Tôi ngoại cỡ Những cô gái này từng là nạn nhân của nạn body shaming, từng bật khóc vì những lời dè bỉu, thậm chí có người từng chọn biện pháp tiêu cực chỉ để “vừa mắt, vừa lòng” người khác. Nhưng cũng chính họ một ngày “tỉnh giấc” khi biết mình có quyền đẹp theo cách của riêng mình… |
Tự cô lập vì bị body shaming
Đó là câu chuyện diễn ra hết sức thường xuyên, không chỉ với Phương Vy, mà đối với mọi người. Nó đến từ bạn bè, người thân trong những câu đùa giỡn thường ngày. Ví dụ, lâu ngày gặp nhau, người ta tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ủa, lâu ngày không gặp, sao này phát tướng, mập lên dữ vậy?”, “Trời ơi, gì mà nay “chà bá” vậy bà?”… Nó xảy ra trong mọi tình huống mà đôi khi người nói cũng không có ý body shaming. Tuy nhiên, lời nói vô tình làm tổn thương người đối diện.
Ban đầu, Phương Vy chỉ cảm thấy hơi thiếu tự tin khi đặt mình bên cạnh những chuẩn mực khác nhau về cái đẹp. Có lúc, cô tự vượt lên khi hiểu được rằng làn da ngăm đen là làn da khỏe và bản thân cô sinh ra đã có 1 khung xương to hơn người khác, đâu thể “mình hạc xương mai” như người ta.
|
Trong cuộc chiến chống lại nạn body shaming, Phương Vy chia sẻ, cô may mắn khi được những người thân trong gia đình quan tâm, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ |
Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự tổn thương xuất hiện khi Phương Vy sinh con đầu lòng được 2 tháng. Cô xuất hiện trong một sự kiện và nhận những bình luận ác ý từ công chúng vì tăng cân. Những lời body shaming lúc này không còn là những lời nói vô tình. Không chỉ bên dưới sân khấu, trên bàn phím, mà trên các ngả đường, Phương Vy bắt gặp ánh mắt kỳ thị, những lời chê bai hướng về phía mình. Sau đó, cô liên tục nhận những cuộc gọi, tin nhắn hủy show.
Body shaming đã đẩy Phương Vy đến những cảm giác vô cùng tiêu cực. Cô cảm thấy mình vô dụng vì tại sao nhiều người mới sinh con được 20 ngày đã về lại vóc dáng cũ, thậm chí đẹp hơn trước khi sinh, còn mình thì ngược lại. Từ chỗ cảm thấy vô dụng, cảm thấy bản thân bị dồn vào chân tường khi công việc, mọi cánh cửa đều khép lại, cô thất vọng, tự cô lập, không muốn tiếp xúc với ai. “Có những ngày, tôi đi ra đường không có mục đích gì và đứng khóc một mình với tâm hồn trống rỗng. Tôi đã trút sự bực dọc vô cớ lên chồng, lên người thân. Khi cân nặng được kiểm soát, giảm 20kg, tôi muốn đi diễn trở lại. Dù vậy, tôi lại không tự tin xuất hiện trên sân khấu. Phải mất 5 năm, tôi mới làm được điều đó” - Phương Vy trải lòng.
Đâu ai giống ai trong cuộc đời này
Mấy trăm năm, thậm chí cả ngàn năm trước, tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ gắn liền với 2 chữ tròn đầy. Nhưng có thời điểm, tiêu chuẩn đó đã thay đổi. Cái đẹp dành cho những thân hình gầy gò khiến nhiều người mẫu, ca sĩ hành hạ bản thân đến mức phải ăn giấy để ngăn nạp vào cơ thể bất kỳ thức ăn gì trước những show diễn. Có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, nhiều người phải vật vã điều trị căn bệnh chán ăn chỉ vì chạy theo hình tượng. Đến thời điểm này, sau khi nhiều tiếng nói chống lại nạn body shaming được cất lên, dường như xã hội có vẻ cởi mở hơn, đang dần chấp nhận những hình mẫu khác nhau. Thế nhưng, vẫn còn nhiều cá nhân không hiểu và tiếp tục công kích những hình mẫu khác với tiêu chuẩn do bản thân họ tự đặt ra.
Phương Vy cũng như nhiều người ngoài kia, có lúc từng muốn bản thân giống một ai đó, một hình mẫu nào đó. Nhưng, sau rất nhiều năm nỗ lực tập luyện, Phương Vy nhận ra rằng cô sẽ không bao giờ mảnh mai được như họ, bởi mỗi người sinh ra đã mang những đặc điểm, thể trạng khác nhau. Do vậy, việc chạy theo hình mẫu của người khác sẽ là cuộc đua không có hồi kết. Từ đó, Phương Vy học cách chấp nhận, lắng nghe cơ thể để tìm cách đối xử với bản thân một cách tốt nhất. Cô nói: “Những gì tốt, khỏe cho bản thân thì tôi áp dụng. Chẳng hạn, bắp tay tôi không thon gọn như người khác, còn ưu điểm của tôi lại tập trung ở phần eo, hông. Do đó, trong quá trình tập thể dục, tôi cố gắng tập trung vào eo, hông. Sự chú ý của người đối diện sẽ hướng vào những điểm nổi bật này. Khi lựa chọn trang phục, tôi chọn những kiểu dáng tôn phần đẹp, che đi những phần chưa đẹp”.
Cách đây chưa lâu, Phương Vy trở thành nàng thơ trong bộ sưu tập Body same me được lấy cảm hứng từ câu chuyện từng bị miệt thị ngoại hình của cô. Sàn diễn này không chỉ dành cho những cô gái có vóc dáng đẹp nhất, chuẩn nhất, mà còn có cả những người mẫu sở hữu vóc dáng bình thường, thậm chí thấp bé hoặc khác biệt màu da để thấy nơi đó là một xã hội thu nhỏ và tất cả người xem đều có thể nhìn thấy mình ở đó. Với Phương Vy, chương trình là hoạt động ý nghĩa bởi Body same me không chỉ là 1 show diễn thời trang mà còn là lời cổ vũ dành cho phái nữ, là 1 chiến dịch đấu tranh với nạn body shaming. Từ show diễn, cô hạnh phúc truyền đi thông điệp: “Hãy yêu thương, chăm sóc, từ đó tự tin về cơ thể của chính mình mà không phải chạy theo bất kỳ chuẩn mực nào, không gắn ép bản thân vào một size số nào. Bởi vì dù bạn size nhỏ hay size lớn cũng đều mang những nét đẹp rất riêng khi tìm được trang phục phù hợp”.
Đừng để sự dè bỉu đè bẹp ước mơ, cảm hứng sống
Ai cũng có thể là nạn nhân của nạn body shaming nhưng với nghệ sĩ, sự soi mói, quan tâm nhiều hơn bội phần. Nhiều đồng nghiệp của Phương Vy chọn cách tránh theo dõi những bình luận tiêu cực. Riêng cô chọn cách đối diện, tiếp nhận những bình luận có tính góp ý, xây dựng.
Phương Vy chia sẻ, cô may mắn khi được người thân trong gia đình quan tâm, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ. Vượt qua giai đoạn khủng hoảng đó, cô nỗ lực tập luyện kết hợp với thay đổi khẩu phần ăn. Biết Vy không phải là người thích thể dục thể thao, trong quá trình cô luyện tập, chồng cô luôn có mặt để cổ vũ. Vợ ngồi trên xe tập, anh bồng con đứng kế bên cầm đồng hồ đếm. Em gái Phương Vy cũng thu xếp đi tập thể dục cùng để chị có thêm đồng đội. Biết có người đang cố gắng vì mình, Phương Vy có động lực, quyết tâm nhiều hơn.
“Tôi nhận ra điều quan trọng nhất là mỗi người phải nhận ra viên ngọc quý của chính mình nằm ở đâu để cố gắng trau dồi, mài giũa nó, chứ không phải nét đẹp của mình nằm ở đâu trên thang điểm của người khác” - cô khẳng định. Hiểu được điều này, thời gian qua, song song với việc ca hát, cô dành thời gian thực hiện nhiều video nói lên quá trình đấu tranh của bản thân với nạn body shaming, thông qua đó gửi thông điệp đến những người đang chịu đựng áp lực, tổn thương vì body shaming. Nhiều bình luận của khán giả bên dưới các video cho thấy câu chuyện của cô đã chạm đến nhiều chị em phụ nữ, thậm chí nam giới. Họ thể hiện sự xúc động, cảm ơn vì Phương Vy đã dám chia sẻ, nói thay họ.
Trong cuộc chiến đó, Phương Vy không quên nhìn vào bản thân để xem có bao giờ mình vô tình nói những lời không hay làm tổn thương người khác. Theo Phương Vy, việc mở rộng trái tim, tấm lòng để đón nhận tất cả hình thái xã hội xung quanh, để tìm thấy những nét đẹp bên trong mỗi con người là cách đơn giản và dễ dàng nhất mỗi người có thể làm để cùng nhau đấu tranh chống body shaming. Tham gia cuộc chiến này, mỗi người cần học cách đặt mình vào vị trí của người đối diện để hiểu cảm xúc của họ; học cách nói thật nhưng nói cách nào để người nghe tiếp nhận mà không có cảm giác bản thân đang bị dè bỉu, chê bai. Cô cũng trăn trở rằng tiếng nói chống lại nạn body shaming cô nỗ lực mang đến cho khán giả bấy lâu chỉ lan tỏa ở mức độ nào đó, do vậy, cần sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng.
“Nếu nhiều người cùng lên tiếng, cùng góp sức, sẽ giúp cho tiếng nói đó trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng quan trọng hơn hết, mỗi người cần vượt qua chính mình bằng cách quan tâm đến sức khỏe, đọc sách, gặp gỡ nhiều người truyền cảm hứng để học cách mở lòng. Đừng để sự tiêu cực đè bẹp cảm hứng sống và ước mơ của bản thân” - Phương Vy gửi gắm.
Thu Lê- Ảnh do nhân vật cung cấp