Không phải nhà hát hay những sân khấu lộng lẫy khác, Thế Huy chọn không gian văn phòng làm việc để thực hiện hai đêm nhạc cổ điển. Nhiều người cho rằng anh liều lĩnh, nhưng từ phía nam ca sĩ và GốcCreation - đơn vị cùng thực hiện chương trình - còn điều gì tuyệt vời hơn khi đưa âm nhạc thính phòng đến gần hơn với khán giả, tạo những trải nghiệm mới mẻ.
Phóng viên: Có thể xem The Recital: Thế Huy, Tenor (tên gọi hai đêm nhạc) là lần xưng danh chính thức của anh với khán giả trong nước. Anh muốn giới thiệu điều gì ở bữa tiệc âm nhạc của chính mình?
Ca sĩ opera Thế Huy: Với The Recital: Thế Huy, Tenor, tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc thuần túy để gửi lời chào đến khán giả, trong đó có nhóm khán giả mới - những người sẵn lòng cởi mở với nghệ thuật cổ điển, thể loại nhạc vốn luôn được coi là còn mới với thị trường trong nước.
Tôi mong mỗi khán giả đến nghe tôi hát cảm nhận được những thông điệp tươi sáng, lạc quan mà tôi gửi gắm qua các tác phẩm, đặc biệt sau khoảng thời gian biến động vì dịch bệnh. Sau cùng, tôi mong đêm nhạc cổ điển có thể mang lại những giá trị tinh thần mới mẻ, từ đó quy tụ được thêm cộng đồng yêu nhạc thính phòng, giúp dòng nhạc đến gần hơn với khán giả.
|
Thế Huy trong lần dự thi và trình diễn tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Chicago 2019 tổ chức tại Mỹ |
* Có phải vì mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả, nên anh chọn địa điểm tổ chức khá đặc biệt?
- Hai đêm nhạc được thực hiện tại một không gian làm việc của Toong, vốn không giống như những không gian quen thuộc khi khán giả nghĩ về âm nhạc opera. Đây là trải nghiệm mới của khán giả và cũng mới với chính tôi.
Tôi muốn mang âm nhạc cổ điển đến với khán giả theo cách gần gũi nhất. Bạn tưởng tượng xem, khi những tác phẩm kinh điển thế giới vang lên tại không gian phi truyền thống của thể loại này, chẳng phải trải nghiệm đó mới mẻ và đáng để thử nghiệm một lần hay sao? Có thể, lối hát cổ điển cần sự thuận lợi về không gian và kiến trúc để giúp cộng hưởng âm thanh, nhưng tôi muốn mang lại những trải nghiệm mới. Tôi dành nhiều thời gian để lên ý tưởng, luyện tập và thực hiện, hy vọng đêm nhạc ghi được dấu ấn trong lòng khán giả.
* Anh tham gia biểu diễn cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM khá sớm. Từ đó đến nay, anh thấy sự đón nhận của khán giả trong nước với dòng nhạc này có thay đổi?
- Những năm gần đây, tôi thấy sự quan tâm và đón nhận của khán giả trong nước với âm nhạc cổ điển có nhiều chuyển biến tích cực. Các đêm nhạc giao hưởng, thanh xướng kịch hay các vở opera được dàn dựng tại nhà hát lớn nhiều hơn, đi cùng với lượng khán giả ngày một tăng. Ngoài ra, những dự án âm nhạc nhỏ hơn của các tổ chức phi lợi nhuận nhằm giới thiệu loại hình này cũng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả trẻ.
* Sự khởi sắc là có, nhưng chúng ta vẫn chưa tạo ra những “cú nổ” lớn, thu hút truyền thông. Còn nhớ tháng 4/2020, danh ca khiếm thị Andrea Bocelli hát trước nhà thờ Ý đã khiến cả thế giới rưng rưng lệ. Liệu có cách nào để chúng ta tạo được những cơ hội như vậy?
- Trong quá trình theo học tại Nhạc viện TP.HCM, tôi thấy các bạn nghệ sĩ trẻ như tôi đều mang trong mình hoài bão thực hiện được những dự án âm nhạc cho riêng mình, mang lại những giá trị tích cực cho khán giả và cộng đồng. Điều này cũng là một phần quan trọng thôi thúc tôi mạnh dạn thực hiện những ý tưởng của mình, nhằm khích lệ ngọn lửa bên trong của các nghệ sĩ trẻ khác.
Chúng tôi có sự tươi trẻ, có ý tưởng mới và khá táo bạo với niềm đam mê của chính mình. Thật khó nói trước chúng tôi sẽ làm gì cụ thể, nhưng chắc chắn, chúng tôi luôn muốn mang âm nhạc cổ điển đến với khán giả theo cách tuyệt vời nhất.
* Từ lâu, nhiều nghệ sĩ và thực tế cũng cho thấy dòng nhạc cổ điển ở Việt Nam chưa tiếp cận được khán giả đại chúng. Lựa chọn theo đuổi âm nhạc cổ điển đòi hỏi người nghệ sĩ phải thật sự đam mê và chấp nhận con đường đi không lấp lánh bằng ca sĩ thị trường. Anh thấy những được - mất ở lựa chọn của mình thế nào?
- Khi chọn theo đuổi bất kỳ môn nghệ thuật nào, người nghệ sĩ cũng phải đối mặt với những thử thách hay thuận lợi riêng. Đối với âm nhạc cổ điển trong nước, tuy cơ hội chưa nhiều, nhưng tôi nhận thấy khán giả vẫn đang trên đà tiếp cận, và rất sẵn sàng mở lòng. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các nghệ sĩ trẻ đang theo đuổi con đường giống tôi đều ý thức rõ, con đường đang đi ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng tín hiệu lạc quan và cơ hội vẫn rất lớn. Chỉ cần đủ đam mê, tôi tin các nghệ sĩ sẵn sàng tạm gác yếu tố được - mất để tiếp tục nỗ lực và chinh phục đỉnh cao phía trước.
* Hai năm vừa qua là giai đoạn khó khăn với âm nhạc cổ điển, bởi những đêm nhạc trong nước vốn đã ít, nay lại ít hơn, và có thời gian dài đóng cửa. Với nghệ sĩ theo đuổi nhạc cổ điển và riêng anh, hai năm qua khó khăn thế nào?
- Hai năm đại dịch với rất nhiều khó khăn cho tất cả lĩnh vực, và ngành nghệ thuật, có lẽ cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. Các nghệ sĩ không thể có những sân khấu trình diễn trước khán giả như trước. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó, âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung, hoàn toàn lại chính là liều thuốc tinh thần xoa dịu những tổn thương một cách tốt nhất. Nhiều dự án thực hiện theo hình thức trực tuyến được đón nhận. Đây cũng là thời điểm tôi có cơ hội đóng góp giá trị nhiều hơn cho cộng đồng.
* Như chia sẻ, trong năm 2022, anh sẽ tiếp tục thực hiện những dự án mang âm nhạc đến gần hơn với cộng đồng, nhưng không chỉ có thế?
- Dù chưa thể chia sẻ chi tiết về từng hoạt động, nhưng những dự án được thực hiện trong kế hoạch năm 2022 của tôi đa dạng về mặt hình thức, trải nghiệm của khán giả cũng như giá trị nội dung bên trong các chủ đề. Nhưng trên tất cả, mong mỏi lớn nhất qua từng dự án của tôi chính là góp phần thân thuộc hóa loại hình âm nhạc này với cộng đồng, ở đây là khán giả từ mọi lĩnh vực, công việc trong xã hội. Chính sự tiếp cận ngày một được mở rộng đó, nhiều giá trị tích cực và mới mẻ sẽ được lan tỏa rộng hơn, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người.
* Xin cảm ơn anh!
Diễm Mi (thực hiện)