Ca sĩ Jun Phạm: "Tôi không còn chạy trốn nỗi buồn"

28/08/2023 - 13:02

PNO - Một cuốn sách vừa ra mắt và tái bản ngay lập tức, một biến cố vừa ập đến chưa lâu, ở 2 thái cực giữa sung sướng và đau buồn, hạnh phúc và mất mát, Jun Phạm - chàng ca sĩ diện mạo thư sinh, đa tài - cho thấy sự trưởng thành và lạc quan trong suy nghĩ.

Người nổi tiếng viết sách không còn là điều mới mẻ. Jun Phạm viết sách lại càng không mới. Tôi biết anh còn có nhiều tài lẻ về ngôn ngữ, ẩm thực chứ không riêng văn chương. Jun có đủ cơ hội để trở thành một blogger hay điều gì đó tương tự nhưng anh vẫn ở đấy, trong định dạng một ca sĩ, hát những ca khúc trong trẻo, hiền lành, tinh nghịch. Và anh vẫn ở đấy với kịch bản phim, sách vở, chữ nghĩa. Thay vì chạy đi tìm kiếm những điều xa xôi, đeo đuổi những mộng ước không thật, anh vui vẻ với những gì đang có.

Jun nói, những điều tuyệt vời nhất bắt nguồn từ những điều giản dị nhất. Vậy nên anh trân quý tất cả những gì xảy đến, kể cả nỗi buồn, kể cả mất mát. Nuôi 1 chú mèo, Jun nói mèo vừa là bạn, vừa là thầy, giúp anh học được tâm thế ung dung và giữ được đứa trẻ bên trong.

“Tôi luôn viết trong tâm thế chỉn chu nhất" 

* Phóng viên: Đây không phải lần đầu Jun viết sách nhưng Xứ sở miên man hẳn là cuốn sách đặc biệt nhất với anh từ trước đến nay?

Ca sĩ Jun Phạm: Đúng như chị nói, đây là quyển sách đặc biệt nhất trong 5 đầu sách tôi đã viết. Tiền thân của Xứ sở miên man là kịch bản do nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đặt hàng. Đó là một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch khó khăn, nhận thấy bộ phim khó có thể thành hình, tôi đã xin lại từ nhà sản xuất để phát triển thành sản phẩm văn học.

Vốn dĩ là kịch bản phim, đặc trưng của thể loại là thoại nên khi chuyển thành tác phẩm văn học, tôi phải rèn lại cách viết rất nhiều. Viết sách cho người lớn đã khó, viết sách cho thiếu nhi hay ít nhất là câu chuyện có nội dung thiên về cổ tích càng khó hơn gấp nhiều lần. Thú thật không ít lần tôi chán nản vì bí từ khi mô tả, vì cốt truyện dài khiến mình có cảm giác đi mãi không hết được. Có thời điểm, tôi phải dừng lại 1, 2 tháng để suy nghĩ nên tiếp tục viết như thế nào cho hấp dẫn. Thật may vì cuối cùng quyển sách đã hoàn thành và được bạn đọc yêu mến.

* Cảm giác sách tái bản ngay sau ngày vừa ra mắt như thế nào? Theo anh, đó là do nội dung đáng đọc hay sức hút từ cái tên Jun Phạm đã làm nên kỳ tích này?

- Tôi nghĩ cả hai yếu tố trên đã giúp Xứ sở miên man tái bản sau 1 ngày ra mắt. Nhưng dù là vì lý do gì thì niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi chính là sự yêu thương và ủng hộ của người hâm mộ. Tôi vẫn từng ngày ngóng chờ những đóng góp của độc giả để hoàn thiện cách viết cho những cuốn sách tiếp theo.

* Cuốn sách tiếp theo của anh sẽ là gì? Về chú mèo của anh chăng?

- Xứ sở miên man không phải là một dự án ngắn hạn. Tôi dự định sẽ viết thành loạt truyện. Đã là thế giới miên man thì không thể chỉ có 1 thế giới, một vài câu chuyện. Những nội dung nền tảng cũng đã thành hình. Quyển đầu tiên chính là động lực để tôi tự tin bước tiếp.

Sách về mèo ư? Đó cũng là một gợi ý vô cùng hay ho. Tôi là người yêu mèo và học hỏi được rất nhiều từ chúng. Điều tôi thích nhất, thậm chí đôi lúc ngưỡng mộ bọn mèo, là chúng luôn giữ được tinh thần thư thái, thong dong. Chúng nhìn cuộc sống bằng đôi mắt hiếu kỳ, tinh nghịch. Nhờ đó, chúng luôn tràn đầy năng lượng. Tôi cho rằng, sự hiếu kỳ là thứ giúp mình trẻ mãi và thêm yêu đời, yêu người.

* Tôi không bất ngờ trước khả năng viết của anh. Điều khiến tôi ngạc nhiên là vì sao một người có khả năng như thế lại không chọn viết là con đường chuyên nghiệp?

- Tôi vẫn luôn viết với tâm thế chỉn chu nhất. Bằng chứng là mọi dự án ra mắt đều cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Là người yêu sách, đọc sách và viết được kha khá đầu sách, tôi cũng tỉnh táo nhận ra mình không thể dồn hết thời gian để trở thành người viết chuyên nghiệp. Hẳn chị cũng biết thị trường sách Việt Nam vẫn vô cùng non trẻ. Tác giả dù chuyên nghiệp vẫn chưa thể sống được với nghề. Mà cuộc sống còn quá nhiều điều phải lo.

Cho dù con số xuất bản ra thị trường có lên đến chục vạn bản thì vẫn quá nhỏ bé. Và không phải quyển sách nào, tác giả nào cũng được như thế.
Với tôi, viết sách là thú vui, là niềm đam mê chia sẻ những câu chuyện, suy nghĩ của mình đến độc giả chứ không phải là kế sinh nhai. Có lẽ nhờ không viết vì áp lực cơm áo gạo tiền nên tinh thần của tôi thoải mái hơn và khi viết, tôi cũng chiều chuộng cảm xúc của mình hơn.

Xứ sở miên man - cuốn sách thứ năm của Jun Phạm
Xứ sở miên man - cuốn sách thứ năm của Jun Phạm

* Theo anh, viết sách hay viết kịch bản dễ hơn?

- Tôi cho rằng mỗi thể loại đều có cái khó riêng. Đặc trưng của kịch bản là thoại và hình ảnh, hành động, từ đó thấy được tính cách nhân vật còn đặc trưng của tác phẩm văn học là cách kể, cách mô tả. Có không ít tác phẩm khá bình thường nhưng khi chuyển thể thành phim lại rất ăn khách. Trái lại, cũng có tác phẩm nổi tiếng khi chuyển thành phim lại gây thất vọng. Với tôi, cả hai thể loại trên bổ trợ cho nhau rất nhiều trong công việc. Viết kịch bản giúp tôi có căn bản cấu trúc chương hồi rõ ràng hơn và viết văn học giúp tôi tự do sáng tạo hơn mà không phải lo đến các phần như chi phí sản xuất.

Hạnh phúc bắt đầu từ những điều giản dị 

* Trong những điều anh đã viết, nội dung nào dành cho cha anh?

- Bố ra đi là biến cố vô cùng bất ngờ với tôi. Tôi có hẳn 2 chương viết về 1 nhân vật lấy cảm hứng từ bố và cảm thấy hạnh phúc khi sách kịp hoàn thành phần bìa để bố có thể ngắm nhìn trước lúc đi xa. Khi người thân yêu mất đi, khoảng trống đó rất khó và rất lâu, thậm chí không thể lấp đầy.

Hễ bận rộn với công việc thì thôi, có thời gian rảnh là tôi lại nghĩ ngợi, lại nhớ về những ký ức tươi đẹp trước kia. Nỗi buồn bao trùm tất cả. Thế nhưng giờ đây, tôi không còn chạy trốn nỗi buồn. Nỗi buồn tựa như 1 người bạn. Bạn ấy đang cần tôi. Do đó, tôi sẽ chăm sóc, yêu thương nỗi buồn thay vì ghét bỏ. Đó cũng là cách yêu thương bản thân. Mong rằng bạn ấy sẽ mau chóng khỏe lại, cũng là cho mình cơ hội bước sang chương tiếp theo của cuộc đời.

* Ai đã ở cạnh anh trong những ngày buồn bã ấy? Anh có cảm thấy lạc lõng hay mất phương hướng khi bố - điểm tựa lớn nhất - không còn?

- Tôi có khá nhiều mối quan hệ tử tế, từ bạn bè, đồng nghiệp đến gia đình. Mọi người đều yêu thương, quan tâm đến tôi. Nhưng, như vừa chia sẻ, nỗi buồn dù thế nào vẫn là một người bạn cần thiết. Có lẽ do trải qua nhiều mất mát từ sớm nên tôi thấy nỗi buồn không hề đáng sợ. Mỗi sự mất mát lớn lao đều cho tôi cơ hội nhìn lại mình, cho tôi sự trưởng thành vượt bậc. Bài học lớn nhất, giá trị nhất chính là mình bắt đầu tin và hiểu nhiều hơn về sự vô thường của cuộc đời.

Bố tôi có một câu nói rất hay khiến tôi nhớ mãi: “Bố không còn mẹ nữa. Đôi lúc, bố cảm thấy cô đơn nhưng bố không hề cô độc vì có các con”. Tôi cũng vậy. Không còn bố, căn nhà sẽ trống trải biết mấy, tôi cũng cô đơn biết mấy nhưng tôi biết mình không cô độc, không lạc lõng. Bởi lẽ, quanh tôi vẫn còn những mối quan hệ ruột thịt, những tình cảm thiết thân - là anh Hai, là chị Vân, là các em trong cùng công ty và bạn bè thân thiết.

* Có điều gì anh muốn làm cho bố mà mãi vẫn chưa làm được?

- Tôi thuộc kiểu người sống hết mình với hiện tại nên chưa bao giờ cảm thấy hối hận hay hối tiếc bất cứ điều gì. Tôi đã cùng bố đi khắp nơi, trải qua nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Tôi tin rằng "yêu thương ngay bây giờ" chính là chìa khóa giúp chúng ta bớt hối tiếc khi người thân bất ngờ ra đi. Bố tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời và tôi luôn có một người bố tuyệt vời như vậy.

Giao lưu cùng độc giả trong buổi ra mắt sách
Giao lưu cùng độc giả trong buổi ra mắt sách

* “Những điều tuyệt vời nhất luôn bắt nguồn từ những gì đơn giản nhất”. Dường như Jun Phạm đã trưởng thành lâu lắm rồi mà ít người nhận ra?

- Đúng vậy. Một bữa cơm ngon cùng gia đình, một khoảnh khắc ý nghĩa được ghi lại trong chuyến đi hay chỉ đơn giản là tối về muộn vẫn thấy bóng dáng bố ngồi đợi… vẫn luôn khiến tôi xúc động. Sự hào nhoáng bên ngoài đôi lúc khiến người ta dễ quên đi vẻ đẹp của những điều bình dị, sự yêu thương từ những người thân yêu. Nhiều người vẫn nghĩ Jun Phạm còn nhỏ xíu. Suy nghĩ ấy càng khiến tôi thấy thú vị. Tôi thích sự tương phản. Nó giúp tôi có thể đưa ra cái nhìn đa chiều trong công việc và cuộc sống.

* Trưởng thành, với anh là…

- Là khi mình cảm nhận được cha mẹ cần mình hơn là mình cần cha mẹ. Với tôi, trưởng thành là hành trình học cách nhỏ bé lại. Ta không thể thay đổi thế giới, không thể làm những điều lớn lao, vĩ đại thì hãy làm những điều trong khả năng và không ngừng nỗ lực.

Đừng mất niềm tin vào chính mình

* Lâu rồi không thấy anh xuất hiện trong phim ảnh. Cơ hội đang ít dần đi hay là vì anh chọn lọc?

- Thực tế thì tôi vẫn tham gia phim ảnh đều đặn mỗi năm. Có thể vì là phim truyền hình nên ít người biết đến. Trong năm nay, tôi đang có kế hoạch tham gia 1 phim mới. Diễn xuất có rất nhiều điều thú vị, cho tôi hóa thân thành nhiều nhân vật, được sống những đời sống khác nhau nên tôi bị cuốn vào đó.

Tôi không quá quan trọng dự án là điện ảnh hay truyền hình, vai chính hay vai phụ. Để làm nên thành công của 1 bộ phim đòi hỏi nhiều công sức, sự đóng góp, chung tay của nhiều người, nhiều bộ phận. Điều tôi quan tâm nhất khi nhận lời 1 dự án là cảm giác được làm việc cùng những người chung chí hướng, hiểu nhau và vui vẻ khi gắn bó với nhau.

Bên bạn bè, đồng nghiệp thân thiết
Bên bạn bè, đồng nghiệp thân thiết

* Gương mặt “trẻ mãi không già” với anh là thuận lợi hay là thử thách?

- Là chị đang khen tôi phải không? Chứ tôi thấy mình đã già đi rất nhiều trong năm nay rồi (cười lớn). Trở lại câu hỏi của chị, tôi thấy gương mặt trẻ lâu có nhiều thuận lợi hơn là thử thách. Thử thách nếu có, đa phần thuộc về mảng phim. Các đạo diễn thường chọn tôi vào các vai quá trẻ so với bản thân và đó cũng là lý do chính khiến tôi ít nhận phim. Thử thách này lại khiến tôi háo hức với 1 dự án mới, nhiều bất ngờ hơn là được mời vào 1 vai đo ni đóng giày.

Với lĩnh vực âm nhạc, tôi lại chọn trẻ tuổi. Sao lại ngại đóng khung trong khi cái khung này của mình được khán giả yêu mến nhất? Quan trọng hơn, đó lại là con người thật của tôi. Không phải gồng vào một bản thể khác nên tôi không cảm thấy chán với hình ảnh âm nhạc này.

* Khi người ta lớn, niềm tin vào những điều diệu kỳ cũng vơi đi. Làm thế nào để nuôi dưỡng được thế giới trẻ thơ trong mình trước thế giới thực?

- Thật khó để bày tỏ quan điểm này vì mỗi người có một cuộc đời khác nhau. Ta không thể suốt ngày mơ mộng nếu cả nhà đang vật lộn với cơm áo gạo tiền. Nhưng cũng đừng vì khó khăn, vất vả mà mất đi niềm tin vào những điều diệu kỳ trong cuộc sống. Lòng tốt vẫn còn đó, phép màu vẫn hiện diện. Mỗi trải nghiệm sẽ cho ta thêm vững vàng. Trong những đường biên hay lằn ranh của thiện - ác, tốt - xấu, chính niềm tin sâu thẳm bên trong sẽ cho ta biết nên chọn con đường nào. Vậy nên, dù có mất niềm tin với tất cả ngoài kia, cũng đừng bao giờ mất niềm tin vào chính mình.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Nhã Ca

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI