có thể chở cả vài tấn cá mà vẫn nhẹ như không, chứ không khó khăn như cách chở cá trong túi nước như trước đó. Từ Bản Phiệt, xe chạy thẳng về Hà Nội. Gần đây, khi chuyện nhập lậu cá tầm bung ra thì các “đầu nậu” mới chuyển sang chiêu thức “rửa cá” tại các cơ sở nuôi.

Cũng theo tiết lộ của H. thì thực ra số đối tượng tham gia vào hoạt động buôn cá tầm lậu không phải nhiều, mà chỉ có khoảng 10 nhóm đối tượng nhưng lại đang thao túng toàn bộ thị trường từ Bắc vào Nam. Song do buôn cá tầm là siêu lợi nhuận, giá cá mua tại Trung Quốc có thời điểm chỉ 50.000 đồng/kg, thậm chí còn rẻ hơn, nhưng khi đưa vào Việt Nam, vận chuyển vào TPHCM sau khi đã hợp thức hóa xong giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, kiểm dịch (“rửa cá”) thì có thể bán với giá tới 180.000 đồng/kg…

Trước đó, giá còn mắc hơn nữa. Cũng bởi vậy, các nhóm đều phải cạnh tranh rất khốc liệt, tìm cách loại trừ lẫn nhau và chỉ nhóm nào có sự “giúp đỡ” mới hoạt động được. Một khi đã có bảo kê thì hàng chỉ việc chạy một mạch từ biên giới Lào Cai hoặc Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội.

Tuy nhiên, từ khoảng tháng 3/2013 đến nay, khi dư luận xôn xao trước tình trạng cá lậu ồ ạt trên thị trường nội địa, “bóp chết” cá nuôi trong nước thì nhiều khu vực như Lạng Sơn, Quảng Ninh đã trở nên im ắng hơn. Song cá vẫn về qua ngả Cao Bằng và Lào Cai. Trước khi tung ra thị trường, cá được đưa về các huyện Tam Đường (Lào Cai) Sơn Động (Bắc Giang) để “rửa” cá, lo lót giấy “thông hành” rồi vận chuyển về Hà Nội. Hà Nội và TPHCM là 2 “trạm trung chuyển” lớn nhất cả nước, từ Hà Nội cá tầm “sạch” được tiêu thụ đi các tỉnh miền Bắc, theo đường hàng không để vào TPHCM. Từ TPHCM, cá lại tỏa đi các tỉnh miền Nam.

Theo Kang, một người nuôi cá tầm Trung Quốc, đã có 8 năm kinh nghiệm nuôi cá tầm ở cả Trung Quốc và Việt Nam, hiện đang là chủ một hồ nuôi cá tầm ở xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) thì hiện nay, cá tầm ở Trung Quốc rẻ như bèo vì tiêu thụ chậm. Kang nói, cách đây 6 năm, nghề nuôi cá tầm ở Trung Quốc rất hưng thịnh, người ta chẳng cần tính toán gì, cứ thả con cá vào ao nuôi là có lãi, không phải nghĩ, nhà nào có nhiều tiền, nuôi nhiều thì sẽ lãi nhiều.

Thời điểm đó, người Trung Quốc ăn cá tầm nhiều như ăn cơm, uống nước hàng ngày, nhất là ở miền Bắc. Sau một thời gian nhà nhà nuôi cá tầm, người người nuôi cá tầm, đến giai đoạn 2009 - 2010, khi thị trường bắt đầu bão hòa, cung vượt cầu thì nhiều gia đình bắt đầu lao đao vì trót đổ hết tiền vào cá. Vì thế, người Trung Quốc bây giờ không ăn cá tầm nữa, chỉ có một bộ phận ở Quảng Đông là còn dùng vào dịp tết, và họ cũng chỉ ăn cá tầm loại dưới 1kg, còn loại 2-3kg thì không ăn mà chỉ để bán cho Việt Nam và vài nước khác.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) nhận diện, hiện ở miền Bắc có 4 tuyến vận chuyển cá tầm nhập lậu hết sức nóng bỏng. Tuyến Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Ninh - Hưng Yên - Hà Nội có cao điểm đầu vào của cá tầm lậu là Quảng Ninh với các điểm nóng ở cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh. Thứ hai là tuyến Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội với các cửa khẩu Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma... Thứ ba là tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội. Cuối cùng là tuyến Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tại khu biên giới này có hàng trăm đường mòn lối mở với Trung Quốc.

Theo NGUYỄN THẮNG - PHÚC VĂN (Sài Gòn Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI