Một thế hệ ca sĩ trẻ Việt Nam đang cho thấy mình có thể “làm nên chuyện”, không chỉ là với thị trường trong nước. Đây không phải lần đầu ca sĩ Việt “đem chuông đi đánh xứ người”, nhất là tại sân chơi quen thuộc như Asia Song Festival (Liên hoan bài hát hay châu Á - được tổ chức hằng năm tại Hàn Quốc với sự tham gia của nhiều ca sĩ trong khu vực).
Từ năm 2004, Việt Nam đã có đại diện tham gia là Mỹ Tâm, sau đó là Lam Trường (2007), Hồ Quỳnh Hương (2006 và 2008), Mỹ Linh (2005) và gần đây nhất là Hồ Ngọc Hà (năm 2009). Từ năm 2010, Việt Nam gần như không có đại diện nào tham gia tiếp nối, cho đến Noo Phước Thịnh vào những ngày đầu tháng 10/2016 vừa qua.
Ca sĩ Việt được chọn tham gia sân chơi này hầu hết là những cái tên được đánh giá cao ở thời điểm được chọn. Tuy nhiên, hiện tượng khán giả Hàn cuồng nhiệt, truyền thông Hàn săn đón, báo chí Hàn xưng tụng là “BiRain phiên bản Việt” thì từ trước đến nay chỉ có Noo Phước Thịnh. Thực tế, ở những phút đầu tiên của tiết mục Gạt đi nước mắt Noo Phước Thịnh cũng chỉ nhận được sự thờ ơ của khán giả tại sân khấu, thế nhưng những giây sau của bài hát, tiếng vỗ tay và hò hét của khán giả đã vang lên không ngớt.
|
Noo Phước Thịnh được nhiều báo đài Hàn như Star, Osen, TVReport… đăng tải như một hiện tượng |
Không khó để hiểu vì sao Noo Phước Thịnh làm được điều mà trước đó các ca sĩ đàn anh chưa làm được. Không xem đây đơn thuần chỉ là một cuộc biểu diễn mang tính giao lưu, Noo Phước Thịnh xác định đây là chuyến đi gây dấu ấn. Vì thế, sự đầu tư của anh ở mức độ cao nhất.
Ngoài việc chọn hai ca khúc được yêu thích nhất, khuấy động sân khấu nhất của mình, Noo Phước Thịnh còn mang đến Hàn Quốc ê-kíp 21 người. Đó không chỉ là những vũ công mà còn là chuyên gia trang điểm, stylist, nhiếp ảnh… khá chuyên nghiệp. Sự cầu kỳ là để đảm bảo các tiết mục đạt hiệu quả cao nhất, vì thành viên ê-kíp là những người kết hợp ăn ý với anh từ trước đến nay.
Đặc biệt, anh còn có phần kết hợp với rapper nổi tiếng hàng đầu Hàn Quốc - rapper Basick. Bên cạnh đó, tuy vốn tiếng Anh của Noo Phước Thịnh đủ để “xài” trong phần giao lưu với khán giả, anh vẫn học thêm tiếng Hàn để lấy lòng fan trẻ xứ người.
Một khía cạnh nào đó, Noo Phước Thịnh là ca sĩ đầu tiên tạo được niềm tin về việc ca sĩ Việt đủ sức bước ra biển lớn, dù mới chỉ là khu vực Đông Nam Á hay châu Á . Đây là giấc mơ của nhiều ca sĩ Việt.
Năm 2007, Phương Vy từng đến với ASIAN Idol - một phần thưởng cho ngôi vị Quán quân Vietnam Idol, nhưng phần trình diễn của cô không để lại ấn tượng đặc biệt; Minh Thư xuất hiện tại Thái Lan trong Liên hoan âm nhạc quốc tế Pattaya cũng không để lại dấu ấn nào; Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Quỳnh Hương, Đông Nhi được trao giải Nghệ sĩ châu Á xuất sắc tại giải thưởng MAMA (tên đầy đủ Mnet Asian Music Awards) qua các năm…
Nhưng, không hề ngẫu nhiên khi một số ý kiến cho rằng đến bây giờ, với một vài gương mặt nổi trội, một thế hệ ca sĩ mới, trẻ hơn bắt đầu có lực để bơi ra biển lớn. Điều có ở các gương mặt này là sự chuyên nghiệp về công nghệ biểu diễn lẫn chiến lược đầu tư, quảng bá và ngoại ngữ - điều mà các ca sĩ Việt Nam trước đây còn thiếu.
Cùng với Noo Phước Thịnh, Đông Nhi là gương mặt nữ đang thể hiện tiềm lực mạnh, cả về giọng ca lẫn sự chuyên nghiệp. Có một công ty tổ chức biểu diễn hậu thuẫn phía sau, các sản phẩm của Đông Nhi luôn được đầu tư chỉn chu và phù hợp thị hiếu khán giả ở phân khúc cô nhắm tới, để mỗi khi phát hành hay biểu diễn, sản phẩm luôn tạo hiệu ứng cao nhất.
Ở thế mạnh biểu diễn và giao lưu ấy, Trọng Hiếu Idol là một gương mặt không thể không nhắc tới trong việc mang nhạc Việt đến với thế giới. Đó là chưa kể, Trọng Hiếu lợi thế hơn hẳn các ca sĩ khác vì đã được tiếp cận môi trường quốc tế từ rất sớm, đủ để biết được mình cần làm gì và xuất hiện như thế nào.
Ở “lãnh địa” sing-write song - một xu hướng tất yếu của thế giới, Vũ Cát Tường được trao gửi một niềm tin không nhỏ khi cô vừa có trình độ ngoại ngữ, vừa nắm bắt được xu hướng của thế giới trong sáng tác, vừa có khả năng biểu diễn… Trang bị cho mình hành trang không thua bất kỳ nghệ sĩ các nước, họ đã có được điều cần thiết nhất ở sân chơi lớn, đó là sự tự tin và bản lĩnh. Hơn hết, đây là những người trẻ tử tế với nhạc Việt, với con đường mình đi, không chấp nhận bất kỳ ý đồ phi nghệ thuật nào.
Vẫn còn quá sớm để nói rằng đã đến lúc nhạc Việt ghi danh trên bản đồ âm nhạc quốc tế, nhưng với một thế hệ ca sĩ trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết như hiện tại, đó không phải là điều bất khả.
Cho đến nay, Mỹ Tâm là ca sĩ thị trường được xem là gặt hái nhiều thành công ở nước ngoài nhất với hàng loạt giải thưởng như: Huy chương đồng Liên hoan giọng ca vàng châu Á tại Thượng Hải năm 2000, giải thưởng Huyền thoại âm nhạc châu Á tại Top Asia Corporate Ball 2014;
Năm 2010 cô có vị trí thứ 6 trong Global pop sensations you’re never heard của ABC news (Mỹ); được đề cử giải thưởng World Music Awards 2013; Best Southeast Asia Act (Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất) của giải thưởng MTV EMA 2013 - MTV Europe Music Awards; Nghệ sĩ Việt Nam hát live hay nhất (World’s Best Live Vietnamese Act) và Nghệ sĩ giải trí xuất sắc nhất (World’s Best Vietnamese Entertainer)…
Tuy nhiên, chưa có giải thưởng nào được xác thực bằng sự thích thú và hào hứng bằng chính khán giả nước ngoài, ngay tại khán đài. Riêng giải thưởng khá “kêu” là Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất của MAMA mà nhiều ca sĩ Việt đã được nhận, đây là giải thưởng mang tính “hữu nghị” hơn là xác thực tài năng, vì cùng đoạt giải này còn có rất nhiều ca sĩ của các nước khác.
Vũ Minh