Tân binh cà phê Việt "mon men" xuất khẩu
Vừa mua lại mảng cà phê của Cầu Đất Farm, The Coffee House là thương hiệu Việt sở hữu 33 ha cà phê và đây chỉ là bước đi đầu tiên trong chiến lược chinh phục thị trường cà phê trong nước, tiến tới mở rộng ra thế giới.
Nguyễn Hải Ninh - CEO The Coffee House chia sẻ: trong năm nay, số lượng cửa hàng The Coffee House sẽ tăng gấp đôi so với năm 2017. Cụ thể, năm 2017, số cửa hàng cà phê mang thương hiệu này là 80, con số đó sẽ là 160 trong năm 2018.
Cũng theo đại diện The Coffee House, hiện tại chuỗi có hơn 80 cửa hàng đang phục vụ khoảng 40.000 khách mỗi ngày, trong số đó có khoảng 40% khách hàng yêu cầu thức uống là cà phê.
Trung bình mỗi năm, chuỗi tiêu thụ khoảng 300 tấn cà phê rang xay trong đó chủ yếu Arabia và Robusta. Đơn vị cung ứng cố định là Cầu Đất Farm với khoảng 40 tấn/năm, còn lại là liên kết với các hộ nông dân để cung cấp số lượng còn lại.
|
Nhiều chuyên gia cà phê đánh giá Đà Lạt là nơi có nguồn nguyên liệu cà phê ngon nhất Việt Nam. Ảnh: TCH. |
“Cà phê Robusta của Việt Nam đến với thế giới lâu rồi. Sản lượng cà phê của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới nhưng đáng tiếc khi nói về cà phê, người ta chưa nhớ tới Việt Nam. Mang cà phê Việt chất lượng cao ra thế giới là ước mơ của chúng tôi. Ước mơ của chúng tôi là không phải chỉ bán cà phê mà chứng minh rằng Việt Nam có đủ điều kiện để trồng thứ cà phê đặc sản”, Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.
Sau thương vụ mua mảng cà phê của Cầu Đất Farm, The Coffee House cũng tiếp quản cả mảng nhân sự cũ để tiếp tục phát triển.
“Giờ chúng tôi có 33 ha, nhưng sau này có điều kiện, con số có thể là 300 ha hoặc 3.000 ha”, Hải Ninh cho biết.
Ngoài ra, vị CEO cũng thể hiện tham vọng của mình trong lĩnh vực cà phê, quan điểm của anh là không có một loại cà phê nào là đặc sản mà chính yếu tố con người làm cho cà phê trở thành đặc sản.
Với mong muốn đó, trong năm 2018, thương hiệu này dự kiến sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc. Đây được xem là "xứ sở của nước chè", nhưng có một thực tế đang manh nha trong giới trẻ khi cà phê bắt đầu trở thành thức uống được ưa chuộng. Nắm bắt cơ hội này, Trung Quốc chính là thị trường bước đệm nhằm thực hiện chiến lược vươn ra thế giới.
|
Cà phê ngon là khi trái chín đều, không pha trộn quả xanh khi phơi, ủ sẽ dễ gây mốc. Ảnh: TCH. |
Không riêng ‘tân binh’ The Coffee House, một minh chứng khá thành công trong việc xuất khẩu cà phê ra quốc tế đó chính là tập đoàn Trung Nguyên Legend. Doanh nghiệp này đã rất thành công tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tỷ đô Trung Quốc thông qua việc khai trương Văn phòng đại diện tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Có thể thấy, xu hướng chuỗi cà phê Việt hướng đến chiến lược xuất khẩu cà phê là điều không khó thấy. Tại thị trường Việt Nam, rất ít thương hiệu cà phê có thể hoạt động theo mô hình chuỗi "mạnh bạo" như The Coffee House hay "ông lớn" Trung Nguyên.
Và đứng trên lập trường của những người kinh doanh cà phê, việc mang hạt cà phê Việt đến với quốc tế không chỉ là tham vọng định hình cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới mà hơn hết đó là con đường kinh doanh bền vững mà các thương hiệu phải đối mặt.
Con đường hãy còn xa...
Đánh giá về chiến lược mới của thương hiệu chuỗi cà phê đình đám tại Việt Nam – The Coffee House, người có hơn 20 năm nghiên cứu trong lĩnh vực cà phê - ông Nguyễn Hữu Long, CEO của Shin Coffee cho biết, bản thân khởi nghiệp chuỗi Shin Coffee được hơn 3 năm hiện tại công ty ông đang dần tập trung cho sản xuất và xuất khẩu thay vì vận hành chuỗi.
“Việc The Coffee House hợp nhất với Cầu Đất Farm để xây dựng nguồn nguyên liệu là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì xuất phát từ mảng kinh doanh cà phê nên chắc chắn đây sẽ là một hướng đi đúng đắn. Ở thời điểm các thương hiệu bùng nổ việc mở rộng chuỗi - tương đương với việc định vị thành công thương hiệu với khách hàng nội địa - thì việc xa hơn đó chính là xuất khẩu và định vị thương hiệu với thị trường thế giới”, ông Long khẳng định.
Dù vậy, đây chỉ là một trong những định hướng về lâu về dài chứ chưa thể thực hiện được ngay trong ngày một ngày hai. Ông Long cũng phân tích thêm, việc The Coffee House sở hữu 33 ha cà phê đầu tay chưa phải là một con số thuyết phục khi bản thân thương hiệu giờ vẫn chưa thể chủ động được vùng nguyên liệu.
“Trong năm nay, công ty của tôi làm ra hơn 1000 tấn coffee, cung cấp cho các đối tác trong nước và xuất khẩu. Nhưng riêng The Coffee House đã 200 tấn. Số còn lại khoảng 500-600 tấn xuất đi nước ngoài. Tức là The Coffee House hiện tại vẫn là một đối tác để nhập cà phê để đủ cung ứng chuỗi 80 cửa hàng chứ chưa thể tự sản xuất hay có vùng nguyên liệu”, CEO Shin Coffee nói thêm.
|
Kinh nghiệm khi phơi cà phê phải để xa mặt đất để tránh hơi đất bám vào trái ảnh hưởng đến mùi vị cà phê. Ảnh: TCH. |
Điều này cho thấy, trong tương lai xa, việc trước mắt mà thương hiệu The Coffee House đối mặt đó là đáp ứng đủ số nguyên liệu để hoạt động chuỗi cửa hàng. Sau đó mới đủ “tiềm lực” để nghĩ đến việc xuất khẩu cà phê hạt ra thế giới.
“Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian khi thương hiệu này đủ tiềm lực kinh tế. Tất cả có thể giải quyết bằng tài chính, tức là hãng có thể thu mua vùng nguyên liệu rộng lớn từ những nguồn khác nhau. Khi đó, lợi nhuận sẽ giảm nhưng việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn”, ông Long khẳng định.
“Làm chuỗi không đi đôi với chất lượng”
Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Hữu Long nói thêm, hầu hết các loại cà phê xuất đi nước ngoài cũng có chất lượng tương đương với cà phê đang cung ứng cho chuỗi và thương hiệu tại Việt Nam đó là Robusta và Arabica, riêng chuỗi Shin thì vẫn cung ứng 100% là Arabica, bên cạnh đó vẫn có Robusta cho đối tác có nhu cầu.
“Công việc của công ty hiện tại là điều khiển được hơn 2000 ha cà phê ở Gia Lai, Buôn Ma Thuộc, Đà Lạt, Sơn La và Khe Sanh. Công ty đã chính thức thành lập HTX trên vùng nguyên liệu, đầu tư xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm của nông dân”, ông Nguyễn Hữu Long cho biết.
Nói về giá xuất đi so với việc vận hành chuỗi, ông Nguyễn Hữu Long cho biết “giá cũng giống như tôi kỳ vọng ở mức 15-30%. Hiện tại so sánh các đơn vị xuất khẩu cà phê với những thương hiệu khác của Việt Nam thì Shin xuất đi với giá cao nhất”.
“Về chất lượng cà phê xuất đi, hiện tại tôi làm tốt nhất nên bán giá cao nhất, nhưng đến thời điểm hiện tại tôi chỉ làm từ 3.000-5.000 tấn, vì sản xuất số lượng thường tỷ lệ nghịch với chất lượng”, ông Hữu Long cho hay. “Tôi không có khái niệm sạch hay dơ trong cà phê, chỉ có là ngon hay không ngon”.
Cụ thể, theo ông Hữu Long, để có cà phê ngon phải là hạt vừa chín, không trộn lẫn trái xanh, sau khi hái hạt được phơi trên dàn cách xa mặt đất để tránh tình trạng hơi đất bốc lên trộn lẫn vào cà phê, khi rang cà phê thì không có công thức, thời gian và nhiệt độ không để cà phê cháy đen, mất vị và có vị đắng.
Đánh giá về việc vận hành chuỗi cà phê, làm sao để đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng cà phê ở nhiều chuỗi nhưng cùng thương hiệu, ông Nguyễn Hữu Long chia sẻ:
“Thường chuỗi không đi chung với chất lượng, ngay cả Starbuck cũng chưa chất lượng, xem như chất lượng là bình thường, nhưng làm sao phải giữ được ở mức cân bằng. Cụ thể, riêng về chuỗi của Shin chỉ rang lượng cà phê rất ít, sử dụng hết sẽ rang tiếp lượng khác, nghĩa là luôn luôn mới vì cà phê mới bao giờ cũng ngon, lượng nước và nhiệt độ phải đảm bảo, quan trọng nhất vẫn là hạt cà phê ngon, nước đảm bảo thì độ chênh lệch cùng một chuỗi sẽ duy trì đồng đều”.
Theo CEO Nguyễn Hải Ninh, có một thực trạng đáng buồn là cà phê Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng người ta không nhắc đến Việt Nam trong bản đồ cà phê thế giới.
Con số mới đây trong báo cáo của ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 3/2018 ước đạt 190.000 tấn (khoảng 3,17 triệu bao), đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 520.000 tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị cà phê xuất khẩu vẫn còn thấp vì Việt Nam đang chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân.
|
Thái Nguyễn