Ca sĩ Trọng Tấn: “Chúng tôi đã đi đến trạng thái vững chắc của hạnh phúc”

13/10/2013 - 07:52

PNO - PNCN - Ngưng công việc giảng dạy, ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ quyết tâm làm những chương trình đủ sức cạnh tranh với nhạc trẻ, nhạc nhẹ. Nam ca sĩ hàng đầu dòng nhạc cách mạng cũng biết rằng, sau thời gian thụ động hưởng trái...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cho dù, ở đâu đó, tiếng xì xầm về việc rời Học viện Âm nhạc của Trọng Tấn vẫn râm ran, nhưng anh biết con đường mình đi có đích đến. Ngày 16/10/2013, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Trọng Tấn cùng Anh Thơ thực hiện liveshow Tình ta biển bạc đồng xanh như một cách để anh khẳng định quyết tâm trở lại con đường biểu diễn chuyên sâu. Trong liveshow này, Trọng Tấn sẽ cùng Anh Thơ thể hiện khoảng 20 ca khúc nhạc trữ tình và nhạc cách mạng, trong đó phần lớn là những bài hát quen thuộc, gắn bó với tên tuổi của mình như Gửi em ở cuối sông Hồng, Trước ngày hội bắn, Tình ta biển bạc đồng xanh…

Ca si Trong Tan: “Chung toi da di den trang thai vung chac cua hanh phuc” 

Nhiều năm chúng tôi đã thụ động thừa hưởng trái ngọt

* Để đưa ra được quyết định ngừng việc giảng dạy, anh mất nhiều thời gian không?

- Thực ra, tôi đã muốn quyết định việc này từ hai năm trước, nhưng vì nhiều lý do nên đến bây giờ mới thực hiện được. Tôi cũng có nhiều trăn trở và nhiều việc phải lo nghĩ, từ phía thầy rồi từ phía gia đình, đặc biệt là bà xã. Nhưng đến thời điểm vừa rồi, tôi cho rằng nếu không quyết định thì mình sẽ phải làm việc trong trạng thái “cố” không biết tới bao giờ. 

* Anh tổ chức liveshow vào đúng thời điểm vừa rời Học viện Âm nhạc, anh không ngại việc dư luận cho rằng anh đang tận dụng sức nóng của truyền thông?

- Show diễn này nằm trong kế hoạch từ rất lâu của tôi và Anh Thơ. Việc ồn ào vì chuyện nghỉ dạy nằm ngoài tiên đoán của tôi. Tôi không nghĩ nó trở thành câu chuyện khiến nhiều người quan tâm đến vậy. 

* Hình như chưa có ca sĩ nào tự bỏ tiền túi để đầu tư một chương trình cho dòng nhạc cách mạng. Anh có nghĩ chương trình của mình làm sẽ thành công?

- Có một thực tế, ca sĩ hát dòng nhạc cách mạng sống khá ổn với nghề. Chúng tôi được ưu ái và phạm vi hoạt động tương đối rộng. Cho dù chúng tôi không xuất hiện trên các chương trình quảng cáo bán vé rầm rộ nhưng vẫn hát thường xuyên ở các hội nghị, sự kiện văn hóa chính trị. Chúng tôi có đường để đến với công chúng khá tự nhiên và thường xuyên nên công việc luôn trôi chảy.

Từ lúc tôi đoạt giải đến bây giờ cũng khá lâu nhưng tôi luôn nhận được nhiều yêu thương và quan tâm của công chúng. Nhưng tất cả những chương trình chúng tôi xuất hiện, hầu như đều ở tư thế thụ động, tức là đến và hát hai bài rồi về, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn. Chúng tôi được đến gần công chúng nhưng chất lượng nghệ thuật cũng như sự hy sinh thực sự cho nghề là chưa có. Vậy nên tôi sẽ vẫn làm những cái cũ nhưng sẽ hướng sang một con đường chuyên sâu hơn về biểu diễn, cho dù công việc đó có thể thành công hay thất bại về doanh thu, nhưng có điều chắc chắn là tôi được hết mình. 

* Có lẽ vì vậy mà các anh giàu hơn ca sĩ hát nhạc nhẹ, nhạc trẻ, khi tiền cát-sê thu về chỉ cất vào túi chứ ít phải đầu tư lại?

- Đó cũng là lý do tôi nghĩ phải làm gì đó thực sự cho công việc đã nuôi mình suốt những năm tháng qua. Và khi làm chắc chắn sẽ tốn rất nhiều thời gian và tư duy. Còn việc giảng dạy, tôi sẽ cố gắng sắp xếp để mỗi tuần có một buổi dành cho lớp học tại nhà. 

* Thời trước, dòng nhạc mà anh đang hát không có sự cạnh tranh, còn bây giờ thì sự cạnh tranh khốc liệt hơn, và nếu muốn làm được điều gì đó cho dòng nhạc này cần phải quyết liệt hơn?

- Nếu xét về mặt thị trường và bề nổi trong cuộc cạnh tranh này thì đúng là nhạc cách mạng chưa được đầu tư nhiều. Và tôi nghĩ nếu mãi không làm được một điều gì đó, thì là một nghệ sĩ của một dòng nhạc nhận được nhiều tình yêu mến, được nhiều sự kỳ vọng cũng là lãng phí, trong khi thời gian vẫn cứ trôi qua mỗi ngày.

Lứa của chúng tôi cũng có chút tự hào vì chúng tôi đã làm sống dậy dòng nhạc này. Hiện những ấp ủ dành cho nó rất lớn và muốn làm nhiều thứ nữa như kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, liên tục có những chương trình lớn hàng năm, có những chương trình dành riêng cho sinh viên nữa. Tôi vẫn tin rằng mong muốn nghe dòng nhạc này ở những người trẻ vẫn còn, nhưng chưa có một sân chơi dành cho nó. 

* Nếu những người như các anh không làm thì sẽ không ai làm, và lúc đó có lẽ khó trách người trẻ lãng quên một dòng nhạc?

- Tôi cũng nghĩ vậy. 

* Nhưng có một cách nhìn khác, nếu tham gia các chương trình nghệ thuật nhiều hơn, thậm chí tổ chức show diễn riêng đồng nghĩa anh có được nguồn thu nhập tốt hơn. Với anh, vấn đề tài chính xếp ở thứ bao nhiêu trong câu chuyện anh quyết định dành toàn tâm cho việc biểu diễn?

- Về chuyện tài chính, tôi thật tâm không nghĩ đến. Bởi nếu chỉ vì tài chính tôi thấy hiện tại mình sống rất ổn, không nhất thiết phải bung ra làm riêng. Tôi nhận show đều hàng tuần, hàng tháng. Hình ảnh cá nhân cũng không có gì đáng lo, vì tôi vẫn đang được công chúng yêu mến.

Còn tự làm và làm cho thỏa chí đam mê, chắc chắn phải có đầu tư. Đầu tư cho các chương trình riêng rất khó xin tài trợ. Tôi đã chuẩn bị sẵn cả những điều không may mắn, nếu nó xảy ra. Nhưng tôi tin khi mình làm được chương trình riêng, dấu ấn nghề nghiệp cũng như sự công nhận của công chúng sẽ nhiều hơn, sức cống hiến của mình cũng rõ ràng hơn.

Ca si Trong Tan: “Chung toi da di den trang thai vung chac cua hanh phuc” 

Cuộc đời có nhiều điều thuộc về duyên phận

* Được biết vợ anh - chị Đặng Thị Thanh Hoa hiện cũng dạy trong Học viện Âm nhạc quốc gia. Liệu quyết định của anh có làm ảnh hưởng đến chị?

- (Cười) Kể cũng khéo chọn nhỉ? Đúng là năm tháng nhìn lại tôi mới thấy trong cuộc đời có rất nhiều cái gọi là duyên phận. Hoa dạy ngoại ngữ trong Học viện. Một trong các lý do đến thời điểm này tôi mới xin nghỉ cũng vì phải suy nghĩ đến điều này. Tôi quyết định nghỉ một mình, chỉ có bà xã ở bên cạnh. Cô ấy suy nghĩ nhiều nhưng cuối cùng vẫn ủng hộ tôi. 

* Lấy tình đầu, anh có bao giờ thấy tiếc vì không được... yêu thêm ai nữa?

- Tôi cho rằng vợ chồng là duyên phận trong cuộc đời. Hạnh phúc gia đình là một chiều khác, dẫu rằng, đa số các gia đình đều xây dựng trên cơ sở tình yêu. Nhưng gia đình có nhiều xâu chuỗi: con cái, họ hàng hai bên, công việc. Ai cũng mong muốn tình cảm, sự quan tâm đến nhau vẫn giống như thời son trẻ thì chắc chắn không có được. Nhưng nếu không còn được như trước nữa, thì cũng đừng nghĩ rằng hao hụt.

Tôi vẫn cho rằng khi đã là vợ chồng, sự chia sẻ giữa hai người nên như là hai người bạn sẽ tốt hơn rất nhiều. Góc lãng mạn, không được thường xuyên nhưng nó sẽ có, chỉ là nó chuyển sang một trạng thái khác, ở những thời gian khác lúc yêu. 

* Anh có bao giờ xao nhãng, như bất cứ người đàn ông nào khác? Và sự xao nhãng của anh đã từng đến mức độ nào?

- Cái này khó nói nhỉ? (cười). Vì tôi không đo được đến mức độ nào thì bị gọi là xao nhãng, còn vợ mình, mình không biết được cụ thể những giây phút ấy đã diễn ra thế nào. Nhưng hai vợ chồng, dù rằng trong cuộc sống đã từng có những vấn đề, đặc biệt trong giai đoạn đầu, có những lúc cảm thấy không ăn nhập được, thậm chí xảy ra căng thẳng, nhưng đến bây giờ bọn mình đã đi qua tất cả những cảm giác tiêu cực đó. Sự chia sẻ mà tôi cảm nhận được từ vợ vào thời điểm hiện tại là đầy ắp. 

Tuy vậy, tôi vẫn biết sẽ chẳng bao giờ thấm hết được, tức người này sẽ thấm hết vào người kia làm một, nhưng rõ ràng, tôi và Hoa đã đi đến trạng thái vững chắc của hạnh phúc. Tôi cảm thấy bình yên trong gia đình mình.

Ca si Trong Tan: “Chung toi da di den trang thai vung chac cua hanh phuc” 

* Anh liên tục có những show diễn ở xa. Những bữa cơm gia đình liệu có phải là thứ đếm được?

- Tôi là người thích ăn cơm nhà. Nên đi làm xa, nếu muộn một chút vẫn cố gắng về. Nói thật, tôi ngại ăn hàng quán, ngại không phải vì sợ không sạch mà ngại về mặt không gian. Về nhà mình có thể thoải mái, muốn mặc thế nào ngồi ăn cũng được, muốn ăn nhanh hay chậm thế nào cũng được. Về nhà có vợ, có con xung quanh, cảm giác không thể có ở bên ngoài.

Vậy nên, có lẽ những bữa cơm nhà của mình là thứ không đếm được, bởi vì tôi ở nhà nhiều quá.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh

Kim Sen (thực hiện) 

Ca sĩ Trọng Tấn: Cảm ơn nghề hát đã giúp tôi được thấy một con người vĩ đại

Tôi sinh ra sau ngày thống nhất đất nước một năm, nhưng bố tôi từng là một người lính nên từ bé, một cách tự nhiên, cuộc sống xung quanh mình thấm đẫm những câu chuyện về cách mạng. Tôi vẫn nghĩ, việc mình hát thành công các ca khúc cách mạng đã được khơi nguồn từ bé. Bởi bố đã hát ru chúng tôi chính bằng những bài ca ông thuộc từ chiến trường.

Sau này lớn lên, được học lịch sử, được nghe những câu chuyện về những con người vĩ đại như Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi càng thấy tự hào khi được là người tiếp tục hát những bài ca cách mạng. Nghề hát đã giúp tôi có may mắn được tận mắt thấy vị Đại tướng vĩ đại bằng xương, bằng thịt. Tuy chỉ được ngắm nhìn ông từ sân khấu, nhưng tôi thấy vinh dự vì được biểu diễn phục vụ một chương trình mà Đại tướng có mặt.

Chưa bao giờ được trò chuyện cùng con người vĩ đại ấy, nhưng qua những điều đọc được, tìm hiểu được, trong tôi luôn tràn đầy sự khâm phục và ngưỡng mộ một tài năng và nhân cách lớn.

Hành quân xa, một ca khúc rất hay viết về chiến thắng Điện Biên Phủ mà tôi từng may mắn được biểu diễn trong hàng loạt các ca khúc tôi đã hát về kháng chiến chống Pháp. Bài hát này tôi cũng thuộc từ bé, khi ấy, vừa hát, vừa nhảy chân sáo đến trường. Đến tận bây giờ tôi vẫn thấy từng nhịp điệu, từng lời ca trong ca khúc ấy làm rộn ràng triệu trái tim. Tôi cũng tin rằng, những tình cảm dành cho người chỉ huy chiến trận Điện Biên Phủ năm xưa, vị Đại tướng của chúng ta sẽ còn sống mãi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI