Ca sĩ ảo vẫn hái ra tiền

17/03/2023 - 07:38

PNO - Khi Ann - ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam, ra mắt MV Làm sao nói thương anh, không ít ý kiến ủng hộ lẫn hồ nghi về tính đường dài của mô hình. Tuy nhiên, ở các thị trường giải trí thế giới, ca sĩ, người mẫu hay gọi chung là “thần tượng ảo” đang là phương tiện “hái” ra tiền.

Ca sĩ Hatsune Miku - sản phẩm của Crypton Future Media - được xem là một trong số ít thần tượng ảo được khán giả Nhật Bản yêu thích. Hatsune Miku có thân hình mảnh khảnh, xinh đẹp, biết làm trò nghịch ngợm trên sân khấu, giỏi giao lưu và biết hát. Cô có mái tóc xanh dài đặc trưng và thường xuất hiện với vài bộ trang phục mang tính “thương hiệu”. Mỗi khi Hatsune Miku cất tiếng hát, không ít người hát theo và thuộc lòng một số sáng tác.

Ca sĩ Ann - thần tượng ảo đầu tiên của Việt Nam
Ca sĩ Ann - thần tượng ảo đầu tiên của Việt Nam

Theo CNN, dù ảo, Hatsune Miku kiếm ra tiền thật qua việc thu phí người xem các đêm nhạc trực tuyến lẫn trực tiếp ở cả trong và ngoài nước, bán bài hát, giọng hát, bán trang phục cùng nhiều sản phẩm đi kèm. Hatsune Miku ra mắt vào năm 2007, đã trải qua quá trình “rèn luyện” nhiều năm mới hoàn thiện như hiện tại. 

Rozy - thần tượng ảo nổi tiếng tại Hàn Quốc do Sidus Studio X sản xuất - cũng đang định nghĩa lại những hiểu biết xưa nay của con người về thị trường giải trí đơn thuần. Rozy trông vô cùng thật. Nhiều bức ảnh cô đăng tải nhận về hàng trăm ngàn lượt thích trên mạng xã hội. Rozy có thể hát, nhảy với 2 album đã ra mắt, làm người mẫu trình diễn và sở hữu lượng fan riêng vô cùng hùng hậu. Trên mạng xã hội, Rozy được yêu thích một phần vì cô chăm chỉ trả lời các bình luận, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người dùng mạng. Lee Na-Kyoung - 23 tuổi, sống ở Incheon - nói cô xem Rozy như người bạn, thường xuyên trò chuyện một cách thoải mái.

“Ngành công nghiệp thần tượng ảo đang bùng nổ và cùng với nó là một nền kinh tế hoàn toàn mới hình thành. Những thần tượng này có lợi thế lớn vì không bao giờ già, không có bất kỳ vụ bê bối nào và hoàn hảo về ngoại hình - điều mà một quốc gia bị ám ảnh bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp luôn khao khát” - trích một đoạn trong bài viết trên CNN. 

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng thần tượng ảo, nhưng ngoài 2 nhân vật nêu trên, có thể nhắc đến Lucy của Hàn Quốc, Lil Miquela của Mỹ, Lu của Brazil… Các nhân vật đều mang những đặc điểm riêng của châu lục, chủng tộc và công việc mà nhà sản xuất mong muốn.

Không đơn thuần là một mô hình giải trí, thương mại bình thường. Theo thời gian, nhiều bên muốn thần tượng ảo của mình phải có câu chuyện. Thời điểm người dân Hàn Quốc sợ rằng Rozy hay Lucy sẽ khiến phụ nữ quốc gia này càng khao khát mang vẻ đẹp “chuẩn” bằng việc phẫu thuật thẩm mỹ, nhà sản xuất đưa ra một số điều chỉnh. Rozy mang gương mặt với những đốm tàn nhang nhạt, đôi mắt to khác biệt với người Hàn. Sidus Studio X nói họ muốn Rozy truyền đi thông điệp rằng phụ nữ hãy tự tin vào vẻ đẹp cá nhân, đừng quá chạy theo những chuẩn mực bên ngoài, như Rozy cũng có khuyết điểm.

Thần tượng ảo đang tạo cho thị trường sự đa dạng nhưng đôi khi cũng khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất đều cho rằng đây là xu hướng tất yếu trong thời buổi công nghệ đang chiếm lĩnh, chi phối mọi mặt đời sống. 

Diễm Mi

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI