Ca sĩ Phạm Thu Hà - Tôi đi trên con đường không tuổi

12/01/2019 - 06:00

PNO - Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói đi mãi rồi cũng thành đường. Từ khi xuất hiện tới nay, bảy năm cũng đủ để 'họa mi' Phạm Thu Hà xác lập cho mình vị trí rõ nét trong dòng nhạc bán cổ điển, cổ điển giao thoa.

Phạm Thu Hà nói, chị sẽ giữ “ấm” con đường của mình liên tục bằng nhiều cách khác nhau và dù thế nào đi nữa, người ta vẫn thấy ở đó một Phạm Thu Hà khắc khoải trong khát vọng đưa âm nhạc cổ điển tới gần khán giả Việt Nam. Hà nói, đường chị đi là đường cổ điển giao thoa, là con đường “không tuổi”.

Ca si Pham Thu Ha - Toi di tren con duong khong tuoi

Sau khi mở đầu thành công Chân dung âm nhạc - chuỗi chương trình do Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện nhằm tôn vinh các nghệ sĩ sáng tác, tung MV Vũ điệu bình minh và đưa tên mình trở thành nữ nghệ sĩ “ngoại đạo” đầu tiên được mời biểu diễn ở Nhà thờ lớn Hà Nội trong dịp Giáng sinh, Phạm Thu Hà được dự báo là cái tên “bùng nổ” của âm nhạc Việt Nam trong năm 2019.

Có lẽ tổ nghề đãi tôi thật

Phóng viên: Trước khi gặp Võ Thiện Thanh, con đường âm nhạc cũng như những hình dung về âm nhạc của Phạm Thu Hà ra sao? 

Ca sĩ Phạm Thu Hà: Trước đây, tôi nghĩ, sau khi tốt nghiệp tôi sẽ đi dạy. Thế rồi, có lẽ do duyên số, nhờ nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, có cơ duyên gặp Võ Thiện Thanh, được anh đặt viên gạch đầu tiên xác lập con đường này, tôi đã quyết tâm đây sẽ là con đường mình theo đuổi. Hồi còn đi học, tôi toàn hát hợp xướng. Sau này, thấy con gái hát chính trên sân khấu, gia đình vui lắm. Khi đứng trên sân khấu, tôi cảm nhận được rất rõ, có một Phạm Thu Hà rất khác: chỉn chu, “ăn” sân khấu. Mọi người hay nói, Phạm Thu Hà được tổ nghề “đãi”. Có lẽ, tổ nghề “đãi” tôi thật.

* Khi đứng trên sân khấu, có vẻ như chị được sống với giấc mơ của mình?

- Trên sân khấu, có những lúc chỉ cần hát 3-4 bài nhưng có khi, tôi hát đến 40 bài. Mọi người hỏi, Phạm Thu Hà lấy đâu ra nhiều năng lượng như vậy? Chỉ đơn giản, lúc nào tôi cũng thích hát, lúc nào cũng muốn được biểu diễn trong một không khí mà mọi người yêu quý mình, lắng nghe mình. Thỉnh thoảng, tôi cũng có chút nổi loạn. Có lẽ điều đó đã làm nên một Phạm Thu Hà khác biệt.

* Dàn hợp xướng không có chỗ cho những cá tính phát triển nhưng sau này khi Phạm Thu Hà hát chính rồi, câu chuyện khác chứ? 

- Suốt thời gian đi học, thầy cô hay động viên tôi đi thi giải Sao Mai nhưng tôi thường nói: “Con không tự tin chút nào, con cảm thấy chưa chín”. Hồi đó, tôi thường hát trong các dàn hợp xướng. Ở đó không khoe kỹ thuật hay bất cứ thứ gì nổi trội bởi nó là sự hòa quyện, đồng đều, hợp nhất, lắng nghe nhau hát. Còn sau này, khi hát đơn ca, có cái gì hay, tôi “trút” ra hết, thể hiện được cá tính trong âm nhạc cũng như cách xử lý tác phẩm. Thế nhưng trưởng thành từ dàn hợp xướng, có cái hay: tôi chịu nghe. Sau này, khi vào phòng thu, với một nhân viên phòng thu không có tên tuổi, tôi vẫn nghiêm túc lắng nghe họ.

Ca si Pham Thu Ha - Toi di tren con duong khong tuoi

* Và cuối năm 2018 đến năm 2019, có lẽ Phạm Thu Hà đã “chín” nên mới có nhiều hoạt động mang tính “bùng nổ” như vậy?  

- Tôi nghĩ, mặc một chiếc áo quá rộng thật tệ. Mãi tới năm 2012, khi bước vào cao học năm nhất, cảm thấy giọng hát của mình đã đủ “chín” về chuyên môn; 30 tuổi cũng không còn trẻ nữa, tôi mới quyết định ra mắt thị trường. Tôi nghĩ con đường mình đang đi là “con đường không tuổi”. Tôi tự tin rằng 60 tuổi vẫn có thể hát được dòng nhạc của mình. Hình tượng người ca sĩ Việt Nam mà tôi hướng tới và luôn ngưỡng mộ là cố NSND Lê Dung. 

* Chị vừa nhắc tới “con đường không tuổi” - điều đó gần như trái ngược với con đường “có tuổi” của các ca sĩ trẻ hiện nay. Có người nói với tôi, tuổi thọ của nghề chỉ tầm 10 - 15 năm nên họ buộc phải “ăn xổi”, dùng scandal để kiếm tiền… 

- Về điều này, mỗi người một con đường, một lựa chọn, tôi không có ý kiến. Chỉ là, tôi không chọn con đường đó. Con đường tôi đi là “con đường không tuổi” nhưng không vì thế mà tôi cho phép mình thiếu chỉn chu, trong cuộc sống cũng như hình thức khi lên sân khấu. Đã là nghệ sĩ thì phải đẹp dù theo dòng nhạc nào. Có một điều khá tiếc, các nghệ sĩ thính phòng, cổ điển ở ta thường không trau chuốt lắm về hình ảnh. Khi dòng nhạc này kén người nghe, thì phần nghe và phần nhìn càng phải hài hòa, mới thu hút được khán giả.  

Ca si Pham Thu Ha - Toi di tren con duong khong tuoi

"Ăn theo" Võ Thiện Thanh được cũng là may mắn

* Năm 2012, Phạm Thu Hà kết hợp với Võ Thiện Thanh làm album Classic Meets Chillout, mang về giải Cống hiến ở hạng mục Album của năm, trở thành một trong những hiện tượng của âm nhạc Việt Nam. Ở dự án mới năm 2019 - Classic Meets Dance - Hà vẫn tiếp tục cộng tác với Võ Thiện Thanh. Người ta nói Phạm Thu Hà “ăn theo” Võ Thiện Thanh đấy…

- Nếu Hà “ăn theo”, “dựa hơi” được anh Võ Thiện Thanh, cũng là may mắn của Hà. Vì Võ Thiện Thanh chưa bao giờ nhận lời cộng tác với bất kỳ người nào không có khả năng. Và ngược lại, ai cũng mong muốn được làm việc với anh. Anh Võ Thiện Thanh không khác gì một người thầy của tôi.

Tôi luôn biết ơn vì những gì anh đã làm cho mình. Nói “ăn theo” là không chuẩn, phải nói là trung thành mới chính xác. Nếu bạn dõi theo Phạm Thu Hà thì biết, album mới này được hai anh em chúng tôi ấp ủ ba năm nay. Ngay cả hồi tôi cộng tác với nhạc sĩ Đức Trí, cũng là do anh Thanh giới thiệu. Suốt con đường dài tôi đi đến nay, luôn có nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đi cùng.

* Võ Thiện Thanh ít khi hợp tác với nghệ sĩ nào hai lần. Ngoài Hà Anh Tuấn, giờ có thêm Phạm Thu Hà

- Chúng tôi có quá nhiều ý tưởng. Âm nhạc Võ Thiện Thanh bao la, khoảng không gian rất rộng; quãng giọng hát của Phạm Thu Hà lại rất vang, hợp với nhạc anh ấy. Có thể Võ Thiện Thanh làm sản phẩm cho các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng khác lúc này lúc khác, theo một dự án nào đó; còn với Phạm Thu Hà, đây là con đường mà hai anh em chúng tôi đang từng ngày xây dựng. Đích cuối cùng mà chúng tôi mong muốn là có một live show riêng, vào thời gian gần nhất, về những thể loại âm nhạc kết hợp đúng con đường Phạm Thu Hà đang đi: live show nhạc cổ điển giao thoa. Đó là ước mơ của tôi từ lâu.

Ca si Pham Thu Ha - Toi di tren con duong khong tuoi

* Khác với dòng chillout mang đến cảm giác du dương, bay bổng trong lần hợp tác đầu, ở dự án mùa hè 2019 này, chất dance mang lại cảm giác sôi động. Sự thay đổi đó có mang đến một cảm hứng mới mẻ nào không? 

- Bảy năm trước, khi hát chillout, tôi hát thủng thẳng. Ở dự án mới, dance kết hợp cổ điển, nhịp ca khúc rất khó; trong khi đó, tôi vốn ít nghe nhạc tiết tấu mạnh. Có những nhịp, như nhịp 7/4, tôi nghĩ, chưa có nhạc sĩ nào ở Việt Nam sáng tác. Khi hát, như trường hợp ca khúc Vũ điệu bình minh, phải thu tới ba lần. Không những khó ở tiết tấu mà còn khó ở cách hát. Một điểm khó nữa, đây là những ca khúc hoàn toàn mới mà nhạc sĩ Võ Thiện Thanh viết lời, viết nhạc rồi tự phối… tôi phải có thời gian để ngấm ca khúc nữa. Nếu không ngấm, không thể hát hay.

Ca si Pham Thu Ha - Toi di tren con duong khong tuoi

Còn trẻ cứ giao thoa đi

* Với dự án mới, chân dung âm nhạc Phạm Thu Hà sẽ như thế nào?

- Phạm Thu Hà sẽ như một chú tắc kè hoa bay bổng trong dòng nhạc của mình. Có lúc êm dịu, nhẹ nhàng, có lúc năng động, trẻ trung, lúc lại ma mị. Đó cũng là hình ảnh nghệ sĩ mà Phạm Thu Hà luôn hướng tới: đa màu sắc trong chính dòng nhạc của mình. Tôi nghĩ, trong cuộc sống hiện tại hay trong âm nhạc, nếu không biết cách biến đổi, làm mới dòng nhạc của mình, chính mình tự nhiên sẽ bị tụt hậu. 

* Nhưng theo một cách hiểu khác, đa màu sắc cũng là không có cá tính. Vậy đâu mới là Phạm Thu Hà nhất?

- Điểm rõ nhất là kiên định với dòng nhạc bán cổ điển, cổ điển giao thoa. Nếu năm 2012, tôi kết hợp cổ điển với nhạc điện tử thư giãn trong Classic Meets Chillout thì năm 2013, trong Tựa như gió phiêu du, tôi kết hợp cổ điển với pop. Sau đó, năm 2015, kết hợp cổ điển với jazz trong Hà Nội… yêu… cho tới dự án Classic Meets Dance, kết hợp cổ điển với dance. Ngoài ra, từ năm 2019 - 2020, tôi cũng đang ấp ủ một dự án khác với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - kết hợp nhạc cổ điển với âm nhạc dân gian của Việt Nam.

Một sản phẩm khác nữa, cộng tác cùng nhạc sĩ Phạm Anh Khoa, hát ca khúc trữ tình đi cùng năm tháng, phối trên nền giao hưởng, đã thu xong, chỉ chờ một mùa thu đẹp nào đó sẽ công bố. Tôi nghĩ, đó là đa màu sắc trong một thể thống nhất. Có lẽ, tận cuối đời, tôi vẫn không thoát khỏi từ “cổ điển”. Cổ điển như là máu, là hơi thở của Phạm Thu Hà.

 Phạm Thu Hà thể hiện ca khúc Tiếng đàn ta lư:

* Dòng nhạc chị đi khá kén người nghe. Tôi chưa thấy nghệ sĩ nào thuộc dòng này có scandal. Sao Phạm Thu Hà không thử một chút để được nhiều người biết đến hơn?

- Nếu tôi có tư duy vậy, chắc nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sẽ không kết hợp với tôi. Anh ấy theo đạo Phật. Anh ấy có một đời sống khá bình lặng nhưng lại là một dòng chảy ngầm rất mạnh. Tại sao anh là dòng chảy ngầm mà mọi người vẫn không quên được anh? Rõ ràng, không phải tự nhiên mà thế.

Anh ấy chọn Phạm Thu Hà không phải chỉ vì thanh, sắc mà quan trọng nhất như anh vẫn nói, Phạm Thu Hà là một người lành. Anh ấy nói: “Đây là con đường xác lập một mình em đi trên thị trường hiện tại và đó là một con đường bình an, phù hợp với con người của em”. Tôi thấy anh nói đúng, nên tôi nghe, chứ Phạm Thu Hà cũng là một người rất cá tính, nổi loạn đấy.  

Muốn tạo scandal, tôi thấy, chẳng cần thiết phải cần đến một người có thực lực. Khi không có cái gì hay ho trong chuyên môn, người ta mới phải dùng những thứ khác để làm nổi mình. Với ca sĩ, cái đáng khoe nhất chính là giọng hát. 

Ca si Pham Thu Ha - Toi di tren con duong khong tuoi

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Phạm Thu Hà như thể sinh ra để hát nhạc cổ điển

Con đường cổ điển giao thoa mang âm nhạc cổ điển, âm nhạc bác học đến gần với công chúng bằng cách pha loãng, kết hợp với các dòng nhạc đương đại khác. Ở Việt Nam, có vài ca sĩ có khả năng theo dòng này nhưng với Phạm Thu Hà, điều đó rõ nét hơn.

Thứ nhất, Phạm Thu Hà được đào tạo bài bản từ Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Thứ hai, Hà có đam mê. Thứ ba, Phạm Thu Hà có một vẻ đẹp thánh thiện đặc trưng của ca sĩ hát cổ điển, không bị “thị trường” chi phối. Đó là ba yếu tố phù hợp để Phạm Thu Hà theo con đường này, như thể cô sinh ra để hát nhạc cổ điển.

Trước đây, Hà hát thuần thính phòng nhưng từ năm 2012 tới nay, giọng hát Phạm Thu Hà có nhiều bước phát triển, đặc biệt là ở MV Vũ điệu bình minh - có sự thay đổi đột biến. Hà biết cách kết hợp kỹ thuật thanh nhạc thính phòng và sáng tạo ra cách hát mới phù hợp với mình, tạo ra một dòng nhạc cổ điển giao thoa của Việt Nam.

 Đậu Dung (thực hiện)
 Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI