Lặn ngụp nhiều năm, chị trở lại với khán giả yêu nhạc trong tâm thế của người đàn bà đi qua nửa thế kỷ. Chị nói ở tuổi hiện tại, khi đã thua đủ với cuộc đời - khóc cũng cạn mà lòng cũng từng quá hân hoan - thì mỗi sớm mai thức dậy, tâm như mặt hồ tĩnh lặng. Niềm vui bay lên còn nỗi buồn lắng xuống, lắng tận đáy sâu.
Đã qua một trạm dừng
Phóng viên: Phương Thanh suy xét điều gì trong một thập kỷ qua để đến bây giờ, lời hứa thực hiện album mới thành?
Ca sĩ Phương Thanh: Trước đây, khi nhiều khán giả “khích tướng”, bảo rằng tôi hãy ra một album tổng hợp những ca khúc hit đi, tôi nhận lời ngay nhưng khi bắt đầu, có quá nhiều yếu tố để tôi suy xét lại. Trong mười năm qua, tôi vẫn đến phòng thu, vẫn làm việc mỗi ngày nhưng không ra sản phẩm như đã hứa. Tôi biết việc mình để khán giả chờ đợi là sự liều lĩnh, vì ngoài thị trường đang có quá nhiều lựa chọn khác. Với tôi, nếu không hay tôi sẽ không làm, nếu không chất lượng tôi không tung ra thị trường.
Trong showbiz Việt, tôi thuộc nhóm nghệ sĩ “xài” sang, dám bỏ vài chục bài hát, vài album đã thu xong chỉ vì chưa hài lòng. Tôi thà để khán giả chờ đợi còn hơn tung ra một sản phẩm mà chính mình cũng chưa bị thuyết phục.
* Phải chăng tâm lý này là sự thiếu tự tin của thế hệ ca sĩ đã ở bên kia của đỉnh cao sự nghiệp?
- Tôi đang ở thời điểm giữ tên, giữ danh, giữ uy tín nên không thể tùy tiện. Thời điểm trước, chúng tôi thu âm bằng kỹ thuật analog, âm thanh trong và ấm. Về sau, analog nhường chỗ cho công nghệ digital - công nghệ này phù hợp với những bạn trẻ hiện nay. Tôi cảm thấy mình chưa tìm được âm thanh chất lượng nên “giả vờ” quên lời hứa. Cho đến khi gặp nhạc sĩ Nguyễn Hà và nhà sản xuất Lầu Nhật Duy, được thu âm theo chuẩn âm thanh hi-end (âm thanh chất lượng cao - PV), tôi gật đầu thực hiện.
Thời của chúng tôi là thời những người muốn đi lâu dài, bền vững nên không dám làm nhanh. Các bạn trẻ hiện tại có thể làm mọi thứ vì nếu sai, các bạn còn thời gian để làm lại. Thế hệ của tôi không còn cơ hội nên cứ phải chậm cho chắc.
* Có một lần, chị nói bản thân kỵ hai điều là xài lại bài đã “ăn” và lên báo mà không có gì mới. Album Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90 của chị gồm tám ca khúc cũ, vậy là phạm điều cấm kỵ rồi...
- Đây là một lời hứa tôi thực hiện với khán giả của mình. Tôi đã chờ mười năm mới làm được. Nếu chỉ muốn kiếm lợi thì dễ lắm, tôi hát liền một mạch tám bài theo kiểu hát lùa, chỉ mất hai ngày là thu xong. Còn album này, tôi mất bảy tháng thực hiện. Có những ngày đến phòng thu, tôi bỏ về vì không hát được.
Trống vắng - Những ca khúc đỉnh nhất thập niên 90 như một sản phẩm để đời của tên tuổi Phương Thanh. Album là cách tôi giữ uy tín với khán giả, không phải ăn mày quá khứ và đánh bóng tên tuổi nên nếu muốn đi tiếp, tôi phải ra bài mới, cần những sự hợp tác mới. Tôi đâu thể cứ hát bài cũ và muốn khán giả vinh danh. Cuộc đua nhạc Việt giờ đã quá khác xưa rồi.
|
Đôi lúc, Phương Thanh nhìn “cuộc đua”giữa các ca sĩ trẻ ở hiện tại để lên dây cót tinh thần cho mình |
* Chị vẫn đang trong cuộc đua đó ư - một cuộc đua hao tổn không ít tiền bạc và những chiến lược truyền thông trên mạng xã hội?
- Ở lứa nghệ sĩ của tôi, tôi hay đùa rằng thà ngồi im cho người ta nhớ mãi; thay đổi làm gì để bị so sánh, chê bai. Phải thừa nhận, chúng tôi không thể đua được với ca sĩ trẻ nhưng tôi nghĩ tôi cũng không cần đua với ai cả. Tôi đang trong quá trình giữ tên tuổi còn các bạn đi tìm kiếm danh xưng. Hai cuộc đua này hoàn toàn khác nhau. Thử hỏi, tôi còn có thể muốn làm gì để nổi hơn nữa và liệu có nổi hơn được nữa không?
Thế nhưng sống phải nhìn về phía trước, tôi cũng cần ra bài mới, cần năng lượng mới. Đôi lúc, tôi nhìn cuộc đua của các bạn hiện tại để lên dây cót tinh thần cho mình, tự huyễn hoặc mình đang cùng chạy để bản thân không bị bỏ quá xa. Giống như cách tôi vờ mình biết công nghệ, dù thật ra tôi không rành. Điều tôi sợ là mình lạc hậu, mình cũ kỹ.
Nhạc Việt phải vạch ra những giới hạn
|
Với Phương Thanh, thời của chị là thời của những người muốn đi lâu dài, bền vững |
* Album mới ra mắt ba phiên bản CD, đĩa than, băng cối. Chị có chiến thuật gì khi không phát hành trên nền tảng trực tuyến?
Tôi cũng từng buồn, nằm khóc một mình, than trách đủ chuyện nhưng càng lớn, cách mình giải quyết nỗi buồn khác đi. Bây giờ tôi thấm câu “nuốt nước mắt vào trong”. Trước đây, tôi hồn nhiên, buồn thì khóc, vui thì cười ha hả nhưng giờ mọi thứ đảo ngược. Tôi cứ nửa đùa nửa thật, khóc rồi cười cho đời nhệ tênh. Tôi biết cách vượt qua nỗi buồn rất nhanh.
Thỉnh thoảng mọi người hay hỏi: “Vậy rồi Phương Thanh có yêu không? Cô yêu như thế nào?”. Tôi yêu chứ, tuổi nào lại chẳng yêu. Nếu năm 20, tôi yêu đơn giản. “Bạn yêu tôi không?”, tôi hỏi và nếu nghe lời đáp là “không” thì thôi nhé, tôi đau chớp nhoáng rồi thôi. Còn bây giờ, tôi yêu thì giữ cảm xúc đó làm vốn mà nghêu ngao. Tôi buồn 15 phút, hát ngay hai bài sầu não thì nỗi buồn cũng bay biến đi. Mà tôi hát khi buồn, khán giả dễ sẽ phải khóc theo.
Ca sĩ Phương Thanh
|
- Có một quan niệm không chuẩn đang tồn tại trong giới âm nhạc rằng người hát nghe được là ca sĩ. Tôi thấy mức độ phân định giữa ca sĩ nghiệp dư, bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp không rõ ràng. Sản phẩm lần này, tôi muốn ngăn ra những cấp độ khác nhau và tái khẳng định một điều: nếu muốn đạt đến độ chuyên nghiệp, bạn phải có sự đầu tư về chất xám, tiền bạc.
Còn về định dạng album, tôi và ê-kíp muốn tìm cách phát hành đặc biệt. Ngay thời điểm mọi thứ đều quá dễ dàng trên internet, tôi “đánh” vào sự tò mò của người nghe để họ tìm mua đĩa. Trước đây, có những CD bán giá bình dân nhưng không ai mua. Đến khi nâng lên chất lượng hi-end, giá thành cao lại được tìm kiếm. Có thể nhiều người nghe đang thật sự cần sản phẩm chất lượng, thưởng thức thứ nhạc xứng tầm với thú chơi nhạc của riêng mình.
* Trong mười năm qua, chị hoạt động gần như một mình. Lần thực hiện album này chị có nhạc sĩ Nguyễn Hà xuất hiện bên cạnh. Phải chăng, chị muốn màn tái ngộ lần này chỉn chu và không biến mất bất ngờ nữa?
- Nhạc sĩ Nguyễn Hà lo cho khâu phát hành âm nhạc của tôi trên Spotify, Nhaccuatui, YouTube... Tôi bây giờ thành “ca sĩ trẻ”, không còn lo gì nữa hết. Trong mười năm qua, tôi tự lo và đôi lúc thấy áp lực đè nặng. Ngày mới nổi, tôi từng phó thác cho các hãng đĩa sắp xếp, chúng tôi thời đó đồng trang lứa, kết hợp với nhau và đánh đâu thắng đó. Còn mười năm qua, lứa chúng tôi đã lập gia đình, có định hướng riêng nên tôi tự lo và tự lo thì nửa đường đứt gánh. Ở đời này, nếu mình phụ thuộc vào người khác thì đánh mất mình, nhưng với âm nhạc, có được những người bạn đồng hành ăn ý là điều may mắn để tôi tập trung làm tốt vai trò của mình.
* Với nghệ sĩ đã định danh, dễ có sự so sánh giữa giọng hát của họ với chính họ ngày trước. Chị lại luôn muốn mình mới hoàn toàn, hẳn lời khen, tiếng chê nhận về không ngớt?
- Tôi từng ra album Ngược dòng (2018) với một loạt sáng tác mới và những người đã quen nghe tôi của ngày trước không chấp nhận. Họ nói tôi đánh mất mình, tôi thay đổi, không biết cách giữ tình cảm khán giả. Tôi luôn dặn lòng, với những người đã đồng hành với mình, tôi không bao giờ bỏ lại nhưng tương lai và quá khứ phải song hành. Khán giả cũng phải có khán giả cũ lẫn mới. Mọi người hay hỏi: “Phương Thanh thế nào rồi?” Tôi bảo: “Phương Thanh đã chết rồi, nhớ Nguyên Hương đi” (Nguyên Hương là pháp danh của nữ ca sĩ - PV). Bạn tiếc Phương Thanh trong quá khứ còn tôi nhìn về phía trước và phải đi tới chứ đâu thể thụt lùi.
Độ tuổi nào cũng phải lớn lên
* Album lần này, chị hát Giã từ dĩ vãng, Một thời đã xa, Tiếng rao, Ta chẳng còn ai... với hình dạng một nỗi đau sâu lắng chứ không thét gào. Là thời gian khiến chị đã khác, hay thời điểm thu là những ngày nhiều tâm sự?
- Khi thực hiện album này, tôi không buồn, không đau khổ. Tôi chủ đích hát làm sao để giống hệt mình ngày xưa. Có những chỗ chênh phô, tôi giữ nguyên để khán giả thấy được sự thổn thức như Phương Thanh ngày còn ngây ngô.
Điểm khác biệt mà người nghe nhận ra (nếu có), chắc do độ lùi thời gian. Thời trẻ, nỗi buồn rõ hơn nhưng sự thấm đẫm không bằng như hiện tại. Đến độ tuổi như tôi, bạn sẽ thấy rằng buồn bã không giải quyết được gì cả. Thôi thì, muốn khóc thì khóc đi. Và cười thì hãy cười cho hân hoan, vui sướng. Đời mà, sao phải giấu cảm xúc của mình.
* Chị từng “ăn thua đủ” với những người nhận xét tiêu cực về mình trên mạng nhưng tranh cãi trên thế giới ảo chưa bao giờ là cách làm hay, đặc biệt đối với nghệ sĩ. Đến nay, chị đã thay đổi trong cách dùng mạng xã hội chưa?
- Tôi vừa chia sẻ một đường dẫn cảm ơn sự hy sinh của những người chống Covid-19 nơi tuyến đầu. Dòng trạng thái này không nhận về nhiều lượt thích hay bình luận. Hiện tại, tôi tương tác hẹp dần và tránh vướng vào những tranh cãi.
Trên mạng xã hội bây giờ, để tìm được một dòng bình luận, một trạng thái có nhận định, tác động tích cực là điều không dễ. Hồi xưa hễ ai khích bác, đơm đặt chuyện, tôi sẽ gọi điện, gặp ngay. Còn bây giờ, tôi thấy không cần thiết. Đôi khi đối diện còn chưa hiểu nhau thì trên mạng, sao có thể hiểu nhau được.
Hạnh phúc khi con thấu hiểu mình
* Gà (tên ở nhà của con gái Phương Thanh - PV) đã bước sang tuổi 16. Những năm qua, chị có phải là người mẹ tốt?
- Tôi tự tin mình là người mẹ xuất sắc. Tôi không giỏi nữ công gia chánh vì đi nhiều nhưng tôi tâm lý, biết cách đi cùng, làm bạn với con. Tôi hạnh phúc vì sinh con ra, con hiểu mình. Con thấy tôi nằm một chỗ biết tôi buồn lại bày việc cho tôi đi. Tôi không yêu cầu con học quá giỏi vì con còn tuổi thơ, còn phải dành thời gian để tìm hiểu nhiều điều khác ngoài cuộc sống. Nhưng, Gà nói: “Con phải học giỏi để mẹ nở mày, nở mặt”. Gà còn lo giùm sĩ diện cho tôi. Gà trưởng thành hơn tuổi, sống độc lập nên tôi làm mẹ mà nhàn (cười lớn).
Sau này, tôi ít khoe con trên Facebook, hầu như chỉ đăng hình ngày xưa. Trẻ con không chịu được áp lực từ đám đông. Có hôm lỡ đăng hình ảnh chưa đẹp, mọi người bình luận chê bai, tội nghiệp đứa trẻ.
* Hành trình làm mẹ cho chị nhận ra điều gì?
- Tôi đứng ở đó, nhìn con lớn lên và không đặt ra khuôn mẫu định sẵn. Tôi chỉ có thể đưa bàn tay mình “vuốt nhẹ” con đường mà con đang đi, không thể bắt con quay đầu hay lệch sang hướng khác. Hành trình đó không dễ dàng, và điều tôi luôn phải làm là tôn trọng.
Với con, tôi dành sự quan sát và cẩn thận lắng nghe những câu chuyện nhỏ rằng con đang yêu ai, cảm mến ai, con muốn làm gì... Có tỷ thứ thay đổi bên trong một con người, bạn yêu thương thì phải tìm cách đồng hành, vậy thôi.
* Phương Thanh của nửa thế kỷ qua đi, khi nỗi đau và niềm vui đều đã nếm trải, chị đã tìm thấy mình chưa?
- Từ lúc thực hiện Ngược dòng, tôi tìm ra lối thoát cho chính mình. Ngày trước, tôi hay hỏi vì sao mình không có chồng, không có người đàn ông bên cạnh nhưng bây giờ, tôi thấy thế là… may. Mọi việc xảy đến trong cuộc đời là nhân duyên. Tôi học đạo để hoàn chỉnh bản thân, bớt sân si và học cách buông bỏ. Tôi buông cảm xúc thời còn ở đỉnh cao, được săn đón vì thị trường âm nhạc sóng sau xô sóng trước, mình phải xuống để thế hệ tiếp nối đi lên.
Năm tôi 40 tuổi và khi 50, những thay đổi bên trong đã quá nhiều, huống hồ chi mỗi bước đi lên đều phải quay đầu nhìn lại. Nhìn không phải để thay đổi mà để biết mình đã đi được bao xa. Cứ vậy rồi vui vẻ sống tiếp, hát ca, đuổi bắt với cuộc đời.
Diễm Mi (thực hiện) - ảnh: nhân vật cung cấp