Ca sĩ Túy Hồng – NS Lam Phương: Khi 'Chim trời vỗ cánh tung bay'

22/11/2017 - 07:21

PNO - Những ca khúc của Lam Phương dù bình dị, không chút không cao sang, nhưng qua tiếng hát Túy Hồng đều trở nên thanh thoát, diễn cảm – nhất là ở các ca khúc 'Chiều tàn' và 'Phút cuối'…

Cơn say màu hồng

Khoảng năm 1955,1956 cô nữ sinh Trương Ánh Tuyết từ Bình Dương về Sài Gòn đầu quân vào Ban thoại kịch Dân Nam của ông bầu Anh Lân (đây là ban kịch đầu tiên ở miền Nam mà phía nữ diễn viên chỉ có Tuyết Vân và mẹ con Túy Hoa, Túy Phượng).

Đó là một cô gái có khuôn mặt thanh tú, dáng dấp nữ sinh nhỏ nhắn trông rất xinh. Có lẽ vì gần gũi hai mẹ con nghệ sĩ trong ban kịch này nên Trương Ánh Tuyết cũng lấy nghệ danh là Túy Hồng (cơn say màu hồng).

Ca si Tuy Hong – NS Lam Phuong: Khi 'Chim troi vo canh tung bay'
Túy Hồng hiện tại

Túy Hồng diễn kịch và cũng tham gia hát tân nhạc phụ diễn, nhưng lúc ấy giọng hát của cô bị đánh giá là… thua xa Túy Phượng. Vậy rồi, bầu Anh Lân mời kỳ nữ Kim Cương (lúc đó là đào cải lương, chưa lập đoàn kịch) vào đóng vai chính trong vở kịch Áo người trinh nữ. Túy Hồng vào vai người em gái của nhân vật chính. Vở kịch thành công quá sức tưởng tượng. Phải nói rằng Kim Cương và Túy Hồng đã lấy hết nước mắt của khán giả. Từ đó, tên tuổi của Túy Hồng được giới báo chí cũng như khán giả miền Nam nhắc đến thường xuyên.

Năm 1959, nữ kịch sĩ Túy Hồng trở thành “Lam Phương phu nhân”. Từ đó nhờ ông xã kèm cặp, đào luyện mà Túy Hồng tiến triển vượt bậc trong lĩnh vực ca nhạc. Ngày trước, Túy Hồng hát thường hay bị “phô” (faux), những lúc lên cao giọng lại hơi bị chát. Vậy mà sau này giọng hát của Túy Hồng được đánh giá là trong như pha lê, lại biết ngân nhỏ dần, biết nhần nhá, luyến láy…

Những ca khúc của Lam Phương dù bình dị, không chút không cao sang, nhưng qua tiếng hát Túy Hồng đều trở nên thanh thoát, diễn cảm – nhất là ở các ca khúc Chiều tànPhút cuối

Chỉ ít lâu sau ngày tổ ấm Lam Phương-Túy Hồng được gầy dựng, Túy Hồng tách ra lập đoàn kịch riêng cho mình. Đó là Ban kịch Sống (dân miền Nam quen gọi là “Kịch Sống Túy Hồng”) với sự cộng tác của La Thoại Tân, Vân Hùng, Tú Trinh…

Trên sân khấu của Ban kịch Sống, lần đầu tiên những ca khúc đời thường (của Lam Phương) được lồng vào nội dung tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ (người viết còn nhớ, cảnh cuối ở một vở kịch: nhân vật chính đi lang thang giữa hàng thông cao vút, thẫn thờ nhớ đến người yêu giờ đã xa vời vợi trong tiếng hát nghèn nghẹn của ca sĩ Chế Linh với bản Thành phố buồn)…

Ca khúc Chờ người với tiếng hát Túy Hồng:

"Kịch Sống Túy Hồng" là một trong 3 ban kịch nổi tiếng nhất trước 1975 (cùng với Ban kịch Thẩm Thúy Hằng và Ban kịch Kim Cương). Chồng viết nhạc, vợ dựng kịch. Có thể nói đây là “cơn say màu hồng” - giai đoạn hoàng kim, của họ (kéo dài cho đến đầu năm 1975). Họ không chỉ tậu được căn nhà khang trang trong cư xá Lữ Gia mà còn mua được một căn nhà khác ở đường Nguyễn Tri Phương, hoàn thành mơ ước của bà mẹ năm xưa: “Má chỉ mơ ước có một chỗ trú ngụ đừng quá tồi tàn”…

Sự thành công của “Kịch Sống Túy Hồng” khiến người ta chỉ nhớ đến một “Túy Hồng kịch sĩ” mà lãng quên một “Túy Hồng ca sĩ” từng tạo dấu ấn một thời. Đã có ý kiến cho rằng: “So với nhiều ca sĩ thời ấy, chỉ có Túy Hồng, Túy Phượng và Kim Vui là chứng tỏ được bản lĩnh. Tiếc rằng, tài năng của họ ít được ghi nhận và đãi ngộ một cách xứng đáng”.

Chim bay xứ xa mờ…

Cuộc sống gia đình của đôi “tài tử-giai nhân” này tưởng chừng như mặt biển êm đềm hạnh phúc, nhưng chính nhạc sĩ Lam Phương đã không giấu được những đợt “sóng ngầm” mình từng trang trải qua điệu nhạc lời ca. Hình bóng để người nhạc sĩ tài hoa thổn thức cũng là một ca sĩ cùng thời, nhưng cô chỉ xuất hiện ở sân khấu miền Nam vỏn vẹn có 2 năm rồi bay sang trời Tây sinh sống (cô ca sĩ này hiện vẫn đi hát và sống hạnh phúc bên chồng, nên chúng tôi không tiện nêu tên).

Nếu thuộc nhạc Lam Phương và nếu tinh ý, sẽ nhận ra ngay những năm đầu thập niên 1960, nhạc của Lam Phương đã nhớ thương, trách móc một cánh chim nơi trùng khơi mịt mù: “…Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ. Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ…” (Thu sầu), “…Người theo cánh chim về nơi cuối trời, để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi…” (Phút cuối), “…Thôi em ra đi về nơi xứ xa. Đêm đông cô đơn buồn cho kiếp xa nhà. Lạnh giá rét mướt, đời bạc phước không chồng, chỉ còn lại nhớ mong…” (Chờ người), “…Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa. Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người…” (Thành phố buồn), “…Hai phương trời cách biệt, đêm chờ và đêm mong…” (Xin thời gian qua mau)…

Ca si Tuy Hong – NS Lam Phuong: Khi 'Chim troi vo canh tung bay'

Không hiểu đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của cặp Lam Phương – Túy Hồng sau hơn 40 năm gắn bó (họ chia tay năm 1981 tại Hoa Kỳ). Có người cho rằng chính trong nhạc của Lam Phương đã có sự tiên tri, và nay thì…linh ứng. 

Ngày 13/3/1999, khi đang dự tiệc ở nhà một người bạn, nhạc sĩ Lam Phương bị đột quỵ. Từ đó ông bị liệt nửa người (phải ngồi xe lăn), phát âm rất khó khăn. May nhờ người vợ sau (tên Diệu) tận tình chăm sóc và nỗ lực tự tập luyện, đến nay nhạc sĩ Lam Phương đã có thể tập viết và đàn bằng tay trái. Khẩu âm cũng đã cải thiện một cách đáng kể.

                                                                                 Hà Đình Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI