Ca sĩ Trọng Bắc: “Mất mẹ, tôi mất cả bầu trời”

27/04/2014 - 03:11

PNO - PNCN - Có những nỗi đau phải trải qua mới khiến mình thấu hiểu được giá trị của cuộc sống. Ngày mẹ mất, Trọng Bắc như một kẻ vô hồn, chơi vơi, lạc lõng trong cuộc đời. Lúc ấy anh mới hiểu được những điều thiêng liêng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Được xem là gương mặt kỳ cựu trong “bộ tứ Đà Lạt” (cùng với Xuân Phú, Nguyên Thảo và Đình Nguyên), nhưng Trọng Bắc lại nổi tiếng muộn nhất. Con đường âm nhạc của anh ở xứ sương mù thành công bao nhiêu thì Bắc lại lận đận, chậm chạp bấy nhiêu ở thị trường TP.HCM. Sau gần 10 năm miệt mài khắp các phòng trà, Trọng Bắc mới trở thành một sự lựa chọn không thể thiếu cho khán giả yêu nhạc xưa, nhạc trữ tình. Hiếm có ca sĩ phòng trà nào như anh, được tổ chức đêm nhạc riêng hàng tuần mà lúc nào cũng… cháy vé. Cách đây ít lâu, anh cũng đã phát hành album riêng đầu tiên.

Thời niên thiếu của Trọng Bắc dành trọn cho bóng đá, niềm đam mê hàng đầu của phe con trai. Anh từng được chọn vào đội tuyển năng khiếu và chuẩn bị tham gia đội tuyển chính thức của tỉnh Lâm Đồng. Nhưng một lần “ham vui”, bạn bè rủ rê đi thi hát đã khiến con đường sự nghiệp của anh bất ngờ rẽ sang một lối khác. Năm 17 tuổi, Trọng Bắc đoạt giải cao nhất cuộc thi Tuyển chọn giọng hát hay Đà Lạt với ca khúc Vết chân tròn trên cát. Nhận thấy được tiềm năng từ chất giọng nam trung sáng và đầy cảm xúc ấy, các phòng trà nổi tiếng của Đà Lạt bắt đầu mời Trọng Bắc về hát hàng đêm.

Ca si Trong Bac: “Mat me, toi mat ca bau troi”

Đến lúc này thì Bắc gặp sự phản đối kịch liệt của bố mẹ vì ông bà muốn con mình có một công việc ổn định hơn và cũng vì quan niệm “xướng ca vô loài”. Tuy nhiên, sự ngăn cản ấy không kìm được bước chân cậu con trai út đến với âm nhạc. Cứ chiều chiều, Trọng Bắc lại trốn gia đình đi hát, dù biết tối về ba cầm roi đứng chờ sẵn trước cổng. Mẹ thì thương con, không bằng lòng nhưng cũng không cấm đoán quyết liệt như ba. Anh bảo có lẽ do thấy mình lì quá, ba có “đập” thế nào cũng không ngăn được nên mọi thứ cũng dần… dễ chịu hơn. Ngoài phòng trà, anh còn xuất hiện thường xuyên trên đài truyền hình khiến cả xóm ai ai cũng biết, Trọng Bắc bắt đầu làm cho… ba mẹ cảm thấy tự hào vì cả họ tộc chỉ có một cậu con trai làm nghệ sĩ.

Sáu năm sinh hoạt văn nghệ ở Đà Lạt, Trọng Bắc cùng với Xuân Phú, Nguyên Thảo và Đình Nguyên trở thành bộ tứ chủ chốt của các phòng trà, quán cà phê. Rồi bộ tứ cũng tan rã, bạn bè lần lượt xuống Sài Gòn lập nghiệp. “Tôi bắt đầu cảm thấy buồn tẻ, chai cảm xúc chỉ vì làm mãi một việc. Lần lượt những bạn thân của tôi cũng tứ tán, bạn mới thì không đủ để mình chia sẻ, thân thiết như người cũ. Bức bối và chán nản, tôi muốn thay đổi”. Và Bắc quyết định bỏ hết để làm lại từ đầu. Ngày anh xa Đà Lạt, mẹ buồn và giận lắm, nhưng anh nói với bà: “Mẹ ơi, con phải đi cho biết đó biết đây. Không thành danh thì cũng thành nhân, hiểu được cuộc sống”…

Bắc quyết định xuống Sài Gòn với mục đích chính là đi học một lớp chuyên ngành về công nghệ thông tin để bắt đầu một nghề mới như anh và gia đình mong muốn. Nhưng rồi cái nghiệp không buông. Những gì của cuộc sống tưởng đơn giản như ngày hai bữa cơm và tám giờ làm việc của một công chức yên phận, hóa ra lại không thuộc về một người có máu văn nghệ như Trọng Bắc. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, anh lại tiếp tục rong ruổi khắp các phòng trà, các quán cà phê. Sau thời gian đầu lận đận, Bắc tìm được chỗ đứng và bắt đầu làm ra tiền. Anh kể: “Làm được năm triệu thì tôi trích phân nửa để gửi về gia đình. Biết ba mẹ không dùng tới nhưng tôi muốn họ yên lòng. Còn gì hơn khi bậc sinh thành cảm thấy con mình tự lo được cho bản thân”. Số tiền gửi về dần nhiều lên, sau này mẹ cho lại hết để Bắc kinh doanh.

Ca si Trong Bac: “Mat me, toi mat ca bau troi”
Trọng Bắc bên anh trai, ba và các cháu

Cách đây hai năm, mẹ anh qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 86. Bắc như chới với, mất điểm tựa cuộc sống. Anh chẳng muốn làm bất cứ gì, bỏ hết việc ở Sài Gòn về quê, hơn bốn tháng trời Trọng Bắc chỉ lẩn quẩn bên mộ mẹ như một người mất hồn. Ở nhà Bắc thân và thương mẹ nhất vì ngày xưa anh thấy ba khó gần, khó tính, mẹ thì hiểu con trai út hơn. “Mất mẹ, tôi mất cả bầu trời”. Đến tận bây giờ, Bắc vẫn nhớ như in hình bóng liêu xiêu của mẹ, nhớ tiếng nói dịu dàng, những buổi cơm gia đình mà mẹ đã kỳ công chuẩn bị… Vừa rồi, trong đêm nhạc mừng Ngày của mẹ, Bắc được phân công hát ca khúc Bông hồng cài áo, hát được nửa bài, anh xúc động đến mức không thể nào tiếp tục, đành phải xin lỗi khán giả!

Điều Trọng Bắc ân hận nhất là anh chưa cho mẹ nhìn thấy tổ ấm nhỏ của cậu con trai út mà bà thương yêu nhất nhà. Trước ngày mẹ mất, Bắc đã dẫn bạn gái tới ra mắt, vào viện thăm nom bà. Mẹ anh cũng hài lòng về cô “con dâu tương lai” này và xem như người trong nhà. Ở giai đoạn đó bà khá phấn chấn, cả gia đình đều mong bà đủ sức vượt qua bạo bệnh. Nhưng rồi mọi thứ đi xa dần, cô gái ấy phải trở về Úc sau thời gian công tác ở Việt Nam. Xa mặt cách lòng, khoảng cách địa lý làm mọi thứ… nhạt dần, khiến tận bây giờ Trọng Bắc vẫn thấy mình chưa làm tròn chữ hiếu với cả mẹ lẫn ba.

Bắc kể thời gian sau này anh thôi hẳn việc làm kỹ sư, chỉ tập trung cho âm nhạc nên có nhiều thời gian để về thăm nhà hơn. Cứ rỗi là anh lại chạy về Đà Lạt để ở với ba, cho ông đỡ cô quạnh. Mong muốn lớn nhất của anh là ba xuống Sài Gòn ở với anh để cha con hủ hỉ, anh cũng tiện bề chăm sóc, thuốc thang cho ba nhưng ông không đồng ý vì già cả rồi, đâu thể xa quê được. Vậy là Bắc thường xuyên về, thường xuyên gọi điện thăm hỏi sức khỏe, mọi chuyện thuốc thang của ông đều do một tay Trọng Bắc lo liệu. Anh nói: “Ngày xưa tôi thấy ba áp đặt con cái, giữa hai người lại có một khoảng cách rất lớn nên không thân với ba lắm. Đến khi trưởng thành tôi mới đủ nhận thức để biết rằng gia đình là điều quan trọng nhất. Ba mẹ là điểm tựa cho con cái trong cuộc sống”… Trọng Bắc tâm niệm một ngày nào đó mình sẽ quay về sống ở đây, bên cạnh gia đình, trong chính ngôi nhà từng có hình bóng của mẹ. “Tôi vẫn còn áy náy vì chưa lập gia đình trước ngày mẹ mất, nhưng tôi nghĩ ở nơi chín suối mẹ sẽ luôn tự hào vì tôi”.

Khánh Nguyễn

Từ khóa Trọng Bắc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI