Ca sĩ Đỗ Tùng Lâm lận đận đi tìm cơ hội sau 1 thập niên

02/10/2020 - 06:12

PNO - Hơn chục năm trước, Tiếng hát truyền hình là bước đệm khá tốt cho nhiều ca sĩ thành danh. Nhưng với Tùng Lâm, dường như anh vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội mà mình có được, trong khi đạt giải cao nhất.

12 năm sau Tiếng hát truyền hình 2008, Đỗ Tùng Lâm mới tiếp tục chạm tay đến ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi hát khác: Người kể chuyện tình sau phần thi đầy thuyết phục tối 1/10. Với anh, đây là kết quả đáng mừng, nhưng cách đón nhận niềm vui khác đi nhiều. Tùng Lâm kỳ vọng bước ngoặc này sẽ giúp anh định hình màu sắc âm nhạc rõ nét hơn trong lòng khán giả.

*Phóng viên: Người trưởng thành đón nhận niềm vui chiến thắng có khác nhiều so với 12 năm trước không, thưa anh?

- Ca sĩ Đỗ Tùng Lâm: Năm đăng quang Tiếng hát truyền hình, tôi chỉ mới 16 tuổi, nhảy cẫng lên khi biết mình thắng. Lần thứ hai được xướng tên cho ngôi vị cao nhất - khi đã làm nghề lâu năm, trải nghiệm nhiều dòng nhạc, niềm vui vẫn còn nhưng tôi đón nhận trong tâm thế điềm tĩnh hơn.

Đỗ Tùng Lâm cho biết anh muốn gửi đến khán giả âm nhạc chất lượng nhưng lại không hợp ý đám đông
Đỗ Tùng Lâm cho biết anh muốn gửi đến khán giả âm nhạc chất lượng nhưng lại không hợp ý đám đông

Cả hai cột mốc đều là kết quả của sự nỗ lực lâu dài. Năm 16 tuổi đó là sự nỗ lực rất hồn nhiên, còn năm nay sự nỗ lực phải biết tính toán chỉn chu, kỹ lưỡng, tự thân hoàn toàn.

Giải ba trong cuộc thi Hãy nghe tôi hát 2019 như một sự thức tỉnh với tôi. Thời gian đó, tôi áp lực vô cùng, suy nghĩ rất nhiều, mất ngủ triền miên. Có lúc, tôi bước lên sân khấu mà sức lực chỉ còn 5%, so với những gì đã chuẩn bị. Với sân chơi này, tôi đã giải phóng hết, để tinh thần được thoải mái. Có lẽ, điều đó cũng giúp tôi đạt được kết quả này. Tôi thuộc týp sẽ làm tốt nhất khi không có áp lực.

*Có giọng tốt và sự khởi đầu với nghề khá thuận lợi nhưng có vẻ anh chưa tận dụng tốt điều đó?

- Sau Tiếng hát truyền hình 2008, tôi bắt đầu đi hát ở những chương trình nghệ thuật lớn, hát phòng trà, đầu tư ra sản phẩm... Tôi cũng tham gia phim ảnh, vì định hướng phát triển hình ảnh nghệ sĩ đa năng.

Nhưng nghề này, đam mê, tài chính, cố gắng vẫn chưa đủ để quyết định sự thành công, mà đôi khi còn phụ thuộc vào may mắn. Có những ca sĩ chỉ nổi lên sau 1 bài, hoặc 1 sự kiện nào đó. Trong hơn 10 năm qua, tôi vẫn chờ một bàn đạp để tiến bước về phía trước nhưng không thấy. Có thể, sự may mắn đã dồn hết ở năm 16 tuổi (cười).

Đỗ Tùng Lâm đã trở thành Quán quân chương trình Hãy nghe tôi hát sau đêm thi 1/10
Đỗ Tùng Lâm đã trở thành Quán quân chương trình Người kể chuyện tình 2020 sau đêm thi 1/10

*Phải chăng việc phát triển song song hai lĩnh vực khiến anh không thể dồn hết sức cho ca hát?

- Tôi vẫn chủ động đi hát, đóng phim... chứ không ngồi chờ người khác mang cơ hội đến cho mình. Trong hơn 10 năm, tôi gặp được nhiều đạo diễn có nghề hỗ trợ cho tôi phát triển sự nghiệp. Còn trong âm nhạc, tôi chưa tìm được người như thế.

Có nhiều khoảng thời gian tôi thấy bế tắc với âm nhạc, dù đó là xuất phát điểm mang tôi đến với khán giả. Tôi và nhiều ca sĩ cũng rơi vào trường hợp đầu tư mua bài riêng, tìm ê-kíp tốt để hòa âm phối khí nhưng kết quả thu về không như mong đợi. 

Nhưng một phần tôi chưa thích nghi được với thị trường, chưa nắm bắt được khán giả trong thời buổi mà sự tiếp nhận của họ thay đổi rất nhanh chóng. Tôi muốn khán giả nghe nhạc chất lượng, nhưng hình như âm nhạc của tôi không thuộc về đám đông. 

*Cũng có những ca sĩ thành công nhưng không chạy theo thị trường, mà cố định ra một màu sắc riêng...

