Ca sĩ ảo và những bước đi đầu tiên ở thị trường Việt Nam

24/08/2024 - 16:24

PNO - Thị trường âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện ca sĩ ảo. Mô hình này được đánh giá là nhiều tiềm năng khi công nghệ phát triển và nhiều yếu tố thuận lợi khác.

Tạo hình của ca sĩ Ann được nâng cấp hơn ở MV Cry
Tạo hình của ca sĩ Ann được nâng cấp hơn ở MV Cry

Vẫn còn rất mới

Tháng 3/2023, ca sĩ ảo đầu tiên của Việt Nam ra mắt. Cô được đặt tên Ann và sản phẩm đánh dấu màn chào sân là bản ballad Làm sao nói thương anh. Lúc đó, Ann nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng, trở thành chủ đề bàn luận trên các diễn đàn. Dù ghi nhận nỗ lực của ê kíp sáng tạo nhưng khán giả cho rằng giọng hát của cô hao hao một nữ ca sĩ nổi tiếng, biểu cảm chưa tự nhiên, khẩu hình chưa khớp và thiếu ấn tượng.

Tháng 8/2024, Ann trở lại với MV Cry. Sau 1 năm rưỡi được Bobo Đặng - nhà sáng lập và quản lý Ann - nâng cấp, cô thay đổi dòng nhạc, ngoại hình cũng mới mẻ hơn. Ở sản phẩm thứ hai, Ann thể hiện rock với chất giọng dễ thương (rock - baby voice), không gào thét như nhiều rocker khác. Cô được tạo hình trông cá tính, thời trang hơn trong MV mới. Các biểu cảm có cải thiện, tạo cảm giác khá dễ chịu cho người xem.

Chia sẻ với báo chí, Bobo Đặng cho biết, sau khi Ann ra mắt, anh dành thời gian quan sát thị trường, lắng nghe phản hồi từ công chúng để đưa ra những điều chỉnh. Điều thử thách với Bobo Đặng ở sự trở lại của Ann không phải giọng hát, tìm ca khúc mà chính là khâu kỹ xảo.
“Khó khăn nhất khi làm MV này nằm ở công nghệ CGI, đòi hỏi thời gian và nguồn lực. Tôi phải liên tục tìm cách cân đối chất lượng sản phẩm. Khán giả Việt hiện giờ đã xem qua những sản phẩm sử dụng CGI rất đình đám trên thế giới và đây là thử thách không nhỏ cho chúng tôi” - Bobo Đặng chia sẻ. Anh nói trong tương lai, Ann được định hướng đi theo dòng nhạc rock - baby voice vì khả năng được khán giả nhớ đến cao hơn.

Ra mắt hơn 1 năm nhưng vì không giới thiệu nhiều MV nên tên tuổi của Ann chưa được khán giả biết đến rộng rãi. Đến nay, khi cô trở lại, nhiều người nghe ngạc nhiên vì lần đầu biết Việt Nam có ca sĩ ảo. Nhìn ở hướng tích cực, điều này cũng là thuận lợi, cho thấy khoảng trống rất lớn trong việc phát triển các tài năng từ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Ann vẫn đang là ca sĩ ảo độc nhất của thị trường nên tính cạnh tranh và sự so sánh chưa nhiều. Nếu có thêm những ca sĩ ảo khác ra đời, có thể sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo, bứt phá được đẩy nhanh hơn.

Nguồn lợi không nhỏ

Ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ca sĩ ảo “xâm chiếm” thị trường, mang về nguồn lợi lớn cho các nhà sáng lập. Các ca sĩ không chỉ được “đào tạo” để hát mà còn có thể trở thành người nổi tiếng, làm đại diện thương hiệu quảng cáo, tham gia show thời trang... Tại Trung Quốc, theo báo cáo vào năm 2020, ngành công nghiệp tài năng ảo thu về 3,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 546 triệu USD). Đến năm 2021, con số đó đã tăng gần gấp đôi.

Theo CNN, nữ ca sĩ ảo của Nhật Bản - Hatsune Miku (ra mắt năm 2007) - đã thu về hàng chục triệu USD mỗi năm. Công ty quản lý Hatsune Miku thu phí người xem các đêm nhạc trực tuyến lẫn trực tiếp ở cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, công ty cũng thu lợi từ việc bán bài hát, giọng hát, bán trang phục cùng nhiều sản phẩm đi kèm. Sau 17 năm ra mắt, Hatsune Miku sở hữu hơn 100.000 bài hát, là công cụ “hái ra tiền” không biết mệt mỏi.

Ở Việt Nam, nhà sáng lập của Ann nói cũng sẽ đào tạo để cô trở thành thần tượng đa năng. Sắp tới, Ann đã chuẩn bị sẵn sàng để bước lên sân khấu nếu có những lời mời phù hợp. Anh Bobo Đặng khẳng định: các đơn vị tổ chức show hầu như đều có phương án hỗ trợ tối ưu nếu Ann muốn lên sân khấu biểu diễn.

“Một trong những mục tiêu sắp tới của chúng tôi là Ann có thể tương tác như người thật, có thể kết hợp với những nghệ sĩ khác. Về góc độ kỹ thuật, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán rất hứa hẹn với quản lý của các ca sĩ khác. Chắc chắn trong tương lai rất gần, Ann sẽ có thể hợp tác với ca sĩ thật” - Bobo Đặng chia sẻ.

Tại buổi họp báo chiều 21/8, Ann “xuất hiện” trên màn hình của một chiếc hộp hình chữ nhật và thể hiện ca khúc Cry. Khi nhạc nổi lên, cô nhún nhảy và khẩu hình khá khớp với lời nhạc. Phần trình diễn khá mới mẻ này khiến khán giả bất ngờ.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - cho biết, hiện ở các nước đang rất thịnh hành xu hướng sử dụng AI sáng tác, trình diễn âm nhạc. Ông cũng vừa tham gia nhiều hội thảo quốc tế bàn về vấn đề bản quyền và câu chuyện này vẫn còn nhiều tranh cãi. Tại Việt Nam, khi nào trong luật có các quy định rõ ràng về việc công nhận quyền tác giả và các quyền liên quan đến sản phẩm do AI thực hiện thì phía trung tâm mới tiến hành thu tác quyền; còn hiện tại chưa thể vì chưa có luật định.
Mô hình ca sĩ ảo dù chỉ mới có bước đi đầu tiên nhưng hứa hẹn là “miếng bánh ngon” cho các công ty giải trí khai thác. Nguồn lợi mang lại là thật, thậm chí rất lớn nhưng vẫn cần thêm thời gian để tiếp tục nâng chất lượng, thu hút sự chú ý và giúp công chúng làm quen với xu hướng này.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI