Trong lứa nhạc sĩ trẻ, Tùng Dương khen Sa Huỳnh 'giàu trí tưởng tượng, lì lợm', Phạm Toàn Thắng 'có thông điệp', Vũ Cát Tường 'có chiều sâu', Lê Cát Trọng Lý 'cầm đàn hát biết ngay đó là Lý'… Đa số còn lại đang chạy theo “hit” mang tính thời trang. Nghe một lần rồi thôi.
* Anh lại sắp hát nhạc của Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ. Không thể phủ nhận tài năng của 4 vị ấy, nhưng hát những tác phẩm cũ ấy thì khác gì Tùng Dương đang cover? Kho nhạc của chúng ta cạn rồi ư?
- Thế hệ sau này, người tôi cảm nhận phù hợp với mình nhất, có lẽ chỉ có Sa Huỳnh. Nhạc của các bạn khác, tôi hát cũng được, nhưng vấn đề là tôi cảm thấy như thế nào khi hát, có “đã” không, có thăng hoa không. Dương tôn thờ sự sáng tạo, ngay cả hát những bài hát cũ, vẫn thấy dấu ấn thời đại trong đó; đồng thời. Có thể, những ca khúc cũ ấy ít được hát hơn so với những ca khúc của các bạn trẻ cùng thời nhưng không có nghĩa chúng đã cũ. Cover cái gì cho đáng cover. Đừng cover những thứ quá tạp nham.
|
Ảnh: NVCC |
* Chúng ta đang có khá nhiều hit-maker (chuyên gia tạo hit) mà anh lại nói thế hệ trẻ có mỗi Sa Huỳnh phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc của anh?
- Ngoài việc có cá tính âm nhạc khác biệt, rõ nét, người nhạc sĩ cũng phải thể hiện được trường phái và thông điệp âm nhạc của mình. Sa Huỳnh vẽ ra được một thế giới mộng mơ riêng qua âm nhạc - một khung cảnh rất trừu tượng, khác biệt so với những nhạc sĩ trẻ cùng thời. Có thể nhiều bạn trẻ không nghe nhạc của Tùng Dương đâu, nhưng tôi nghĩ, âm nhạc của mình sẽ tự tìm đến những khán giả đồng điệu. Nghệ sĩ là người quyết định âm nhạc của mình phù hợp và dành cho bộ phận khán giả nào. Ngoài Sa Huỳnh, ở Sài Gòn, tôi cũng khá thích Phạm Toàn Thắng. Bạn ấy có thông điệp âm nhạc trẻ trung, phù hợp với các bạn trẻ. Đó là nhạc sĩ có cá tính riêng.
Đêm nhạc Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng - Cuộc đối thoại thế hệ của Tùng Dương sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6/6 tại Cung Văn hóa Việt - Xô (Hà Nội). Tùng Dương sẽ là người dẫn chuyện, hát nhạc của 4 nhạc sỹ, gồm Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ. |
* Ngoài Sa Huỳnh, Phạm Toàn Thắng, chẳng lẽ không còn ai?
- Tôi cũng thích góc nhìn của Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường. Là phụ nữ, họ đưa vào nhạc của mình những ẩn ức, khát vọng một cách tự nhiên, không bị gượng ép. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ các bạn bứt phá nhiều hơn nữa, để giới chuyên môn ghi nhận nhiều hơn.
* Còn lại thì sao?
- Nhìn chung, một số người chạy theo thị hiếu số đông, viết những bài hit có tuổi thọ khá ngắn. Điều đó cũng cần cho thị trường âm nhạc, vì có như thế, chúng ta mới so sánh được; có những bài hit nghe được rất lâu nhưng cũng có bài hit sau một năm, một tháng, thậm chí một tuần đã thấy cũ, không còn phù hợp.
Có những bài hit chúng ta quên ngay sau đó. Có những bài vẫn đầy khắc khoải, in sâu trong tâm trí của mỗi người qua năm tháng. Thời nay, các bạn ít có những “hit” được lâu bền. Hoặc một câu cửa miệng, một slogan của cộng đồng mạng như “Người lạ ơi”, “Quan trọng là thần thái”. Tôi nghĩ, tất cả những điều đó chỉ dừng ở mức thời trang mà thôi. Cũng không có gì sáng tạo quá.
|
Tùng Dương nói: "Cover cái gì cho đáng cover" |
* Tùng Dương là một cá tính âm nhạc đặc biệt, không ai phủ nhận. Người ta ca ngợi anh nhưng đồng thời, họ vẫn chờ đợi những gương mặt mới hơn. Ở giải thưởng âm nhạc Cống hiến chẳng hạn, năm nào người ta cũng hỏi: “Lại Tùng Dương à”?
- Hãy nhìn Meryl Streep, năm nào cô ấy cũng được đề cử Oscar. Mà tôi cũng đã vắng mặt ở nhiều giải Cống hiến đấy chứ (cười). Thực ra, tôi vẫn mong, các giải thưởng luôn có sự song hành giữa những người gạo cội và những giá trị của các bạn trẻ. Những đại diện xuất sắc của người trẻ bao giờ cũng nhận được những giải thưởng nghệ sĩ mới/triển vọng… Giải thưởng lệch về bên nào cũng đều không công bằng. Khi nhìn nhận một nghệ sĩ, hãy nhìn diễn tiến của họ, chứ không phải giá trị họ tạo ra ở một thời điểm nhất định. Có lẽ vì thế mà Tùng Dương luôn miệt mài suốt 14 năm qua.
* Anh hướng tới điều gì?
- Cũng chỉ vì mấy chữ “nghệ sĩ chân chính” mà thôi. Hai chữ chân chính đủ thách thức rất nhiều ca sĩ. Bên cạnh năng khiếu, ta luôn phải thấy không hài lòng với chính mình, luôn cảm thấy cô độc trong nghệ thuật. Cô độc mới sáng tạo được, mới phát tiết được những giá trị hay ho.
|
Tùng Dương hát Mẹ tôi của Trần Tiến |
* Trong cuộc khẩu chiến liên quan đến boléro, nhạc sĩ Vinh Sử từng nói, đại ý ông “không biết Tùng Dương là ai”. Miền Nam là lãnh địa của boléro, phải chăng vì thế mà anh không làm nhiều live show ở TP.HCM?
- Nhạc sĩ Vinh Sử có nói thế ạ? Vậy có thể ông không biết thật, vì bầu trời của tôi và ông khác nhau. Tôi cũng biết rằng, sau khi tôi phát ngôn về boléro, có vài đồng nghiệp chỉ trích tôi rất nặng, thậm chí thóa mạ tôi. Tôi không quan tâm điều đó, vì tôi còn rất nhiều việc khác để làm. Tôi chỉ quan tâm những người trong bầu trời của mình thôi. Đến giờ, tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình - cái gì nhiều quá cũng bão hòa.
Còn chuyện tôi làm liveshow tại TP.HCM, tôi từng làm Tùng Dương hát tình ca rồi đấy chứ, nhưng cũng lâu lâu rồi. Tôi đã dám làm bao nhiêu thứ rồi thì chẳng có gì phải ngại cả. Trong thời gian gần nhất, tôi sẽ trở lại TP.HCM, mang âm nhạc của mình đánh dấu chặng đường 15 năm ca hát. Một phần trong đó có dự án Rễ cây còn dang dở.
* Xin cảm ơn anh.
Đậu Dung (thực hiện)