- Tôi bắt đầu với âm nhạc dân gian đương đại, sau đến nhạc trẻ. Với dòng dân gian đương đại, tôi đã đạt 1 Huy chương đồng tại Giọng ca vàng ASEAN. Có thể nói, đây cũng là dòng tôi thể hiện tốt. Nhưng dòng nhạc này kén người nghe, vì ca từ, giai điệu không gần gũi. 

Một vài năm trở lại đây, nhạc dân gian đương đại có xu hướng xuất hiện trở lại nhưng không quá rầm rộ. Vì thế, khả năng phát triển của dòng nhạc này tại Việt Nam là khó thể.

Khán giả đến phòng trà, đêm nhạc, muốn xả stress, giải toả căng thẳng thì nhạc dân gian đương đại không nằm trong số những lựa chọn hàng đầu. Vì thế, tôi chưa có đất sống được với thế mạnh này.

Tùng Lâm trong tiết mục Một mình - Cỏ úa trong đêm chung kết Người kể chuyện tình 2020
Tùng Lâm trong tiết mục Một mình - Cỏ úa trong đêm chung kết Người kể chuyện tình 2020

*Giọng hát tốt cũng sẽ giúp anh chinh phục được pop, ballad hai dòng căn bản nhất của thị trường nhạc Việt chứ?

- Khi chuyển sang nhạc trẻ, tôi thử sức với pop, ballad. Đây là hai dòng nhạc thịnh hành trong thị trường nhạc Việt, đồng nghĩa sự đào thải diễn ra rất mạnh. Ca sĩ lại càng khó khăn trong việc lựa chọn ca khúc đáp ứng được thị hiếu khán giả. Tôi cũng đặt bài từ nhạc sĩ có tiếng, tự sáng tác nhưng hiệu quả đạt được chỉ dừng lại một mức nào đó, chứ không quá bật lên.

Thị hiếu khán giả thay đổi liên tục, chỉ trong thời gian ngắn, và với cái tôi âm nhạc lớn, tôi không thể cứ mải miết chạy theo như thế.

*Có những ca sĩ đi hát hơn chục năm nhưng gần đây mới định danh rõ ràng nhờ ê-kíp đứng sau. Anh có dự định tìm người đồng hành với mình trong thời gian tới?

- Lúc mới bước chân vào nghề đến nay, tôi tự bươn chải chứ không có ai định hướng. Nhiều công việc, áp lực kiếm tiền... đôi lúc khiến tôi bị chi phối. Tôi thiếu ê-kíp định hình, phát triển chiến lược cho mình. Tôi đã làm việc với nhiều bên nhưng không có duyên ở lại lâu dài. Ca sĩ nào cũng mong tìm được người định hướng, không vụ lợi... nhưng lòng tin của tôi bị vụn vỡ nhiều lần.

Một tờ giấy trắng, vẽ gì lên cũng dễ. Nhưng hiện tại, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, biết và có thể tự làm nhiều thứ, nên càng khó hơn trong việc chọn người đồng hành.

Tùng Lâm cho rằng âm nhạc dân gian đương đại khó có thị trường phát triển tại Việt Nam
Tùng Lâm cho rằng âm nhạc dân gian đương đại khó có thị trường phát triển tại Việt Nam

Tôi hiểu con mắt của nghệ sĩ và người làm chiến lược nhìn thị trường sẽ khác nhau, ai cũng có ưu thế cả. Hiện tại, với bước đà này, điều tôi có thể làm tốt nhất là tập trung phát triển để định hình bản thân chắc chắn hơn trong thời gian tới. Nhưng phải thừa nhận, có đôi lúc tôi cũng lung lay lòng tin với chính mình.

*Vậy trong thời gian tới, anh sẽ định danh rõ ràng hơn trong lòng khán giả với màu sắc âm nhạc như thế nào?

- Tôi sẽ cho ra album những ca khúc kinh điển và khó nhất của nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy. Sau nhiều trải nghiệm, tôi nhận ra mình hợp nhất với âm nhạc như thế về giọng, cảm nhận, tư duy. Con đường đi này chắc chắn rất khó, ngay cả nhiều ca sĩ lớn hơn vẫn e dè. Nhưng âm nhạc của Văn Cao, Phạm Duy vẫn sống nhiều năm qua và luôn có khán giả ổn định, đó cũng là động lực cho tôi chinh phục sự chọn lựa của mình.

Tôi cũng muốn thông qua 2 dự án này, màu sắc âm nhạc của Đỗ Tùng Lâm sẽ được định dạng rõ ràng hơn. Một album tạo hiệu ứng đám đông rất khó, MV tạo điểm nhấn thì dễ hơn trên thị trường hiện tại. Nhưng tôi vẫn thích ra album. Kết quả sẽ không là điều có thể đoán trước nhưng hành trình chinh phục sẽ là điều đáng để ghi nhớ. 

*Xin cảm ơn anh!

Đỗ Tùng Lâm sinh năm 1990, đạt giải Nhất Tiếng hát Truyền hình TPHCM năm 2008. Năm 2011, anh đạt huy chương đồng Giọng ca vàng ASEAN. Anh từng tham gia một số phim truyền hình: Đam mê nghiệt ngã, Khi các thánh xa nhà, Bảo mẫu thời @..., trong đó nổi bật nhất có thể kể đến là Những thiên thần áo trắng.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI