Không nên “đóng khung” nhạc Trịnh
Phóng viên: Trong năm qua, ca khúc Một ngày tôi quên hết được xem là nhạc phẩm thành công của ca sĩ Cẩm Vân. Bài hát khá khác với dòng nhạc mà chị vẫn thường thể hiện, vì sao lại có sự kết hợp này?
Ca sĩ Cẩm Vân: Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, tác giả của Một ngày tôi quên hết chủ động mời tôi thể hiện ca khúc. Khi được ngỏ lời, tôi khá ngạc nhiên vì thời nay, gần như các ca sĩ phải đặt hàng để nhạc sĩ viết riêng ca khúc cho mình, chứ không phải tìm đến tận nhà ca sĩ để gửi gắm.
Trước khi quyết định có nhận lời hay không, tôi nhờ Tuyền đàn hát để tôi nghe. Và ngay khi Tuyền hát vài câu đầu, tôi đồng ý vì giai điệu của bản nhạc êm tai, phần lời hay và cảm động.
Sau khi nhận lời, tôi gặp một chút khó khăn ở cách thể hiện bởi kiểu hát trước giờ của tôi có phần hơi “nặng”, nếu không thay đổi, chỉ có nhóm nhỏ khán giả chọn nghe. Với Một ngày tôi quên hết, tôi muốn đổi cách hát để làm sao gần gũi với thế hệ trẻ hiện tại. Tôi vừa tập vừa nhờ đến con gái Cece Trương “chuốt” bài cho mẹ, nhờ chồng (nhạc sĩ Khắc Triệu) xem phần thể hiện đã ổn chưa. Đây là kỷ niệm đẹp của tôi trong năm qua khi mang đến sản phẩm “chạm” cảm xúc người nghe.
MV Một ngày tôi quên hết:
* Một ngày tôi quên hết khai thác câu chuyện hay và có thông điệp khá rõ. Theo chị, thị trường nhạc Việt có đang khan hiếm những ca khúc tương tự?
- Giữa một cuộc hỗn chiến âm nhạc, tôi bất ngờ vì có sự xuất hiện của những bài hát sâu sắc, đến từ nhạc sĩ trẻ. Giai điệu các ca khúc bắt tai, dễ nghe và ý tứ sâu, cho thấy sự chiêm nghiệm, từng trải của người viết.
Tôi theo dõi khá sát thị trường âm nhạc hiện tại để hiểu mọi thứ đang vận động như thế nào. Một phần vì con gái mở nghe nên tôi cũng được thưởng thức một cách thụ động. Với thị trường nhạc Việt hiện nay, tôi nhìn vào mặt tích cực nhiều hơn. Tôi thích tư duy âm nhạc của nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay vì họ không hoàn toàn chăm chú vào lượt xem mà còn đầu tư nghiêm túc cho các sản phẩm.
* Ở những gia đình có truyền thống nghệ thuật, con cái đều khó lòng bước khỏi cái bóng của bố mẹ trong nghề. Với gia đình Cẩm Vân – Khắc Triệu, anh chị có hiểu được áp lực này của con gái mình?
- Với Cece, tôi không phủ nhận rằng trong nghề, cái bóng của tôi và anh Khắc Triệu với con quá lớn. Và chắc chắn, Cece cũng không tránh được những so sánh. Nhưng tôi nghĩ thế này, tôi hoàn toàn không muốn có một Cẩm Vân thứ 2 trong nhà. Cece phải là chính Cece với thứ nhạc mà con yêu thích.
Chúng tôi có sự tư vấn về kỹ thuật thanh nhạc, hoặc cùng chia sẻ về thẩm mỹ nghệ thuật nói chung, hoàn toàn không áp đặt con phải đi theo con đường của bố mẹ chọn để trở thành một ai đó. Tôi nghĩ chẳng có ai mong muốn được sống sống trong khuôn khổ do người khác quy định.
Gần đây, tôi vui vì con gái của mình đã bắt đầu nghe nhạc Việt nhiều và tình yêu nhạc Việt cũng lớn hơn. Trước đây, Cece chỉ hát tiếng Anh, chưa tìm hiểu nhiều về âm nhạc trong nước. Sắp tới, vào ngày 10/2, Cece sẽ đánh dấu cột mốc mới khi ra mắt ca khúc nhạc Việt đầu tiên do chính con sáng tác và thể hiện. Vợ chồng chúng tôi vô cùng mừng.
|
Nhạc sĩ Khắc Triệu, ca sĩ Cẩm Vân và con gái tại một sự kiện thời trang |
* Nhiều người trẻ hay chính Cece Trương khi thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn đều nhận về vô số ý kiến khen chê. Với chị, người thành danh một phần nhờ nhạc Trịnh, chị đánh giá thế nào khi âm nhạc của Trịnh Công Sơn được “khoác áo mới”?
- Dĩ nhiên, khi một bản nhạc quen thuộc xuất hiện với phong cách mới, chúng khó tránh khỏi những ý kiến trái chiều từ người nghe. Nhưng, có một điều quan trọng là nếu âm nhạc của Trịnh Công Sơn tồn tại với chỉ “một màu” từ năm này qua tháng nọ thì thật lòng, chúng ta khó mà giữ gìn hay lan toả. Bây giờ, nếu có người trẻ muốn làm mới và làm đến nơi đến chốn thì chúng ta – những người yêu nhạc Trịnh, chỉ được thêm chứ không mất đi.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy hay những nhạc sĩ kỳ cựu vẫn luôn có giá trị đặc biệt đối với khán giả Việt nhiều thế hệ. Điều đó là không đổi. Vậy nên, khi có những người trẻ mạnh dạn làm mới, chúng ta cần ủng hộ vì họ đang làm cho kho giá trị ấy màu mỡ thêm.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng sáng tạo ở đây cần văn minh, đúng và đủ. Tôi không phủ nhận có những sản phẩm làm mới, chất lượng của chúng thuộc vào hàng kinh khủng, không thể chấp nhận. Tôi không tiện nói tên. Còn một trong những người làm mới nhạc Trịnh mà tôi thấy hay là Hà Lê. Cậu ấy vô cùng sáng tạo.
Yêu và giữ gìn tết truyền thống
* So với những ngày tết trong ký ức, Tết năm nay của gia đình ca sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu sẽ như thế nào?
- Những ngày tết cũ, đầu năm nào, ba mẹ cũng cho các chị em tôi mặc đồ giống nhau toàn bộ, đưa đi sở thú chơi, chụp hình. Đến sau này, khi có con, tôi cũng sắm cho con quần áo giống mình, cũng dẫn đi sở thú để lưu lại kỷ niệm. Nhiều năm sau, khi không còn đón tết cùng ba mẹ, tôi vẫn giữ truyền thống gia đình, luôn ăn tết theo gần đúng những gì mà ba mẹ chỉ dạy năm xưa.
Cứ đến giao thừa mỗi năm, sau khi cúng bái xong xuôi, dù chỉ có 3 người nhưng ai nấy cũng đều mặc đẹp. Anh Khắc Triệu mặc vest, mang cà vạt. Tôi và con mặc đồ màu sắc rực rỡ. Cả 3 ngồi quây quần bên nhau và gọi điện cho con gái lớn bên Mỹ, dành tặng những lời chúc ấm áp nhất đến các thành viên.
Nhiều năm qua, 3 ngày tết, tôi không nhận show ở bất cứ đâu để dành trọn vẹn thời gian bên cạnh gia đình. Ở tầm tuổi này, điều bản thân mong muốn là có thật nhiều thời gian cho chính mình và người thân. Những mùa tết năm xưa còn ông bà, ba mẹ, tôi còn cảm nhận được mùa tết đoàn viên. Đến nay, ông bà, ba mẹ không còn, niềm vui gói gọn lại, có lúc đượm buồn nhưng những khi như thế, càng thấy trân quý giây phút được bên nhau.
|
Ca sĩ Cẩm Vân yêu tết truyền thống, muốn giữ lại nếp nhà như ba mẹ năm xưa |
* Giữ tết truyền thống giữa thời hiện đại, khi nhiều gia đình đang tích cực giản lược bớt thủ tục có phải quá khó không, thưa chị?
- Từ rằm tháng Chạp trở đi, tôi bắt đầu mua đồ khô như bánh tráng, gạo, nếp, mắm, muối, đường... để sẵn trong nhà. Tôi mua đủ để ăn trong tháng Giêng vì theo quan niệm của ông bà ngày xưa, trong những ngày đầu năm không nên chi tiền. Tôi cũng mua chổi từ sớm, bố trí các góc để đầu năm không quét rác ra ngoài, tránh tài lộc bị “quét” đi. Đêm giao thừa năm nay cũng như mọi năm, Cece chạy khắp các thùng nước trong nhà, bơm cho đầy tràn ra để năm mới được sung túc, đủ đầy.
Tết là thời gian khá cực với phụ nữ. Nhiều khi, tôi nói với Cece là biết nấu ăn thôi là đã đủ, không cần phải nấu ăn ngon vì nếu có tài nấu nướng thì mỗi dịp lễ tết, người bận bịu không hết việc.
Nhưng dù vậy, tôi cũng đã dạy con đầy đủ những gì tôi từng được chỉ bảo từ cha mẹ. Tôi không cổ vũ phụ nữ phải làm quá nhiều, hi sinh cho gia đình nhưng tôi tin, khi người phụ nữ nhìn thấy nhà cửa tươm tất, bếp ấm, cơm ngon, họ cũng sẽ thấy hạnh phúc, bình yên trong lòng.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Diễm Mi