1. Thời còn sơ tán đầu thập niên 70, thế kỷ trước, chúng tôi lúc nào cũng thèm quà Hà Nội, mà đặc biệt là cữ cà phê tối thứ Bảy. Khu sơ tán lúc bấy giờ thực buồn tẻ. Mới hơn 7 giờ tối mà ngoài đường đã vắng người qua lại. Từng đợt gió mùa Đông Bắc tràn về kéo theo mưa lạnh triền miên khiến nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm. Đi ngoài ngõ chỉ thấy lẻ loi ánh đèn dầu hắt qua khe cửa càng làm tăng vẻ âm u, vắng lặng. Gió bên ngoài rít từng cơn, hắt những hạt mưa lạnh buốt khiến mấy anh em nghệ sĩ co rúm vào nhau trong căn nhà năm gian ốp ván gỗ.
Bữa ấy có lẽ là đợt rét nhất từ đầu mùa. Chợt anh Trọng “bẻm”, một nghệ sĩ kèn trong đoàn sơ tán bật dậy trèo lên giường, mở hòm quần áo lôi ra một bọc được buộc rất kỹ bằng giấy dầu. Là cà phê. Mọi người ồ cả lên vì thứ của quý giữa núi rừng hoang vắng. Song, không có phin cà phê. Cậu Lê Duy mới đưa ra sáng kiến lấy chiếc bít tất sạch để thay cho phin.
Tìm được đôi tất còn mới nguyên, gỡ đoạn dây thép mềm dưới đáy cái đó bắt cá, Lê Duy lồng dây thép vừa đủ đường kính cổ tất xong xoắn vài xoắn để làm tay cầm; rồi cho bít tất vào ấm tích, vòng dây thép cuốn trên cổ tất nằm nguyên trên miệng ấm. Cậu ta cười khoái trá, giải thích: Đây là “cà phê bít tất” kiểu Sài Gòn. Rồi cậu xúc cà phê vào 2/3 chiếc bít tất, đổ nước sôi vào, đậy vung ấm.
Cà phê đựng trong bít tất nằm lưng chừng ấm tích. Từng giọt thơm lừng ngấm qua bít tất chảy xuống ấm, tỏa mùi nồng ấm khắp nhà. Chừng vài phút sau, nước cà phê được đổ ra một cái ca nhôm. Mùi cà phê bốc khói khiến ai nấy không kìm nổi cơn thèm. Thấy mọi người sốt ruột định đổ ra mấy chén, Duy vội ngăn lại. Duy cầm cả ca cà phê đổ lại vào ấm rồi giải thích: “Đây mới là nước thứ nhất vẫn còn nhiều bã ra theo. Phải lọc lần hai, lần ba, chứ có phải pha theo phin đâu mà dùng ngay được. Cứ bình tĩnh, chầm chậm mới thưởng thức hết hương vị của “cà phê bít tất”.
Cà phê được rót ra bốn tách đặc sánh tỏa hương, lại bỏ thêm chút đường hoa mai ngọt ngào. Lúc ấy, qua trùng trùng lớp lớp núi rừng thâm u, qua những tán cây bạch đàn lạnh buốt, tôi bỗng nhớ quá cà phê Hà Nội.
2. Ngày còn chưa sơ tán, tôi đã “nhẵn mặt” ở cà phê Giảng Hàng Gai, cà phê Nhân Cầu Gỗ, cà phê Lâm “toét” Nguyễn Hữu Huân, cà phê Mô Ca Bùi Thị Xuân… và đặc biệt là cà phê Hói phố Bà Triệu.
Cà phê Hói có nhiều giai thoại mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ. Trước khi mở quán tại nhà ở phố Bà Triệu, ông chủ quán Hói nấu ăn cho một lãnh sự quán nước ngoài ở Hà Nội, đến khi nghỉ hẳn mới kinh doanh cà phê. Không biển hiệu, cửa lúc nào cũng đóng im ỉm, trừ lối đi vừa đủ một người ra vào nhưng trong nhà, ngoài sân từ sáng sớm đã đông nghịt kẻ đứng, người ngồi.
Ở thời kỳ Nhà nước còn bao cấp, người dân sống bằng tem phiếu, hàng sáng thực khách tìm đến những quán “cà phê chui” đều là dân ghiền cà phê chính hiệu. Chính vì thế mà cà phê Hói có những khách hàng trung thành tới ba, bốn chục năm.
Phải công nhận cà phê do ông pha chế có bí quyết riêng, thơm nồng mà quyến rũ lạ thường. Một điều đặc biệt nữa là trong suốt mấy chục năm ấy, chất lượng cà phê không bao giờ thay đổi. Tách đựng của ông cũng khác - to bằng chén đựng nước chấm. Đông cũng như hè, tách cà phê đều được đặt trong chiếc bát ăn cơm, rồi tưới nước sôi gần ngập, lại tỉa thêm chút váng bơ béo ngậy trên bề mặt đen nhánh.
Chiếc bàn trước mặt ông lúc nào cũng lỉnh kỉnh hàng chục chiếc phin pha cà phê được ông cải biên. Cà phê của ông vừa đặc vừa sánh, vì thế khách quen chẳng thể nào mà rời đi nơi khác được. Thêm nữa, ông chỉ kinh doanh một loại cà phê đen nóng và dứt khoát bán đến 10 giờ sáng là nghỉ, khách đến muộn có năn nỉ ông cũng mặc kệ.
Khách ghiền cà phê đã quá quen với tính cách của vị chủ quán này, nên chớ có dại mà giục ông. Cứ đợi đấy đã. Chủ quán dáng người to béo, đầu hói nhẵn không còn một sợi tóc, mặt lúc nào cũng lầm lì. Người hay phải gánh chịu những bực tức từ gã chủ quán kỳ dị này là bà vợ mà nhiều khách hàng quen gọi là bà Na Nông.
|
Cà phê Nhân, cà phê Lâm, cà phê Giảng... nổi danh một thời nay vẫn được nhiều khách quen tìm tới |
Cho đến giờ, đã nửa thế kỷ trôi qua mà hình ảnh người đàn bà nhẫn nhục ấy vẫn hiện rõ trong trí nhớ tôi - một phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi, to béo, hiền lành, chiếc tạp dề cháo lòng quấn quanh bụng, luôn chân luôn tay chạy bàn rồi quay vào phục vụ cho ông chồng, mà vẫn bị ông ta cáu gắt mỗi khi làm trái ý.
Sự nhẫn nhục của bà thật phi thường và kỳ lạ, đến nỗi từng ấy năm chưa bao giờ tôi thấy bà phản ứng lại chồng bằng một mảy cau mày nào. Người đàn ông cay nghiệt nhường ấy thế mà lại có thể pha chế được thứ cà phê ngon hay phải chăng cuộc đời ông ta đắng quá nên lẫn cả vào cà phê hết rồi.
3. Hà Nội cũng còn mấy quán cà phê nổi tiếng được nhiều người biết tới, nhất là trong giới hội họa. Ấy là phê Lâm “toét” phố Nguyễn Hữu Huân. Khách hàng yêu thích hội họa vừa nhâm nhi cà phê vừa được thưởng thức các tác phẩm hội họa treo khắp trong ngoài cửa hàng với đủ thể loại: sơn dầu, lụa, cắt dán, sơn mài, thuốc nước… của nhiều tác giả Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.
Giờ thì ông Lâm đã về nơi thiên cổ nhưng vẫn để lại hầu hết các tác phẩm hội họa có giá trị cao mà ông dày công sưu tầm hơn nửa cuộc đời. Có một lần giáp tết Nguyên đán, tôi gặp được anh con trai cả ông Lâm đang tiếp bước cha điều hành cửa hàng cà phê ở số 60 phố Nguyễn Hữu Huân, anh cũng xác nhận rằng cha mình rất đam mê hội họa; dù không phải họa sĩ nhưng xem tranh, bình tranh chính xác và am tường đến độ các họa sĩ tên tuổi lúc bấy giờ đều nể phục, quý mến.
|
Văn hóa cà phê - nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội |
Trước năm 1954, gia đình ông Lâm từng mở một quán cà phê ở 32 Hàng Vôi. Thời kỳ này tôi còn nhỏ nhưng đã được nghe kể lại rằng sáng sáng, họa sĩ Phan Chánh thường ngồi xích lô đến tiệm uống cà phê. Hai ông quen nhau từ đó. Ông Lâm được họa sĩ Phan Chánh nói cho nghe rất nhiều về hội họa cũng như được chứng kiến họa sĩ ký họa nhiều bức vẽ ngay tại quán, sau đó tặng lại cho gia đình chủ quán.
Đến khi chuyển về 60 Nguyễn Hữu Huân, quán cà phê của ông lại đón tiếp rất nhiều họa sĩ tên tuổi khác: Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… trong đó có cụ Lam Sơn thường lui tới trao đổi nhiều tác phẩm tranh của các họa sĩ tên tuổi Trường Mỹ thuật Đông Dương…
Những bức tranh sưu tầm của ông Lâm từng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại hoặc cử người đến sao chép để lưu giữ trong bảo tàng hay mượn để đem tham dự các cuộc triển lãm hội họa trong và ngoài nước. Ngoài đam mê hội họa, ông còn thú sưu tầm cổ vật men sứ đời Nguyên, Minh, Càn Long, Khang Hy… và các chủng loại cổ vật Việt Nam qua các triều đại.
Ở Hà Nội, ngay cả một ông pha cà phê cũng có máu nghệ sĩ đến như vậy. Hèn chi vị cà phê tinh tế và quyến rũ cả những vị khách phố cổ khó tính nhất.
Duy Ngọc