Không phải gương mặt xa lạ với khán giả ca nhạc, ca sĩ Hoài Phương - cựu thành viên của nhóm Mặt Trời Đỏ và Mặt Trời Mới được đánh giá là một ca sĩ trẻ được đào tạo bài bản về thanh nhạc và sử dụng thành thạo đàn tì bà trong các ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại. Tốt nghiệp khoa Âm nhạc dân tộc, Học viện Âm nhạc quốc gia năm 1999 và khoa Thanh nhạc hệ đại học, Học viện Âm nhạc Huế 2005, cô từng là giọng hát chính đầy nội lực của hai nhóm nhạc nổi tiếng này.
Sau một thời gian tách nhóm biểu diễn, đồng thời đảm trách vai trò trưởng đoàn Ca của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Hoài Phương bỗng tạm dừng tất cả để thành lập nhóm nhạc nữ Giao Thời gồm bốn thành viên mà cô là trưởng nhóm cùng ba cô gái: Phương Thùy, Ngọc Trâm, Ánh Nguyệt.
|
Ca sĩ Hoài Phương, trưởng nhóm Giao Thời |
Chọn phong cách biểu diễn trẻ trung kết hợp cùng các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn tơ- rưng, đàn bầu, sáo… Giao Thời nhanh chóng trở thành nhóm nhạc nữ khá đắt sô trong các chương trình biểu diễn âm nhạc. Mới đây, nhóm Giao Thời ra mắt MV Bước chân Việt - một sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Hoài An, tạo ấn tượng mạnh với khán giả, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước của những người trẻ…
* Chọn thể hiện ca khúc với ca từ nói về truyền thuyết trăm trứng nở trăm con và tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc quả là một thử thách không nhỏ. Vì sao lại là Bức Tranh Việt mà không phải là điều gì khác?
- Từ lâu tôi và các bạn trong nhóm đã có ý định tìm kiếm một ca khúc nhằm đề cao lòng tự hào dân tộc, như một cách nhóm thể hiện tình cảm của mình, nhưng điều này không đơn giản. Bởi ca khúc biểu diễn cho nhóm phải đáp ứng các tiêu chí như cách phối, chia mảng miếng cho các nhạc cụ dân tộc cùng tham gia biểu diễn đòi hỏi phải có sự am hiểu của nhạc sĩ sáng tác.
Tình cờ, trong một lần trao đổi, nhạc sĩ Hoài An đã gửi tặng ca khúc Bức Tranh Việt, vừa nghe qua tôi và các bạn đã yêu thích ngay. Bản sáng tác của anh Hoài An chủ yếu dành cho nhạc trẻ, tôi đã đề nghị nhạc sĩ Lý Huỳnh Long phối lại và nhạc sĩ Hoàng Anh bổ sung cho phần nhạc cụ để nhóm biểu diễn. Từ cảm xúc đó, chúng tôi quyết định làm MV và chọn thời điểm này ra mắt, với mong muốn khơi gợi lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước với các bạn trẻ.
* Ý tưởng hướng về giá trị truyền thống, nhưng cách thể hiện của nhóm Giao Thời rất trẻ và “bốc lửa” ngay trong phong cách biểu diễn và trang phục. Có điều gì bất hợp lý ở đây không?
- Cảm ơn vì chị đã nhận ra ngay điều này, vì đó cũng chính là điều mà chúng tôi hướng đến. Thú thật là khi làm xong, nhạc sĩ Hoài An xem qua cũng cười hỏi rằng chúng tôi mà cũng “nổi loạn” vậy sao (cười). Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định gây sốc cho khán giả, mà chỉ muốn thể hiện sự trẻ trung và nhiều lửa hơn, dù các ca khúc có hướng đến tính truyền thống. Tôi nghĩ quan trọng là cách làm không phản cảm, tiết chế hợp lý.
|
Hoài Phương và những người bạn |
Đâu phải các cô gái biểu diễn với nhạc cụ dân tộc là phải đứng một chỗ, hay trang phục thì chỉ có áo dài. Nhóm Giao Thời cũng đề ra mục tiêu là đưa nhạc cụ dân tộc vào các ca khúc nhạc trẻ, kết hợp được với cả DJ và nhạc điện tử mà không để bị kêu ca là thiếu hợp lý. Trong trường hợp này, khi thể hiện Bức Tranh Việt, chúng tôi cũng không ngoài mục tiêu đó, nhằm chinh phục các khán giả trẻ và cũng để họ không xa lạ với các nhạc cụ truyền thống.
* Có lẽ khi trẻ nên người ta luôn có những quyết định táo bạo để thử thách chính mình. Tôi vẫn nhớ Hoài Phương từng được xem là “cây đinh” của nhóm Mặt Trời Đỏ và Mặt Trời Mới, sau đó lại tách ra solo. Có phải mọi thứ không theo ý mình nên nghe nói bạn phải... bán nhà để lập nhóm hát?
- Có những điều mà chỉ có trải qua, người ta mới nhận ra. Có thể khi ấy, không chỉ riêng tôi mà nhiều người trẻ cũng hay bị cái tôi riêng lấn át, với suy nghĩ nếu tách ra một mình thì sẽ làm được cái này cái kia, không chỉ có bấy nhiêu đây thôi. Thế nhưng, mọi việc ở đời ngoài khả năng mình có, yếu tố may mắn cũng quan trọng không kém cho sự thành công. Còn có một lý do mà bây giờ tôi mới rõ, đó là khán giả đã quen với hình ảnh tôi trên sân khấu với nhạc cụ dân tộc.
Không có cây đàn tì bà song diễn, tôi cũng thấy trống trải, không thể là chính mình. Đương nhiên tôi buồn và phải làm điều gì đó ngay. Tôi xin ba mẹ bán căn nhà của gia đình, dùng một số tiền để đầu tư cho nhóm hát mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi xin nghỉ công việc quản lý ở Nhà hát Bông Sen (Hoài Phương là trưởng đoàn Ca) để toàn tâm cho việc phát triển nhóm .
* Đến giờ, bạn thấy lựa chọn của mình thế nào?
- Rất mừng là tôi đã lựa chọn đúng. Dù nhóm Giao Thời ra mắt tính đến thời điểm này chưa được một năm, nhưng hiệu quả từ khán giả và thị trường âm nhạc phản hồi khá tốt. Nhóm đã ra mắt được một album và đây là MV thứ hai. Hướng đi của nhóm được khán giả ủng hộ, qua một số ca khúc nhạc trẻ mà nhóm diễn với nhạc cụ dân tộc được đón nhận hào hứng như: Ngày mai, Nửa vầng trăng, Nắng có còn xuân, Yêu cái đèn cù... Hiệu quả cụ thể hơn là số tiền tôi vay của mẹ khi bán nhà đã gom đủ để trả lại và chúng tôi cũng dành dụm một ít để “tái sản xuất”. Thực sự, điều vui nhất là tôi lại được lên sân khấu hát với cây đàn tì bà. Tôi như lấy lại cảm xúc và năng lượng của chính tôi cách đây hơn 10 năm.
* Thị trường âm nhạc đang ảm đạm, eo sèo, để lo cho một nhóm với nhiều thành viên, không phải chuyện dễ...
- Các chương trình không còn nhiều như xưa, ngay cả với các ca sĩ độc lập, huống chi là một nhóm. Đó còn chưa kể nhiều vấn đề phát sinh khi vận hành một nhóm để không xảy ra đố kỵ, cùng đoàn kết làm nghề là chuyện không đơn giản. Kinh nghiệm từ chính bản thân tôi cho thấy, còn trẻ cái tôi ai cũng lớn, cứ nghĩ mình tách ra có thể làm được nhiều hơn, mà không nghĩ sức mạnh từ một tập thể sẽ gấp bội lần. Vì vậy, ngay từ đầu khi tập hợp các bạn, tôi cũng minh bạch mọi việc. Tôi là người lo tất cả các khâu từ A đến Z, từ việc lên ý tưởng, tìm bài hát, trang phục… các bạn chỉ lo tập dượt và biểu diễn thôi. Vì hiểu rõ tâm lý nên tôi cố gắng hài hòa mọi thứ, để không ai bị thiệt thòi dẫn đến mâu thuẫn.
|
Khi các bạn nhận ra những điều có được, các bạn sẽ cố gắng gìn giữ thôi. Đã trải qua những ngày đầu khó khăn, nên tôi xót khi nhìn thấy các bạn sinh viên học nhạc cụ dân tộc hàng chục năm trời, nhưng khi ra trường biểu diễn ở nhà hàng, tiệc cưới, thu nhập chỉ 200 ngàn đồng/buổi. Vì vậy, bên cạnh khát khao đem âm nhạc, cũng như các nhạc cụ dân tộc đến gần với các bạn trẻ, tôi cũng muốn tạo điều kiện để các bạn được thể hiện khả năng của mình. Không chỉ có nhóm Giao Thời, mà hiện tại, tôi đang tập hợp khoảng 15 bạn với nhiều sở trường khác nhau, có thể đảm nhận một chương trình biểu diễn phong phú. Đó mới chính là điều quan trọng chúng tôi có được, chứ không hẳn chỉ là tên tuổi và thu nhập.
* Đang làm công tác quản lý với vị trí trưởng đoàn Ca của Nhà hát Bông Sen, vì sao bạn lại quyết định rời bỏ và chọn một lối đi khó như vậy?
- Nói mình không có tham vọng chức quyền thì nghe to tát, nhưng sự thật tôi chỉ phù hợp với công việc chuyên môn của một nghệ sĩ. Được sống bằng nghề đã là một hạnh phúc, tôi còn thấy may mắn vì không chỉ lo được cho bản thân và con mà còn giúp được ba mẹ và em ổn định cuộc sống. Nhiều lúc nhìn lại bạn bè cùng thời, có tuổi thơ gần nhau như Hồ Ngọc Hà, Khánh Thi... nhiều người đã rất nổi tiếng và thành đạt trong nghề, tôi cũng chạnh lòng, tự hỏi rằng, nếu ngày xưa chọn một con đường khác thì bây giờ mình có vất vả như thế này không. Tuy nhiên, hỏi rồi cũng tự trả lời, tôi nhận thấy mình biết đủ là đủ, hài lòng với những gì mình có.
* Để nhận ra điều đó với một người phụ nữ tự nhận không thành công trong hôn nhân, làm mẹ đơn thân, gánh vác chuyện chuyên môn, rồi lo cơm áo gạo tiền cho rất nhiều người, hẳn là những trải nghiệm không dễ dàng.
- Nhiều bạn bè nói tính tôi “manly” hơi giống đàn ông, khuyên tôi nên tiết chế bớt, nhưng tôi thì sống thật, nên nghĩ sao nói vậy, nhiều lúc cũng gặp trở ngại, nhưng khi đã hiểu và thân thiết, thì bạn bè rất thương. Tôi lớn lên trong khu tập thể quân đội (cha Hoài Phương là NSƯT Vũ Đức Bột - ca sĩ thuộc biên chế Tổng cục Chính trị - PV), mẹ vắng nhà khi tôi còn bé nên tính tự lập cao, có lẽ những điều ấy giúp tôi có nghị lực khi gặp khó khăn sau này.
Thời điểm vất vả nhất là khi tôi mới sinh con chưa đầy tháng đã phải đi làm vì chuyện cơm áo, nhiều khi rất tủi thân, nhưng rồi mọi thứ cũng qua. Bây giờ rút kinh nghiệm, làm gì tôi cũng dự tính trước những thứ mình phải đối diện, chắc vì vậy, tôi không bị sốc, hụt hẫng mà nhanh chóng tìm được sự cân bằng để sống và được hát.
* Vậy chuyện làm nghề bây giờ vẫn là điều khiến bạn bận tâm nhất?
- Đúng vậy! Tôi đang “ủ mưu” với một số nhạc sĩ thực hiện tour diễn dành cho sinh viên của nhóm Giao Thời, với mong muốn được gần hơn các khán giả trẻ. Để các bạn trẻ nhận ra, với nhạc cụ dân tộc, chúng tôi có thể làm được nhiều hơn, không chỉ đóng khung trong những gì mọi người quen thấy.
* Xin cảm ơn Hoài Phương
Cẩm Lệ (thực hiện)