Ca sĩ Việt ra quốc tế: Bài toán còn bỏ ngỏ

22/07/2018 - 07:30

PNO - Trong khi nghệ sĩ nước ngoài ồ ạt đổ về Việt Nam thì những giấc mơ vươn ra biển lớn của nghệ sĩ Việt vẫn treo lơ lửng.

Thị trường Việt sôi động nhờ... nghệ sĩ ngoại

Những ngày đầu tháng Bảy vừa qua, khán giả trẻ Việt Nam háo hức trước sự xuất hiện của nhóm Winner trong một đêm nhạc tại TP.HCM. Theo kế hoạch của bạn tổ chức chương trình này, mỗi tháng (tính từ tháng 7/2018) sẽ có một đêm nhạc tương tự để mang nghệ sĩ Hàn Quốc đến với khán giả Việt.

Những cái tên được mong chờ như: EXID, Ji Yeon, HuynA... sẽ lần lượt gặp gỡ khán giả Việt Nam trong thời gian tới.

Ca si Viet ra quoc te: Bai toan con bo ngo
Nhóm Winner biểu diễn tại Việt Nam vào đầu tháng 7 vừa qua

Cũng trong đầu tháng Bảy vừa qua, 10.000 khán giả tại Đà Nẵng đã có hai ngày sống trong đại tiệc âm nhạc với giọng ca đình đám thế giới Luis Fonsi - chủ nhân ca khúc Despacito “gây bão” năm 2017.

Ailee - nữ ca sĩ được yêu thích hàng đầu tại Hàn Quốc - cũng có buổi biểu diễn trong đêm nhạc hữu nghị Việt Hàn tại Hà Nội. Cô còn bày tỏ mong muốn sẽ tổ chức concert tại Việt Nam. Cuối năm 2017, Wanna One và GOT7 - hai nhóm nhạc đình đám của làng giải trí Hàn Quốc đã đến tham gia những đêm nhạc, lễ trao giải cho nghệ sĩ Việt và nghệ sĩ châu Á.

Adriana Grande cũng chọn Việt Nam làm điểm đến cho tour diễn vòng quanh thế giới vào cuối năm 2017. Thành viên nhóm nhạc Westlife mang đến những giây phút thú vị cùng âm nhạc cho khán giả Việt vào tháng 6/2017. Tháng 9/2017, bộ đôi DJ nổi tiếng The Chainsmokers mang đến cho khán giả Việt Nam trải nghiệm nhạc điện tử theo chuẩn quốc tế.

Ca si Viet ra quoc te: Bai toan con bo ngo
Luis Fonsi - chủ nhân ca khúc Despacito biểu diễn tại Đà Nẵng vào đầu tháng Bảy vừa qua

Trong vòng 2 năm trở lại đây, Việt Nam bắt đầu có tên trên bản đồ âm nhạc khu vực khi trở thành điểm đến cho những ngôi sao hàng đầu thế giới, khu vực châu Á, bên cạnh Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia…

Dù nghệ sĩ ngoại luôn có yêu cầu khắt khe, mức cát-sê cao, các đơn vị tổ chức vẫn cố gắng để những cái tên này xuất hiện như một sự bảo chứng cho danh tiếng, chất lượng của show diễn.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện của những nhân tố này giúp cho các đêm nhạc bán vé dễ dàng hơn hoặc hút được nhiều khán giả đến xem, ủng hộ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh với những show diễn miễn phí.

Ca sĩ Việt ra quốc tế: đã được gì và cần gì?

Chuyện nghệ sĩ ngoại ồ ạt đổ về Việt Nam không còn quá xa lạ. Thành công và sự ảnh hưởng của họ trở thành tấm gương phản chiếu giúp ai cũng dễ nhận thấy. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, bài học, kinh nghiệm này vẫn chưa giúp được nghệ sĩ Việt vươn ra tầm khu vực. Bài toán thương hiệu Việt giữa thị trường quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ.

Việt Nam vẫn là điểm đến chứ chưa biến chuyển thành nơi xuất khẩu sản phẩm âm nhạc cho quốc tế. Đã có một vài gương mặt được tham gia những buổi biểu diễn mang tầm châu lục như: Noo Phước Thịnh (Asian Pop Music Award 2018, Asia Song Festival 2016), Đông Nhi (Asia Song Festival), Chi Pu, Min (Viral Fest Asia 2016)… nhưng vẫn chỉ dừng ở mức giao lưu, chứ chưa tạo nên sức ảnh hưởng có định hướng.

Năm 2015, Trang Pháp từng kết hợp với nam ca sĩ người Hàn Quốc - Kang Teayang trong ca khúc Đêm nhưng cũng không tạo được hiệu ứng mạnh.

Ca si Viet ra quoc te: Bai toan con bo ngo
Noo Phước Thịnh biểu diễn tại Asian Pop Music Award 2018

Phần trình diễn của Noo Phước Thịnh tại Asian Pop Music Award 2018:

 

Đã có những nhóm nhạc Việt được gửi sang Hàn Quốc đào tạo, những ca sĩ Việt hợp tác với ê-kíp Hàn Quốc trong thời gian qua. Nhưng sau quá trình này, âm nhạc của họ cũng chỉ dừng ở phạm vi trong nước. Cơ chế đầu tư này được xem là công cụ quảng bá hơn là để định vị chất lượng sản phẩm và vị thế ở môi trường lớn.                 

