Mỗi tháng, chương trình sẽ giới thiệu một tập gồm bốn phần (phát sóng tương ứng vào bốn tối thứ Bảy hằng tuần trên kênh YouTube của Thái Thùy Linh, kể từ 4/7). Toàn bộ chương trình được phát sóng không thu phí đến hết năm nay. Thực hiện dự án Du ca, Thái Thùy Linh muốn làm một hành trình mang nghệ thuật trở về với cuộc đời, nơi chúng được sinh ra.
Linh nói, ở thời điểm này, tâm hồn chị như một lòng hồ sâu thẳm, có những gợn sóng nhưng bình tĩnh và an tâm. Với tâm thế đó, chị bước vào hành trình du ca, tự do và hát giữa đất trời quê hương.
1.
Ở đó, Linh không hát theo kiểu ngẫu hứng của một người ngồi máy lạnh, chán cuộc sống đô thị ồn ào, xách ba lô lên đi, và hát. Du ca của Linh, vẫn giữ được sự trong trẻo, mộc mạc của một cuộc đi đầy ngẫu hứng, nhưng có ý tưởng riêng. Một hành trình tự do, khoáng đạt và phiêu linh nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Cảm hứng của Linh bắt đầu từ cuộc du ca của người nhạc sĩ mà Thái Thùy Linh yêu mến, nhạc sĩ Trần Tiến. Thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Linh mới ra đời, ông đã rong ruổi biểu diễn phục vụ công chúng. Hôm nay, sau ba thập niên, cô gái “mặt trời bé con” là Thái Thùy Linh lại đi tiếp cuộc hành trình ấy.
Đến giữa những ngày tháng Bảy này, mọi người mới biết đến dự án Du ca: Đi và hát của Thái Thùy Linh, nhưng hành trình của chị đã được chuẩn bị từ ba năm trước, khi nhạc sĩ Trần Tiến cấp cho chị những đồng vốn đầu tiên là “hai triệu đồng”.
Nhưng cuộc sống của Linh có những ngã rẽ. Ai đó nói, giọng hát là nhan sắc của người ca sĩ. Với Linh, giọng hát còn là tâm hồn. Khi buồn đau, chị không thể giữ được tâm hồn phơi phới của một nghệ sĩ du ca. Mất hai năm, rơi xuống tận đáy của vũng lầy, Linh đứng lên, như con thú bị thương đã tự chữa lành vết thương cho mình. Khi đủ mạnh, đủ vững tin, Linh bắt đầu hành trình.
Rất nhiều tâm huyết chị dành cho nó, cả thời gian lẫn tiền bạc. Linh vốn là người kỹ lưỡng, chị làm thử bốn, năm lần, thật ưng ý rồi mới lên đường. Khi hết lệnh giãn cách xã hội, chị nhìn thấy những lo âu, những cái nhìn tuyệt vọng, u ám về tương lai. Hơn lúc nào, Linh hiểu rằng, phải lên đường thôi, phải du ca, để nạp năng lượng cho chính mình và truyền cảm hứng cho người khác.
|
Với "Du ca: Đi và hát", Thái Thùy Linh là người lãi nhất |
2.
Nhưng có lẽ, trong hành trình Du ca: Đi và hát của mình, Linh là người “lãi” nhất. Bởi ở đó, Linh được gặp những con người bình dị, hồn hậu; được đắm mình giữa thiên nhiên, tự do, khoáng đạt.
Linh nhớ lại: “Khi đến suối Mu (tỉnh Hòa Bình) để ăn bữa cơm với những người ở đó, tôi thấy cả bầy trẻ con đang bơi, rất ấn tượng. Bên cạnh là mấy nếp nhà sàn và những người Mường vẫn giữ chất Mường rất rõ, không bị lai căng. Dòng suối mát, không gian xanh, vài sợi khói lam chiều và những cụ già tóc búi. Ở đây, xe máy để bên đường không cần cất chìa khóa. Đó là những thứ làm mình cảm động, đấy là nơi đất lành, thấy mình được xoa dịu. Và mình muốn hát chứ không vì điều gì cả”.
Tôi lặng người khi nghe Linh hát Mặt trời bé con bên suối Mu và chợt nghĩ rằng, phải chăng, đó là những giá trị đích thực của âm nhạc, khi nó gợi về trong mỗi chúng ta những cảm xúc nguyên sơ, trong lành, khởi nguyên nhất?
Mỗi một vùng đất Linh đặt chân đến lại mang cho Linh một cảm xúc khác nhau, nhưng có lẽ, điều mà chị ấn tượng hơn cả là những con người ở đó. Nếu những con người miền núi hiền hòa, có gì đó còn rụt rè thì những người dân Quảng Bình lại hồn nhiên, mộc mạc và mạnh mẽ. Linh đến Quảng Bình, bắt đầu chuyến du ca thứ hai. Và mọi thứ cứ đến như một duyên lành.
“Tôi đã đến nhà o Gắng, người nữ anh hùng kéo pháo năm xưa. Khi tôi quay lại hát, o mới biết tôi là cô bé đã đến nhà o uống nước chè lần trước. Tôi muốn mọi thứ thật tự nhiên, mộc mạc. Tôi muốn tiếp xúc ở cự ly gần để hiểu hơn một người anh hùng trong đời thường.
|
Những khán giả đặc biệt |
Và điều làm chúng tôi cảm động, khi cả một đoàn hơn 20 người đến ăn cơm, o không đòi hỏi bất cứ điều gì. Gạo nhà o, quạt điện bật cả ngày, những nồi cá kho, nước chè, o không hỏi một câu. Những con người Quảng Bình tình cảm, đi mấy trăm mét trên bãi biển, o cứ ôm lấy tôi, lên xe đi chợ cũng thế, nhất định phải cầm tay”. Linh nhớ hôm đó, chị ra chợ, đột nhiên có một người kéo xềnh xệch vào quán, người nhà bảo ở chợ có một cô ca sĩ tóc xù, hát hay lắm, và yêu cầu chị hát. “Họ hồn nhiên thế đấy” - Thái Thùy Linh ngồi kể loạt ký ức tươi rói.
Và trên bờ biển Ngư Thủy buổi chiều hôm đó, giữa một bãi cát dài, không sân khấu, không quảng cáo bán vé, chỉ có Linh, đi chân trần hát cho các o thanh niên xung phong và bà con nghe. Tôi đã nhìn thấy nhiều o lén lau nước mắt. Còn Linh say mê hát Giai điệu tổ quốc tôi, Vết chân tròn trên cát. Tôi, và có lẽ tất cả những khán giả của Linh đã nghe rất nhiều những bài hát ấy, nhưng khi Linh hát giữa biển, với tiếng ghi-ta và trống bập bùng, cạnh những o thanh niên xung phong, vẫn mang đến một cảm xúc khác.
Âm nhạc, không cần nhiều phấn son. Âm nhạc, trước hết là cảm xúc. Và Linh đã làm được điều đó. Rất nhiều cảm xúc đã gợi về trong những ngày tháng Bảy linh thiêng này, khi nghe, xem Linh hát. Thanh xuân của các o đã gửi lại chiến trường và hôm nay nghe Linh hát, các o được an ủi, vỗ về.
Cũng ở mảnh đất Quảng Bình ấy, Linh hát bên hồ, trước cửa động Phong Nha - cũng là một trải nghiệm khác nơi mảnh đất miền Trung khắc nghiệt nắng và gió. Linh hát Hồ trên núi, giữa thiên nhiên hùng vĩ, và những đứa trẻ dân tộc da cháy đen vì nắng.
Vì vui đến thế, thành ra, sau mỗi chuyến du ca trở về, Linh bị “say nắng”. Khung cảnh thiên nhiên, sự tự do khoáng đạt và những con người chị gặp trong hành trình của mình đã để lại rất nhiều xúc cảm. Bởi tâm hồn của người hát Thái Thùy Linh rất dễ rung cảm giữa thiên nhiên hiền hòa. Khi đến một vùng đất nào đó, kể cả khi không hát ra lời, nhưng trong tâm hồn chị muốn hát. Có lẽ, bởi vì Linh luôn có tâm thế của một người cho đi, chị không áp lực vì chuyện phải có bao nhiêu khán giả, chỉ cần một người thôi, mấy chú bé chăn bò hay một bác nông dân, Linh cũng hát.
3.
Linh sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình. Điểm đến tiếp theo của chị là Hội An và Tây Nguyên. Ở Hội An, Linh hát nhạc Trịnh Công Sơn, ông cũng là một người du ca đầy khao khát hòa bình, tự do và yêu thương. Hội An có vẻ rất “Trịnh”, vừa có nét cổ kính của Huế, vừa cởi mở đúng tinh thần của du ca.
|
Sau Hòa Bình, Quảng Bình, điểm đến tiếp theo của Du ca: Đi và hát là Hội An và Tây Nguyên |
Và Linh sẽ đến Tây Nguyên để hát nhạc Nguyễn Cường. Ở đó, có nắng, gió, những cánh rừng cà phê, những con người mạnh mẽ, quyết liệt như Siu Black hay cả những con người hiền hòa như con hươu, con nai bên suối. “Tôi muốn mọi người xem, các giác quan được thưởng thức những thứ đẹp đẽ, tai cũng được lắng nghe âm nhạc đẹp đẽ, sảng khoái, nhiều lửa, và làm sao tim cũng phải rung lên, đầu cũng phải nghĩ”.
Du ca là hành trình trở về của Thái Thùy Linh, trở về với bản thể của chính mình, một người hát tự do và đầy cảm xúc. Linh nói, chị đang từng bước ra khỏi đời sống giải trí, bởi chị muốn cởi bỏ những lề lối, công thức mà chị hay bất cứ ai mới vào nghề đều mất công học hỏi. Chị sẽ hát bằng tâm hồn mình, một tâm hồn muốn dâng hiến và tràn đầy tình yêu trong trẻo với cuộc đời - tâm hồn của một người hát, acoustic nhất, giản đơn và trong lành nhất.
Cuối ngày du ca, chúng tôi bật nhạc lớn hết cỡ, tất cả cùng hân hoan khiêu vũ trên bãi biển, không câu nệ tuổi tác, cũng chẳng còn khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Giờ thì các bạn trong đoàn chắc không còn thắc mắc vì sao, dọc miền Trung có biết bao bãi biển đẹp đẽ, lộng lẫy, tôi không chọn để du ca mà chọn Ngư Thủy. Vì sao không vào nhà hát, phòng trà, vào những khán phòng mát rượi mà hát cho sướng cái thân? Sao phải dãi nắng dầm sương, nín thở chờ ông trời bớt hay nhả sáng, phấp phỏng canh mưa, sắp xếp từng chi tiết nhỏ chỉ để có hai giờ đồng hồ rút ruột rút gan ra mà hát không cát-sê, không hào quang lấp lánh?
Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Dịu dàng trong tiếng ru hời/ Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Trầm sâu trong tiếng đất trời…
Ca sĩ Thái Thùy Linh
|
Việt Hà