edf40wrjww2tblPage:Content
Có vẻ hơi bất công cho Yến Xuân khi phần đông khán giả quan tâm đến chị qua cách định danh: “vợ cũ của ca sĩ Duy Quang”, mà ít người biết rằng, Yến Xuân từng một trong bảy cô gái của vũ đoàn Kim Quy (vũ đoàn đầu tiên của Việt Nam), là thế hệ đầu tiên của lớp nghệ sĩ múa trực thuộc Nhà hát giao hưởng - nhạc vũ kịch TP.HCM. Năm 17 tuổi, tình cờ thấy thông báo tuyển diễn viên múa với lời hứa hẹn: có lương cho học viên, khoảng 300.000đ/tháng, thế là Yến Xuân liền... thử thời vận, dù chưa từng thông qua bất kỳ lớp đào tạo nào. Vậy mà chị trúng tuyển (cùng lớp với diễn viên Minh Thư), hoàn toàn do năng khiếu trời cho.
Vì là dân tay ngang nên chị rất nỗ lực phấn đấu, người ta học một thì chị ý thức mình phải học đến 10. Yến Xuân từng đoạt giải Diễn viên tài năng toàn quốc năm 1997; Diễn viên múa xuất sắc năm 1998 khi múa đôi cùng Tấn Lộc trong vở Ngọc trai đỏ nổi tiếng một thời. Chị gắn bó với nghề múa được khoảng bảy năm thì cảm thấy không đủ sức khỏe để theo nữa: “Nghề múa khắc nghiệt lắm, thời gian luyện tập cực khổ như vắt kiệt sức mình, nhiều lúc đi tập xong bước không nổi, nhưng thời gian làm nghề thì cực kỳ ít, không phải ai cũng tìm được chỗ đứng trên sân khấu” - Yến Xuân chia sẻ lý do không chọn con đường gắn bó với nghề múa.
Rồi Yến Xuân bén duyên ca hát cũng rất tình cờ, được bạn bè rủ nộp đơn thi vào trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP.HCM, tưởng rằng thi cho vui, ai dè đậu thật. Vậy là chị vừa đi múa vừa đi học thanh nhạc. Thời gian hoạt động cùng vũ đoàn Kim Quy (cùng lứa với diễn viên kịch nói Tuyết Thu) giúp chị trang trải cho cuộc sống cũng như chi phí học tập. Ít lâu sau, chị quyết định giải nghệ, chuyển hẳn qua làm ca sĩ.
Thời gian đầu, Yến Xuân chăm chỉ hát ở mọi nơi. Về sau chị thấy mình hợp và tự tin ở những không gian nhỏ hơn nên chuyên tâm làm một ca sĩ phòng trà. Yến Xuân có thâm niên đi hát hơn 10 năm ở các phòng trà Đồng Dao, Ân Nam, MZ, Sax’n Art… Sở trường của chị là các bài nhạc ngoại sôi động, nhạc jazz... Nhìn Yến Xuân trên sân khấu với phong cách sôi nổi, đôi khi hơi nhí nhảnh, ít ai biết được con người thực của chị ngoài đời, trầm lặng và kiệm lời.
Tự nhận mình là người yếu mềm, cuộc đời chị cũng trải qua khá nhiều truân chuyên. Tình duyên lận đận khiến chị phải qua mấy lần đò, sự không may đó khiến Yến Xuân hiếm khi nhắc đến cuộc sống cá nhân. Gia đình đối với chị là người mẹ tuyệt vời, người gắn bó với chị suốt gần 40 năm. Mái ấm ly tán từ nhỏ, chị sống với mẹ, cha đã có gia đình khác. Từng có lúc Yến Xuân đi Mỹ định cư nhưng chỉ được vài tháng, nhớ mẹ quá, chị quyết định trở về Việt Nam. Với chị, mẹ là người quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất. Vậy mà tháng trước, mẹ chị vừa ra đi sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Yến Xuân như người bơ vơ trước cuộc đời. Ngày trước đã âm thầm, giờ cuộc sống của chị còn lặng lẽ hơn.
Ngày mẹ phát bệnh, Yến Xuân là người thường trực chăm nom bà, chỉ trừ lúc đi hát chị mới nhờ người thân trông hộ, nhưng cũng vội vã lên sân khấu rồi chạy về với mẹ. Thấy chị mệt mỏi quá, mọi người khuyên thuê người chăm sóc mẹ nhưng chị dứt khoát không. Chị nói: “Mẹ sinh ra mình, tự tay chăm nom mình tất cả, cực mấy cũng không giao cho ai thì giờ mình cũng phải trả hiếu bằng cách đó, dẫu có vất vả mấy cũng phải trọn đạo làm con. Tôi không thích để ai ngoài mình đụng vào mẹ”.
Vất vả chăm mẹ nhưng khi lên sân khấu, chị lại như một người khác hẳn. “Lên sân khấu là tôi hết buồn ngay, linh hoạt hẳn. Được hát trước khán giả, tôi như sống một cuộc đời thứ hai, nhẹ nhàng và tự nhiên, quên hết những ưu phiền, lo toan. Đi hát mỗi tối có lẽ cũng là một trong những động lực giúp tôi vượt qua khó khăn” - chị nói. Đôi khi Yến Xuân tự hỏi, không biết sao mình có thể gánh vác hết mọi thứ như vậy, rồi chị nhủ thầm, cuộc sống đẩy mình vào hoàn cảnh như vậy thì cũng phải “gồng” lên mà vượt qua. Nhớ câu danh ngôn: “Tất cả mọi người đều trở thành anh hùng khi bị đẩy vào bước đường cùng”, chị thấy mình càng phải mạnh mẽ hơn để làm điểm tựa cho mẹ và cho chính mình.
Yến Xuân cùng ba mẹ và anh trai - Ảnh: Bùi Dzũ
“Tang trùng tang”, lần lượt hết mẹ đến ba rồi bà của chị mất. Dù có mạnh mẽ đến mấy, ai cũng có thể sụp đổ trước cơn bão tinh thần đó. Chị luôn tìm cách để bận rộn, để lấp những quãng thời gian trống, chỉ có công việc mới giúp chị tạm quên những điều không may trong cuộc sống. Chị chia sẻ: “Cuộc sống này mong manh lắm. Tôi luôn trân trọng tất cả những gì mình có để một mai, nếu mất đi, dẫu đau buồn thì cũng ít tiếc nuối. Khi còn sống thì cố gắng sống tốt, sống nhẹ nhàng và tập nghĩ mọi chuyện đơn giản hơn”.
Với Yến Xuân, mỗi ngày mở mắt dậy, chị luôn nói câu “Cám ơn cuộc đời”. Trải qua nhiều biến cố, có những lúc cảm thấy bị cuộc đời vùi dập tơi tả, nhưng dường như không biến cố nào có thể làm cạn kiệt sức sống của người phụ nữ này.
Khánh Nguyễn