|
Tác giả Viên Nghiệp (phải) khởi kiện ca sĩ Lâm Chấn Khang |
Viên Nghiệp khởi kiện Lâm Chấn Khang
Hôm 11/5, tác giả Viên Nghiệp (tên thật Phạm Văn Lành) gửi đơn kiện ca sĩ Lâm Chấn Khang đến TAND TPHCM vì vi phạm bản quyền. Vụ việc lùm xùm nhiều năm qua, nhưng đến nay tác giả Viên Nghiệp mới khởi kiện.
Lạy tình là một trong những ca khúc gắn liền với tên tuổi của Lâm Chấn Khang. Tác giả Viên Nghiệp cho biết anh sáng tác bài này năm 2009, sau đó gửi demo bài hát đến nhiều ca sĩ. Với Lâm Chấn Khang, Viên Nghiệp cho biết anh gửi qua địa chỉ yahoo Khangprofilm.
Tháng 6/2012, tác giả Viên Nghiệp đăng ký bản quyền cho nhiều ca khúc. Cùng năm, ca sĩ Lâm Chấn Khang ra DVD, trong đó có bài Lạy tình, ghi tác giả là Lâm Chấn Khang. Trước điều đó, tác giả Viên Nghiệp liên hệ với Lâm Chấn Khang, yêu cầu đính chính nhưng nam ca sĩ không hợp tác lại còn buông lời thách thức.
|
Giấy chứng nhận quyền tác giả ca khúc Lạy tình |
Thời điểm này, do không có điều kiện nên tác giả Viên Nghiệp không mời luật sư vào cuộc. Năm 2014, anh liên hệ lại với Lâm Chấn Khang và nhận được phản hồi tương tự lần trước. Sau này, khi thành lập Trung tâm Góp nhặt lời ca, anh được bạn bè động viên nhờ pháp luật can thiệp.
Viên Nghiệp cho hay sau khi vợ anh đăng bài tố cáo trên mạng xã hội, đầu năm 2021, Lâm Chấn Khang xuống Vĩnh Long để tìm hướng giải quyết với anh. Nam ca sĩ hứa giải quyết sau 3 ngày, trong đó có bồi thường tiền, nhưng cuối cùng không thực hiện. Sau đó, ca sĩ ẩn ý ca khúc Lạy tình của mình bị người khác "nhận vơ". 2 bên không có thêm cuộc gặp nào và tác giả Viên Nghiệp nhờ luật sư vào cuộc.
Viên Nghiệp cho biết anh mang theo 2 điện thoại, dự định ghi âm, nhưng ca sĩ Lâm Chấn Khang đề nghị 2 bên bỏ điện thoại ra. Tin tưởng Lâm Chấn Khang có thiện chí, anh đã không ghi âm cuộc trò chuyện.
Thông tin trái chiều
Sau nhiều ngày liên hệ, chúng tôi kết nối được với ca sĩ Lâm Chấn Khang vào sáng 17/5. Anh cho biết hiện đã ủy quyền cho luật sư Nguyễn Hà An giải quyết vụ việc nên không phát ngôn gì thêm.
Được biết, vào cuối tháng 2/2022, luật sư Nguyễn Hà An (đại diện Lâm Chấn Khang), tác giả Viên Nghiệp và luật sư đại diện cùng với ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có buổi gặp mặt trao đổi về câu chuyện này. Bài hát Lạy tình được Lâm Chấn Khang ủy quyền cho VCPMC khai thác từ năm 2012.
Qua so sánh, đối chiếu bước đầu, bài của tác giả Viên Nghiệp ký âm nhịp 3/4, còn bản của Lâm Chấn Khang là nhịp 2/4. Phần lời giống nhau 2/3. Cao độ giống nhau, khác nhau trường độ, ký âm, nhịp điệu. Tác giả Viên Nghiệp cho rằng việc tạo ra bản phối với nhịp khác nhau rất dễ thực hiện.
|
Luật sư Nguyễn Hà An (trái) đại diện ca sĩ Lâm Chấn Khang giải quyết vụ kiện |
Luật sư Nguyễn Hà An cho rằng Lâm Chấn Khang sáng tác độc lập bài hát này từ năm 2010 và dần hoàn thiện, cho đến đầu năm 2012 thì mang đi biểu diễn, được hưởng quyền tác giả căn cứ theo Điều 6, 13, 18, 19, 20 và 21 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 Luật Sở hữu trí tuệ.
“Chúng tôi đã có đơn gửi lên Cục Bản quyền tác giả đề nghị hủy bỏ giấy chứng nhận quyền tác giả bài hát Lạy tình đã cấp cho anh Phạm Văn Lành và đang chờ giải quyết”, luật sư Nguyễn Hà An chia sẻ. Phản bác những thông tin trên, tác giả Viên Nghiệp nói anh vẫn còn giữ bản ghi âm từ năm 2009, chứng minh ca khúc này do anh sáng tác.
Được biết, trong cuộc gặp trên, phía Lâm Chấn Khang cho biết muốn giải quyết sự việc êm đẹp và đề nghị phía Viên Nghiệp "đưa ra một con số", nhưng vẫn khẳng định ca khúc là của Lâm Chấn Khang.
Không chỉ Lâm Chấn Khang bị kiện...
Ngoài Lâm Chấn Khang, tác giả Viên Nghiệp còn khởi kiện VCPMC. Anh cho rằng đơn vị này thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, cập nhật thông tin về quyền tác giả. Từ đó đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh, đồng thời tạo điều kiện để ca sĩ Lâm Chấn Khang có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở phạm vi rộng hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn.
Thực tế, trong hợp đồng giữa VCPMC ký với các tác giả có điều khoản tác giả tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với tác phẩm âm nhạc. Nhận định về sự việc, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng hợp đồng trên bản chất là một giao dịch dân sự. Theo Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định cụ thể điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Luật sư Cường nhận định nếu trong trường hợp Lâm Chấn Khang vi phạm bản quyền thì thỏa thuận trên có thể bị tuyên vô hiệu.
|
Trang đầu tiên trong đơn kiện của tác giả Viên Nghiệp gửi đến TAND TPHCM |
Hợp đồng giữa VCPMC với Lâm Chấn Khang thuộc dạng hợp đồng ủy quyền khai thác. Theo đó, để hợp đồng có hiệu lực, người ủy quyền phải có quyền hợp pháp đối với các tác phẩm của mình. Nếu việc khai thác không hợp pháp, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi đó, không riêng VCPMC mà bất kỳ đơn vị nào khai thác, sử dụng ca khúc này đều phải chịu trách nhiệm bởi là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trước pháp luật.
Tổng số tiền tác giả Viên Nghiệp yêu cầu cá nhân Lâm Chấn Khang, VCPMC, VMG và các đơn vị khác bồi thường là khoảng 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, cá nhân Lâm Chấn Khang, VCPMC, VMG phải xin lỗi công khai trên 3 số báo liên tiếp trên một tờ báo ( bản in lẫn bản điện tử).
Tác giả Viên Nghiệp cũng kiện Công ty Cổ phần truyền thông VMG, Công ty Phát triển dịch vụ Giá trị gia tăng - chi nhánh Tổng công ty Truyền thông VNPT-MEDIA, Công ty Cổ phần dịch vụ truyền thông DND Việt Nam, Công ty Cổ phần công nghệ và truyền thông AIT Việt Nam, Công ty Cổ phần NCT, Tổng công ty viễn thông Viettel… vì có hành vi khai thác, hoặc ký kết với VMG, VCPMC để khai thác, sử dụng trái phép tác phẩm này. |
Thành Lâm