Thị trường Việt không hiếm những giọng hát chất lượng, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ đưa họ ra quốc tế. Điều quan trọng không kém là chất liệu âm nhạc Việt đang có gì? Thời gian qua, phần lớn những tham vọng đi ra quốc tế đều mang màu sắc của K-Pop - một con dao hai lưỡi. Ngoài sự học hỏi, việc chạy theo xu hướng dễ biến nhạc Việt trở thành hàng nhái, còn khán giả ngày càng khó tính hơn, chỉ chuộng hàng thật.

“Khi nào chúng ta có được những cái riêng và bắt được xu hướng của thế giới thì bài toán xuất ngoại sẽ được giải quyết. Nguồn gốc văn hóa trong âm nhạc là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chúng ta dễ dàng bắt chước về kỹ xảo, nhưng nền tảng về văn hóa  không thể làm theo được nếu không hiểu, không sống trong môi trường đó” - nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhận định.

Theo đó, K-Pop là sự học hỏi, đào tạo chuyên nghiệp từ nhạc Âu - Mỹ kết hợp thêm chất liệu dân gian. Nhạc Mỹ có nguồn gốc từ châu Phi, còn nhạc Âu lại xuất phát từ những bài thánh ca trong nhà thờ. Còn nhạc Việt đương đại vẫn còn đang lay hoay tìm yếu tố để định vị thương hiệu.

Ca si Viet ra quoc te: Bai toan con bo ngo
Chất liệu, màu sắc âm nhạc vẫn là điều mà nhạc Việt, ca sĩ Việt vẫn còn lay hoay để khẳng định mình trong thị trường khu vực, quốc tế

Những năm trở lại đây, ca sĩ Việt ngày càng nhận được nhiều giải thưởng, mở rộng từ Á sang Âu. Tuy nhiên, chất lượng và tầm ảnh hưởng của chúng vẫn là điều gây tranh cãi.

Sau nhiều năm tổ chức, một số đơn vị trao giải thưởng có xu hướng mở rộng thị trường sang Việt Nam và một số quốc gia khác. Khi đó, quyền lực được trao vào tay khán giả thông qua những lá phiếu bình chọn. Các giải được trao cũng mang tính địa phương hơn. Vì thế, những cuộc chơi này lại mang tính cục bộ và không có sức ảnh hưởng ở tầm khu vực. Nghệ sĩ Việt dù bội thu giải thưởng vẫn rất chật vật trước thách thức, cơ hội để vươn ra biển lớn.

Âm nhạc K-Pop là thế hệ F2, F3 của âm nhac Âu - Mỹ nên có thế mạnh về kỹ thuật âm thanh, phòng thu, ánh sáng và biểu diễn của nghệ sĩ. Những điều này, nghệ sĩ và các chương trình tại Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình học hỏi nên khó thể so bì. Vì thế, chúng ta cũng chưa có được những sản phẩm, chương trình đủ tốt để gây ấn tượng với khán giả bên ngoài lãnh thổ.

Tại Việt Nam chưa có thị trường âm nhạc để những yếu tố về đào tạo, định hướng có đất sống, mà hiện tại chỉ chạy theo xu hướng thị trường. Vấn đề bản quyền âm nhạc cũng chưa được chú trọng. Vì thế những đơn vị lớn của khu vực, thế giới chưa dám mạnh tay đầu tư. Trong khi đó, những tổ chức, đơn vị này lại là công cụ giúp nhạc Việt, nghệ sĩ Việt bước ra quốc tế hiệu quả. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay thị trường Âu - Mỹ việc này được thực hiện tốt trong những năm qua. 

Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, tại Hàn Quốc hay Nhật Bản - những quốc gia đang có nền âm nhạc có sức ảnh hưởng tại khu vực châu Á - nhà nước luôn có sự quan tâm, đầu tư nhất định cho lĩnh vực văn hoá, giải trí. Trong đó, sự phát triển về văn hóa sẽ tạo đà cho nghệ thuật, giải trí. Từ đó, những nghệ sĩ ở hai quốc gia này dễ dàng tạo sức ảnh hưởng lên các nước khác bởi nền tảng về văn hóa đã vững chắc. Việt Nam vẫn chưa làm được điều này. Khi văn hoá chưa có sự ảnh hưởng sâu rộng thì nghệ thuật, giải trí cũng khó tìm được hướng đi, dẫn đến chuyện nghệ sĩ Việt vẫn chưa có nhiều cơ hội.

Ca si Viet ra quoc te: Bai toan con bo ngo
Bộ ba Hòa Minzy, Đức Phúc và Erik biểu diễn trên sân khấu lễ trao giải MAMA 2017, diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM

Sự tổng hoà của chất liệu âm nhạc, kỹ thuật hiện đại, tư duy chủ động đổi cán cân thị trường sẽ giúp nhạc Việt tạo được vị thế trong tương lai nếu những vấn đề này được giải quyết hiệu quả. Khi văn hoá, nền tảng âm nhạc đã tạo được sự lan toả thì sức bật của nghệ sĩ Việt trên trường quốc tế sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

“Tuy nhiên, với tình hình xã hội hiện tại chúng ta không thể nào mơ ước, đòi hỏi cao hơn nữa vì nghệ sĩ, âm nhạc vẫn còn đang học hỏi” - nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI