Vậy nhưng, những ai ngồi đến chừng 22g đêm mới chưng hửng rằng, một trong hai đồng sở hữu “tửu quán” nghe rất “giang hồ” này là chàng trai má lúm đồng tiền có giọng ca ngọt như mía lùi: á quân Tiếng hát truyền hình 1998, ca sĩ Quốc Đại.
Người ta đùa ông chủ Quốc Đại rằng, anh mở quán không phải để kiếm tiền mà chủ yếu là để chiêu... thê. Vì lẽ, sau chuyện “lập thân”, mẹ anh cứ hối thúc chuyện cưới vợ, một trong ba chuyện hệ trọng của người đàn ông có... hiếu. Mẹ càng sốt ruột hơn khi các con đều đã có gia đình, trừ Quốc Đại dù đã ngấp nghé “tứ tuần” mà vẫn đi về lẻ loi. Quốc Đại kể rằng, tuổi thơ của anh nằm gọn trong thời điểm khó khăn của đất nước sau ngày thống nhất. Trí nhớ khi ấy hãy còn non nớt, nhưng những cực nhọc mẹ đã trải qua, anh không bao giờ quên.
“Mẹ tôi là người phụ nữ đúng chuẩn: công - dung - ngôn - hạnh. Với bà, chuyện chồng con là quan trọng nhất. Khi gia đình khó khăn, công ăn việc làm của bố không đủ sức cáng đáng gia đình, mẹ trở thành trụ cột cho cả nhà năm sáu miệng ăn mà không một lời than thân trách phận. Thậm chí, bà còn cố giấu chuyện sức khỏe đau yếu của mình. Bà là người phụ nữ thương con đặc biệt mà tôi biết”.
Năm 1998, sau khi “cháy” hết mình với Chảy đi sông ơi của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Quốc Đại đã bước lên ngôi vị thứ hai, đứng sau nữ ca sĩ Thụy Vân, trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Rồi anh khởi đầu con đường lập thân của mình ở Đoàn ca nhạc nhẹ thành phố, thay vì trở thành ông chủ tiệm may như ước mơ lúc thiếu thời. Anh kể, ước mơ hồi nhỏ của anh lại liên quan đến... may vá, đó cũng là dự đoán của nhiều thành viên trong gia đình khi thấy anh đam mê và có năng khiếu bẩm sinh trong việc se chỉ luồn kim.
“Ai cũng nghĩ sau này tôi sẽ trở thành một thợ may. Tôi cũng nghĩ vậy, bởi không hiểu sao, trong tôi bao giờ cũng nhớ rõ hình ảnh mẹ ngồi đơm khuy những chiếc áo mới cho các con đến tận giao thừa”, anh kể. Kỳ thực, anh là đứa con “ngoại đạo” của một gia đình không có truyền thống xướng ca. Cha anh vốn là nhân viên kiểm soát mặt đất ở sân bay, sau ngày thống nhất đất nước trở thành thợ điện trong công ty chất đốt thành phố, rồi làm nghề giữ xe ngoài đường, rồi nuôi heo trong nhà. Mẹ anh đơn thuần là người nội trợ đảm đang. Với bà, con cái thích gì là chiều, chỉ kèm theo những lời giáo huấn chung chung về đạo lý ở đời và hiếu nghĩa ở nhà.
Cho nên, dù không thích, nhưng việc con trai xin đi học hát cải lương ở chợ Hòa Bình từ lớp 5, hay sau đó ghi tên học thanh nhạc ở Nhà Thiếu nhi Q.1, bà vẫn gật đầu vì đơn thuần cho đó là con đường không làm con trai hư hỏng. Bà luôn bên cạnh khi con trai bước dần lên những bục vinh danh cao hơn như giải nhất Tiếng hát sinh viên Đại học Tổng hợp TP.HCM, giải khuyến khích Tiếng hát truyền hình năm 1996, rồi giải nhì cuộc thi truyền thống này của HTV hai năm sau đó.
Quốc Đại chia sẻ: “Tôi làm gì, thành danh hay thất bại, bà vẫn luôn là người động viên, khích lệ... Điều quan tâm lớn nhất của mẹ là sức khỏe các con. Chuyện lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in: năm lớp 9, trong bài thực hành hướng nghiệp nghề điện, khi cầm mỏ hàn, tôi vô ý làm phỏng tay, chỉ có vậy mà nước mắt mẹ cứ lưng tròng...”.
Xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình, nhiều tụ điểm ca nhạc, hát đủ loại ca khúc... nhưng nhắc đến chàng ca sĩ này người ta thường nhớ đến những bài hát mang âm hưởng dân ca, trữ tình. Việc định vị tên anh với dòng nhạc này có lẽ thuộc công đầu của đôi vợ chồng nhạc sĩ - ca sĩ Minh Vy và Cẩm Ly. Anh kể: “Sau tám năm ca hát, tôi đã có ý định mở quán cà phê và yên phận hát phòng trà, nhưng duyên nghiệp bất ngờ xuất hiện. Năm 2006, khi tham gia chương trình nghệ thuật trong tuần lễ Festival biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi tình cờ quen Cẩm Ly, rồi được vợ chồng cô ấy mời làm ca sĩ độc quyền cho Kim Lợi Studio của họ”.
Ngoài bài hát Cà phê miệt vườn song ca với Cẩm Ly, một trong những bài hát mà nhạc sĩ Minh Vy như đo ni đóng giày và đưa tên tuổi ca sĩ Quốc Đại lên hàng top trong lòng khán giả là bài Anh về miền Tây. Bài hát như tâm sự gắn liền với cõi lòng tan nát của ca sĩ Quốc Đại về mối tình anh dành cho cô gái vùng sông nước trong chiến dịch Mùa hè xanh ở Bến Tre năm 2004. Mối tình đó từng khiến anh hy vọng sẽ sớm báo hiếu người luôn đau đáu nỗi lòng “yên bề gia thất cho con trai”.
Trong bài hát Anh về miền Tây, nhạc sĩ Minh Vy cố ý phối bằng âm điệu của đàn cò (đàn nhị), nghe thật não nuột. Âm thanh hơi thiếu dương khí ấy nhanh chóng đưa trái tim đã tổn thương của chàng ca sĩ trở về với niềm đau khó quên: Về miền Tây tìm em đã lỡ chuyến đò/ Câu nói yêu thương giờ em quên hết sao em/ Đò đưa lòng tôi, giờ xa bến tình yêu/ Chiều ngắm hoàng hôn, bây giờ cô quạnh mình anh...
Giờ đây, Quốc Đại chỉ biết mỉm cười, mỗi khi ai đó nhắc đến hai từ báo hiếu với ngụ ý: sớm lập gia đình đi thôi. Nhưng anh tự nhủ lòng: báo hiếu cũng có nhiều cách, anh đang báo hiếu mẹ bằng cách làm cho mọi người kính trọng mẹ qua tư cách, lối sống của mình...
NGUYỄN THIỆN