Đời sống âm nhạc Sài Gòn tự bao năm vẫn xuôi theo hai dòng chảy. Sài Gòn có Làn Sóng Xanh, có những liveshow âm nhạc với hàng ngàn lượt vé, có bao trào lưu hit, hot ngập tràn vỉa hè khu trung tâm. Nhưng, Sài Gòn lại ấp iu, nuôi nấng âm nhạc trong những phòng trà cứ vào đêm lại lên đèn, ôm vào nó tình yêu của cả người hát lẫn người thưởng nhạc.
Thuỵ Long bước ra từ đó. 15 năm đi hát, là 15 năm anh đồng hành cùng những biến thiên, dời đổi của thế giới phòng trà ca nhạc. Với cái trầm ấm và nồng nàn, thăng hoa và cẩn trọng; người yêu nhạc Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Đoàn Chuẩn... từng đắm chìm trong không gian của ATB, Đồng Dao, Không Tên, Ân Nam... từ thời xa lắc ấy - không thể xa lạ với giọng ca anh.
Nhưng, như đã hoà vào đời sống trầm lặng của ca nhạc phòng trà, sự bứt phá của Long không phải những pha đình đám, gây sự chú ý. Anh bứt phá trong logic và không gian của những người yêu cái trầm lặng, dưới nỗi ám ảnh của một kẻ trót mang vào mình cái cảm thức “vượt thời gian".
- Thưa anh, dường như, mỗi lần nghe xướng tên Thuỵ Long, khán giả Sài Gòn đã hình dung được cái không khí âm nhạc sẽ xuất hiện cùng anh sau đó. Sự “quen biết” này có thể là một thương hiệu, nhưng cũng có thể nó đang thể hiện một điều gì “đã cũ" chăng?
- Tôi nghĩ, câu hỏi này đi vào một vấn đề khá bao quát của âm nhạc và nghệ thuật nói chung. Riêng âm nhạc, chúng ta có cả một kho tàng ca khúc “đã không còn mới nữa", nhưng cả ca sĩ lẫn người yêu nhạc cứ nghe và hát; có nhiều ca sĩ mà hễ họ xuất hiện, người ta đã hình dung được kiểu ca khúc mà họ sẽ trình bày.
Nhiều người khác cũng tâm huyết với âm nhạc nhưng lại cho rằng, người ta phải tiếp nhận và thể hiện những ca khúc mới, phong cách mới thì mới có thể làm cho nền âm nhạc phát triển. Cả hai ý này có vẻ trái ngược nhau. Bản thân tôi cũng từng vài lần thử hát những dòng nhạc mới, nhưng rồi tôi nhận ra “cái mới" ấy không hợp với mình. Tôi quay về địa hạt của mình.
Cái mới thực sự hấp dẫn và thách thức tôi lúc này là cách hát mới, cách cảm nhận và thể hiện cảm nhận ấy ra theo một cách mới. Cũng trong dòng nhạc ấy, tôi có thể sáng tạo suốt đời cho mình những lối hát mới. Cũ - mới lúc này chỉ còn nằm ở vấn đề lựa chọn ca khúc, nhưng tôi nghĩ, mọi sự cũ mới trong âm nhạc đều đi đến một điểm chung, là đi vào lòng người nghe. Chừng nào tôi còn thấy say mê, và còn có người đồng cảm, thì tôi còn lý do để tiếp tục.
- “Vượt thời gian" là cách anh thường dùng để gọi tên dòng nhạc của mà mình đã chọn và bền bỉ theo đuổi. Nhưng, với một cậu bé Thuỵ Long của 15, 20 năm trước, giữa bối cảnh còn nhiều hạn chế cho âm nhạc; lựa chọn này có quá… khác thường không?
- Thực sự tôi không dám chắc rằng mình đã chọn lấy dòng nhạc này. Chỉ có một điều tôi chắc chắn, là tôi đã lớn lên cùng nó. Bố tôi là một người yêu văn nghệ. Ông hát Phạm Duy, Từ Công Phụng từ ngày còn trẻ, rồi cứ thế truyền cho các con qua những bài hát thuộc làu làu ở cái tuổi “chỉ biết hát thôi chẳng hiểu gì".
Tôi được kể, ngày còn nằm nôi, các anh chị đã thay nhau ru tôi bằng bài Ngậm Ngùi (nhạc Phạm Duy, thơ Huy Cận), dù các anh chị khi ấy cũng chỉ Năm, Bảy tuổi. Lớn lên một chút, nhận thấy tôi có đam mê, ba tôi biến chuyện hát hò thành những giờ dạy nghiêm túc. Mỗi chiều sau giờ học, thay vì đi chơi như các bạn, tôi lại ngồi vào cho ba dạy nhạc.
Ba là người lãng mạn, nhưng kiên quyết. Dù chỉ dạy bằng những kinh nghiệm và quan sát của mình, nhưng kỹ năng và sự quyết tâm ba truyền đạt thì vẫn theo tôi đến mãi sau này. Rồi ngoài những giờ học nghiêm túc, tôi hay theo ba đi uống cà phê, những quán cà phê lịch sự, bình dân, và chỉ mở nhạc “vượt thời gian" với giọng ca Khánh Ly, Vũ Khanh, Duy Chát, Tuấn Ngọc. Những vị khách ở đó ai cũng yêu và có bao nhiêu giai thoại về những Khúc Thuỵ Du, Trương Chi, Sầu Đông…
Với ký ức của một đứa trẻ có 5 năm đầu đời sống ở Đà Nẵng - một dải đất cũng có thẩm mỹ âm nhạc tương tự, tôi tự nhiên trở thành một vị khách rất “phù hợp" với những quán cafe ấy. Thế rồi tôi vào học Trung cấp Thanh nhạc ở trường Văn hoá Nghệ thuật Cần Thơ, rồi tiếp tục vào Nhạc viện TP.HCM, vẫn theo đuổi dòng nhạc ấy. Thực ra tôi đã không chọn dòng nhạc, mà chính là tôi đã sinh ra và lớn lên trong nó chăng?
- Để nói về Thuỵ Long, hầu như mọi người ban đầu đều khái quát bằng hai chữ “rất hiền!”. Có điều, dường như “hiền" không phải là tính cách phù hợp với một ca sĩ giữa thị trường âm nhạc đầy sôi động?
- Tôi đã đi hát được 15 năm. Xuyên suốt nhất từ bấy đến nay chính là cảm giác mình đang yên ổn theo đuổi điều mình yêu. Nhưng, cũng “xuyên suốt" không kém là những thoáng bất an, tự trách mình đã không quảng giao hơn, lanh lẹ hơn.
Tôi rất nể phục những đồng nghiệp năng động, biết nắm lấy và hết mình với từng cơ hội. Rất nhiều anh chị, bạn bè nghệ sĩ từng giục giã tôi “làm một cái gì đó lớn". Nhưng rồi, tôi nhận thấy mình xúc động, thăng hoa với những điều khác.
Tập được một lối hát mới, hát lên được bằng hết cái phiêu của mình trong một nốt nhạc nào đó; tôi đã thăng hoa tột bực. Đó là “chuyện lớn" của tôi. Và mỗi lần làm liveshow hay ra Album, đều là những lần “tự nhiên đến”. Kiểu như, đến lúc đó, tự điều gì đó từ bên trong đã thôi thúc tôi làm điều đó. Và chỉ riêng việc làm nó thôi, đã khiến tôi hạnh phúc.
- Tôi từng được nghe ca sĩ Ánh Tuyết ví anh với một con tằm, chăm chỉ, cẩn trọng, cống hiến cho người yêu nhạc Sài Gòn. Trong những năm tháng ấy, lẽ nào, anh không có khoảnh khắc nào xao động mà “trật" khỏi cái nhịp chỉn chu, đều đặn ấy?
- Tôi có một cái “tật" hơi xấu, là mọi vui buồn đều bị chi phối bởi âm nhạc. Nếu hôm ấy tôi cảm nhận được sự đồng điệu của khán giả, hay đơn giản tôi thấy mình hát hay thì tôi sẽ vui suốt đêm. Còn nếu việc ca hát có gì trục trặc, thì dù cuộc sống ngoài kia có vui vẻ thế nào, tôi cũng thấy lòng mình rầu rĩ.
Bởi vậy, nên xao động cũng khá nhiều, nhưng thăng hoa cũng không ít. Có điều, giữa lúc yêu lòng, chỉ cần một khắc đồng điệu nào đó thôi, tôi lại hoàn toàn thuộc về âm nhạc, không còn yếu lòng hay “xao động" gì nữa.
Hơn nữa, việc hát phòng trà tạo cho ca sĩ một cảm giác gắn bó kỳ lạ lắm. Tôi còn nhớ thời gian đầu tôi đi hát, không khí phòng trà ở Sài Gòn rất khác bây giờ. Hồi đó, chỉ riêng ở đường Nguyễn Huệ đã có 4, 5 phòng trà gần nhau. Mỗi đêm tôi cứ thế đi bộ, chạy sô hết con đường đó thì được 4 điểm trước khi chạy đến phòng trà 39 ở thương xá Tax, rồi có đêm phải chạy sang Hồ Con Rùa, hát show cuối ở Sài Gòn Night.
Có đêm, đứng hát Đêm nhớ về Sài Gòn giữa phòng trà Sài Gòn Night, nhìn ra Hồ Con Rùa thấy mưa khuya đang đổ xuống giữa những ánh đèn vàng - thấy mình như đang sống giữa “phố phường buồn xưa chưa nguôi", “tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa, ánh đèn vàng nhạt nhoà đêm mưa".... mà mình đang hát, tôi thực sự xúc động.
Mãi sau này, mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc đó, tôi vẫn xúc động và thấy mình đã quá may mắn vì đã được sống với những khoảnh khắc nhiều cảm xúc đến thế. Vậy đó, sự gắn bó với âm nhạc đôi khi chỉ có thể lý giải bằng những điều nhỏ nhặt vậy thôi, phần còn lại thì… không thể lý giải được.
- Anh có thấy rằng, ngay cả việc chọn một dòng nhạc đang càng lúc càng kén khán giả, lại có quá nhiều đàn anh “đánh dấu thành công" trên con đường ấy - đã giống như một sự khước từ “cái riêng”, khước từ tên tuổi không?
- Nếu có khước từ điều gì đó, thì tôi xin khước từ những trào lưu. Bởi có lẽ, tôi đã và vẫn còn bị cuốn hút bởi cảm giác bàng bạc hoa mộng của nhạc xưa. Tôi không thuộc về điều gì quá nhanh, quá mạnh, quá sôi động.
Con đường này có thể ít người đi, nhưng nó là con đường hấp dẫn tôi nhất. Còn việc làm sao để tôi càng lúc càng hấp dẫn, mãi chinh phục được người nghe - thì đó là phần việc của tôi, không thể biện minh là “vì con đường".
- Được biết, anh đang giai đoạn chạy nước rút cho liveshow Tạ ơn đời, tạ ơn người kỷ niệm 15 năm ca hát. Phải chăng, “tạ ơn" là lời mãnh liệt nhất mà Thuỵ Long muốn tỏ bày sau chừng ấy năm?
Đúng vậy. Tôi không bao giờ quên những vị khán giả đã rớt nước mắt giữa những đêm khuya, trong khoảnh khắc đồng điệu với một câu từ nào đó mà tôi đang hát. Những giọt nước mắt đó thật đẹp, nó chính là cái hay nhất, thơ mộng nhất của những khán phòng ít ánh sáng giữa những đêm khuya Sài Gòn.
Tôi nhớ bạn tôi, một nghệ sĩ Piano từ những ngày đầu đã hết mình kết nối một “ca sĩ hiền khô" như tôi với những phòng trà bậc nhất Sài Gòn khi ấy. Tôi còn nhớ cái ngày mà chị Ánh Tuyết chỉ định tôi vào hát chính thức trong những chuyên đề ca nhạc đình đám thời ấy ở phòng trà ATB. Đứng trên sân khấu ấy là một vinh dự với những ca sĩ theo đuổi dòng nhạc trữ tình. Những cảm giác biết ơn như thế cứ theo tôi suốt.
Đến bây giờ còn đứng được trên sân khấu với tất cả đam mê và năng lượng, tôi lại biết ơn vợ tôi. Làm vợ của một nghệ sĩ phòng trà cũng… dễ mang phiền muộn lắm! (Cười). Tôi đi hát không có ngày nghỉ. Ngày lễ, Tết, phụ nữ, trẻ em được đưa đi du lịch, thì vợ con tôi phải ở nhà chờ chồng đi hát. Vậy mà vợ lại là người cổ vũ, hỗ trợ tôi nhiều nhất trong ca hát.
Thỉnh thoảng, tôi có show diễn ở xa, cô ấy lại xem đó như một cơ hội du lịch của cả nhà, rồi vui vẻ mang con theo cổ vũ. Nhưng, tất cả những điều này vẫn chỉ là những điều “kể được"; còn bao nhiêu điều không thể nói thành lời.
- Sau 15 năm sẽ là gì thưa anh? Liveshow sắp tới sẽ mở ra một bước ngoặt nào mới của Thuỵ Long?
- Tôi có rất nhiều dự định. Đầu tiên là cái mới trong những thể nghiệm phong cách chưa từng có mà tôi đang tập dần. Tôi bắt đầu thấy thú vị khi sử dụng những kỹ thuật hiện đại để xử lý ca khúc.
Còn nói rộng ra hơn, tôi nghĩ, mỗi người đều có một sứ mệnh nào đó của riêng mình. Cùng là ca sĩ, nhưng có người sẽ sống một cuộc đời sôi động, sẽ làm những điều hoành tráng. Cũng vậy, âm nhạc cũng cần có người giữ lấy cho nó cái phần trầm lắng, tĩnh lặng. Tôi xin được giữ lấy phần đó.
- Xin cảm ơn anh! Chúc liveshow của anh thành công tốt đẹp!
Minh Trâm