PNO - PNCN - Nhắc đến nhạc Trịnh người ta nhắc đến Khánh Ly, đến Hồng Nhung… ít ai biết rằng một gương mặt quen thuộc khác cũng từng là “bóng hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: ca sĩ Hồng Hạnh. Thế nhưng, ở ngay cái giai đoạn...
edf40wrjww2tblPage:Content
Khi cụm từ “bóng hồng của Trịnh Công Sơn” được không ít phụ nữ tìm cớ nhắc đến để tự hào, thì Hồng Hạnh cất đi những ngày tháng đó của mình mà không một lần nhắc lại. Chị là ca sĩ đầu tiên được chính Trịnh Công Sơn mời thu nhạc của mình sau khi Khánh Ly ra nước ngoài. Ngày đó, cứ chị thưa sang nhà chơi thì cố nhạc sĩ lại nhắc. Ở hiên nhà đó, chị và Trịnh Công Sơn bàn luận về chuyện âm nhạc, ông đưa cho chị bài hát, tìm nhạc sĩ hòa âm, đón chị đi thu âm, bảo bọc chị như một món quà quý… Những ngày của tuổi đôi mươi đẹp như tranh, sự yêu chiều ấy cũng chẳng ai buồn gọi tên là gì, chị cũng không cho rằng đó là tình yêu, nhưng là những tháng ngày mà chị trân quý cho đến bây giờ. Chỉ có điều, cuộc sống không như tranh vẽ, và Hồng Hạnh là mẫu người của sự an toàn, cả cha chị - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết cũng muốn con gái tìm nơi an toàn. Sự an toàn đó không hẳn là vật chất, mà là một cảm giác. Cuối cùng, chị tìm thấy sự an toàn đó ở một người lớn hơn chị nhiều tuổi, một doanh nhân người Nhật, vốn là khán giả yêu giọng hát của chị. Ngày chị lấy chồng, nhiều người hoài nghi bởi độ tuổi chênh lệch khá lớn, nhưng với chị, tình yêu thì đâu quan trọng tuổi tác.
Hồng Hạnh trong ngày xuất giá theo chồng
Không muốn nói rõ tên anh, cũng chẳng muốn tiết lộ gì nhiều bởi với chị, gia đình là một phạm trù riêng tư mà chị hạn chế nhắc với khán giả. Chị chỉ nói ngắn gọn rằng, chẳng có xung đột văn hóa nào diễn ra như nhiều cặp vợ Việt - chồng nước ngoài khác, nếu không muốn nói là ngược lại. Văn hóa ứng xử của người Nhật là một điều mà sau bao nhiêu năm sống chung cùng chồng, vẫn là điều mà chị cảm thấy mình may mắn gặp được. Ở đó có sự đối thoại chứ không đàn áp, hành động nhiều hơn lời nói. “Biết tôi giận nhưng anh ấy chẳng nói lời dỗ dành đâu, nhưng thông qua những hành động sau đó thì tôi biết là anh ấy đang vỗ về mình”, chị nói.
Ngày cưới, vợ chồng chỉ có trong tay số tiền đủ để đặt nền móng cho một cuộc kinh doanh, là mở nhà hàng Nhật, còn lại phải vay mượn và nhờ vả gia đình. Lúc mới bắt đầu, anh trai của chồng chuyển sang Việt Nam một container thực phẩm Nhật với lời nhắn nhủ: khi nào có tiền thì hẵng trả. Vợ chồng chị bắt đầu từ đó. Những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, ẩm thực Nhật vẫn còn là mảnh đất trống tại Việt Nam, chính vì vậy mà việc kinh doanh khá thuận lợi. Từ một nhà hàng, họ phát triển thành nhiều nhà hàng. Kinh doanh càng thuận lợi, Hồng Hạnh càng rời xa âm nhạc. Chị hàng ngày phải phụ chồng trông coi nhà hàng, tính toán sổ sách, tiếp đãi bạn bè, rồi con chị ra đời. Đứa con cùng những con số lấy đi của chị thời gian, và mang đến cho chị sự bức bách mỗi khi nghĩ về âm nhạc. Sau khi sinh con, chị quay trở lại âm nhạc với một vài sản phẩm. Nhưng rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất (năm 2001) và sau đó vài năm, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết cũng qua đời. Sự hụt hẫng choáng lấy tâm trí chị. Chị mất một thời gian dài để trở về là chính mình, và chính phim Cuộc chiến hoa hồng mà chị vào vai bà mẹ chồng “nhí nhảnh” đã khiến chị có cảm hứng trở lại với nghệ thuật.
Hồng Hạnh nói, chị là người bướng bỉnh và nóng tính, còn ông xã thì ngược lại, điềm tĩnh và ôn hòa. Trong cuộc sống hôn nhân đó, sự bốc đồng của chị nhiều lần bột phát, để rồi chị sau đó tự điều chỉnh mình. Nhiều năm trước chị từng được mời vào vai chính trong phim điện ảnh Cô thủ môn tội nghiệp, nhưng khi nói với chồng ý định tham gia, anh im lặng. Có quá nhiều lý do cho sự im lặng đó, chị hiểu hết, nhưng chị buồn. Lần đó chị từ chối phim (sau này Thanh Mai thay vào vai chị) và cắt phăng mái tóc dài đặc trưng của một Hồng Hạnh hát tình ca để “đáp trả” sự im lặng của chồng. Đó là lần bốc đồng nhất trong cuộc đời chị, và với lần đó, anh cũng nhìn mái tóc ngắn của chị mà không nói gì. Ngẫm lại, chị bảo, ít nhất thì nhờ sự im lặng đó mà những lần “nổi cơn tam bành” của chị đôi khi không gây ra “hậu quả” gì nghiêm trọng.
Giờ thì con trai duy nhất của chị đã 22 tuổi, đang du học và không có ý định tham gia nghệ thuật. Vợ chồng chị cũng không còn bận bịu kinh doanh nữa, chỉ giữ lại một nhà hàng để họ có nơi tiếp đãi bạn bè. Chị không phải hàng ngày nấu cơm cho chồng ăn, con chị không bị bắt buộc phải sõi tiếng Nhật. Có thể với người khác, có chút gì đó hơi... khác thường khi con trai chị nói chuyện với bố bằng tiếng Anh, nói chuyện với mẹ bằng tiếng Nhật. Nhưng, chị nói, quan trọng là bản thân mỗi thành viên đều cảm thấy thoải mái với những chi tiết trong cuộc đời mình, còn lại đều không quan trọng. Giờ thảnh thơi, chị lại muốn hát nhiều hơn. Thật ra chị vẫn hát trong bao năm qua, chỉ là không quá chú trọng. Chị muốn thực hiện một album mà chị thao thức từ mấy chục năm qua, một album nhạc Trịnh. Album Diễm xưa đã được chị cho ra mắt vào đầu năm 2014. Vài đêm nhạc Trịnh nho nhỏ cũng được chị tổ chức tại Nhật mới đây. Một đêm nhạc Trịnh tại Hà Nội trong không gian đặc biệt cũng sắp diễn ra, sau đó nữa là một album “the best song of Hồng Hạnh”…
Trở về âm nhạc với lần này, Hồng Hạnh thư thái hơn nên sẽ hát tròn đầy hơn, như cái thư thái và tròn đầy của gia đình mà chị đang có.