Cà phê khởi nghiệp: Gỡ khó cho ngành dệt may và thời trang

20/11/2023 - 06:27

PNO - Theo các doanh nhân, ngành dệt may và thời trang đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sau dịch COVID-19 và tình hình thế giới bất ổn kéo dài. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp phải làm gì để vượt khó, tồn tại?

Thu nhỏ quy mô để vượt qua giông bão

Ngày 18/11, có mặt tại chương trình “Cà phê khởi nghiệp” kỳ 2/2023 với chủ đề “Giải pháp tăng trưởng trong kinh doanh ngành dệt may và thời trang” (do Hội LHPN TPHCM tổ chức), ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, người có gần 35 năm kinh nghiệm trong ngành dệt may - chia sẻ: “Khởi sự trong giai đoạn ngành dệt may còn nhiều khó khăn sẽ giúp chúng ta trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm để đi đến thành công. Phụ nữ Việt Nam vốn có ưu điểm khéo léo, sáng tạo, vượt khó, nên tôi tin rằng, dù trong thời điểm nào, khởi sự chưa bao giờ là muộn”. 

Các doanh nhân trong ngành dệt may, thời trang chia sẻ kinh nghiệm tại “Cà phê khởi nghiệp”
Các doanh nhân trong ngành dệt may, thời trang chia sẻ kinh nghiệm tại “Cà phê khởi nghiệp”

Lời khẳng định như khơi nguồn cảm hứng, chị Cao Thị Phương Lan - nhà sáng lập thương hiệu Áo dài ơi Phương Lan - bộc bạch về hành trình khởi nghiệp, bén duyên với áo dài khi đã bước sang tuổi 46. Bằng chất giọng ngọt ngào của người con gái Bắc Giang, chị Phương Lan đã vẽ lại hành trình gian khó nhưng cũng có nhiều cơ may.

Theo đó, 24 năm về trước, gia đình chị đến TPHCM lập nghiệp. Thời điểm này, chồng chị vừa khỏi bệnh, sức khỏe còn yếu, nên chỉ một mình chị rong ruổi buôn bán khắp Sài Gòn. Gặp thời, làm ăn thuận lợi, chị tích góp được một khoản tiền để mua nhà. Sau đó, chị mua xe tải chở trái cây bỏ mối. Công việc đang thuận lợi thì tai họa lại ập đến. Đội xe của chị nhiều lần gây tai nạn, chị phải bán nhà để khắc phục hậu quả. 

Khi chưa biết bắt đầu lại như thế nào thì chị được người quen nhượng lại mối lấy vải và áo dài, chỉ dẫn cách thức làm ăn, phương thức may đo. Có “bà mai” đưa đường chỉ lối, con gái lại vừa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang, nên chị Phương Lan quyết định dấn thân vào ngành thời trang - niềm đam mê hồi còn trẻ. Chị tiếp cận lại với bạn bè, người quen cũ để chào hàng. Ban đầu khách còn ít, nhưng dần dà, người này giới thiệu người kia nên lượng hàng bán được ngày càng tăng, kinh doanh ngày càng phát triển. 

Chị Phương Lan chọn ưu tiên phục vụ đối tượng khách hàng tuổi trung niên, thiết kế áo dài cao cấp, áo dài cho các bà sui… để có lối đi riêng. Để quảng bá thương hiệu, chị cũng “thai nghén” và cho ra đời nhiều bộ sưu tập áo dài kết cườm, đính kim sa, các bộ sưu tập với chủ đề duyên dáng Áo dài Thủ Đức, Nắng Sài Gòn, đồng thời đem tặng những bộ thiết kế của mình cho các tổ chức để bán gây quỹ an sinh xã hội. 

Chị Nguyễn Thụy Giang Châu - nhà sáng lập Sensorial Fashion - đã kể lại câu chuyện xây dựng thương hiệu thời trang của mình: “Thành công không chỉ có đam mê mà còn cần bản lĩnh và ý chí kiên cường để vượt qua những chặng đường đầy thử thách”.

30 năm làm việc trong ngành thời trang (chuyên cung cấp các thương hiệu thời trang cao cấp) đã cho chị Giang Châu nhiều trải nghiệm lẫn kinh nghiệm. Khi nhìn thấy kim ngạch xuất khẩu ngành thời trang Việt Nam luôn ở vị trí hàng đầu thế giới nhưng thương hiệu lại không nhiều, chị đã ấp ủ việc xây dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình mang tầm quốc tế. Để thực hiện ước mơ, chị mời gọi nhiều người tài giỏi cùng thực hiện và Sensorial Fashion ra đời. Đến nay, Sensorial Fashion đã có 12 năm xây dựng và phát triển.

Ban đầu, chị chọn phân khúc khách hàng là phái đẹp với nhiều dòng sản phẩm cao cấp. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm được đặt tại các trung tâm thương mại trải dài từ Bắc vào Nam. Mỗi bộ sưu tập của chị đều có nét đặc trưng riêng, thiết kế tinh tế che khuyết điểm với mong muốn phụ nữ phải đẹp nơi công sở, dịu dàng khi dạo phố, nữ tính khi trở về nhà và sang trọng trong những buổi dạ tiệc. 

Năm 2019, khi vừa có dự định xuất khẩu sản phẩm thời trang của mình ra nước ngoài thì dịch COVID-19 bùng phát khiến kế hoạch và chiến lược kinh doanh của Sensorial Fashion phải thay đổi. Dù đã hết sức cố gắng, nhưng 2 năm thua lỗ buộc chị phải thu nhỏ quy mô để vượt qua giông bão. 

Trong giai đoạn tái cấu trúc lại doanh nghiệp, chị tập trung chăm sóc gần 20.000 khách hàng thân thiết; đầu tư chất liệu vải mới và kết hợp giữa ngành may truyền thống với công nghiệp hiện đại; kết hợp may đo cho cả những khách hàng có vóc dáng không chuẩn. Nhờ vậy mà Sensorial Fashion trụ vững cho đến nay.

Cần nắm bắt xu thế kinh doanh online

Nhiều doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp đến dự “Cà phê khởi nghiệp” với nhiều trăn trở. Họ đang gặp khó, thậm chí phải giải thể doanh nghiệp vì giá cả nguyên liệu đầu vào và nhân công ngày càng cao. Không ít doanh nghiệp đã phải chuyển sang kinh doanh hộ cá thể để cầm cự.

Hay như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Cẩm Tú - chủ thương hiệu Áo dài TUMUN - chia sẻ, chị khởi sự với phương án bán giá rẻ, chấp nhận không có lời để có khách hàng. Đến với chương trình, chị mong được nghe các chuyên gia giải cho bài toán “muốn tăng giá nhưng sợ mất khách hàng”. 

Bộ sưu tập Áo dài Thủ Đức của chị Cao Thị Phương Lan  được trình diễn tại chương trình “Cà phê khởi nghiệp”
Bộ sưu tập Áo dài Thủ Đức của chị Cao Thị Phương Lan được trình diễn tại chương trình “Cà phê khởi nghiệp”

Như đúng với tâm trạng của mình, chị Cao Thị Phương Lan tâm sự: “Tôi khởi sự khi chiếc áo dài may sẵn chỉ có giá 100.000 đồng/chiếc, nhưng tôi vẫn có những thành công nhất định. Trong kinh doanh, quan trọng là chiến lược. Phải biết chọn phân khúc, có những sản phẩm bán lỗ nhưng cũng có những dòng sản phẩm cao cấp hơn để bán có lời”. Chị Nguyễn Thụy Giang Châu chia sẻ thêm: “Chúng ta khởi nghiệp bắt đầu từ đam mê nhưng sau đó là chuyện kinh doanh có lời. Giá cả không quan trọng bằng giá trị”. 

Ông Phạm Văn Việt thông tin, lương công nhân tăng hằng năm (khoảng 10%/năm). Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, chúng ta có thể giao gia công để giải quyết vấn đề nhân công cao. Ngoài ra, các chị phải bắt kịp xu hướng thời trang công nghiệp, nếu vẫn duy trì may đo truyền thống sẽ không hấp dẫn, không có lợi nhuận. 

Ông Phạm Văn Việt cũng cho rằng, doanh nghiệp ngành dệt may muốn phát triển cần có thời gian, giai đoạn, đồng hành và vào cuộc của cả hệ thống chính trị để xây dựng, phát triển thương hiệu. Để đi đường dài, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu sâu về xu thế, đón đầu đi trước mới có thể cạnh tranh, phát triển.

Ở mỗi giai đoạn bứt phá, doanh nghiệp cần có sự sáng tạo, khác biệt, bằng cách ứng dụng công nghệ may mới, thực hiện chuyển đổi số mô hình sản xuất, phát triển theo chuỗi gắn kết với người tiêu dùng. Khi đó dù bạn kinh doanh online hay offline đều khả thi. 

Chia sẻ thêm về việc phát huy thế mạnh của các hình thức kinh doanh, chị Giang Châu nói: “Kinh doanh online hiện đang là xu thế. Doanh nghiệp phải giữ được bản sắc, thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Nếu không có thương hiệu sẽ khó chinh phục khách hàng”. 

Còn theo chị Phương Lan, chỉ cần chúng ta kinh doanh bằng “chữ tín” thì cả 2 hình thức online hay offline đều hiệu quả. Hiện tại, doanh thu của Áo dài ơi Phương Lan đạt 90% từ việc bán hàng và may đo online. “Để may được một chiếc áo dài vừa vặn, tôn dáng là rất khó, nhưng vẫn có thể may đo gián tiếp cho khách hàng qua mạng nếu chúng ta định dáng chuẩn cho từng nhóm khách hàng” - chị khẳng định. 

Hiện ông Phạm Văn Việt và nhiều doanh nhân đang ấp ủ một dự định cùng nhau hợp sức mở 1 trung tâm thời trang, hướng đến đào tạo về con người, có nơi để chia sẻ, trình diễn thời trang, nâng bước cho những người mới vào nghề. Tất cả vì mục tiêu phát triển ngành dệt may, thời trang Việt Nam. 

Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI