Bán tràn lan thuốc trong chương trình thử nghiệm
Với số ca mắc liên tục tăng trong những ngày gần đây, số lượng F0 điều trị tại nhà của TP. Hà Nội cũng đang nhảy vọt. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 29/12, có tổng số 25.217 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tới 15.005 người đang được theo dõi và cách ly tại nhà, chiếm gần 60%. Số lượng F0 tự điều trị tại nhà cao cũng khiến nhu cầu mua thuốc COVID-19 trên các diễn đàn, chợ đen cũng “tăng nhiệt”.
|
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 cho người dân |
Chị T.H. (Q.Đống Đa, TP. Hà Nội) cho biết, gia đình có ba người cùng mắc COVID-19. Sợ bệnh tiến triển nặng, chị bèn lên một diễn đàn chợ thuốc để tìm mua. Tuy nhiên, ngay sau khi tìm hiểu, chị giật mình vì giá thuốc quá cao. “Cùng là lọ thuốc Molnupiravir 200mg, gồm 40 viên song mức giá trung bình từ 3,8 - 4,3 triệu đồng. Trong khi đó, bạn tôi từng mua thuốc này với giá chưa tới 3 triệu đồng”, chị H. than phiền.
Ngay sau khi phát hiện mình F0 và điều trị tại nhà, chị N.M. (Q.Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cũng lo lắng vì sợ bệnh tăng nặng nên đã lên mạng tìm mua thuốc Molnupiravir để dự phòng. Tuy nhiên, chị cho hay: “Sau khi nghe các bác sĩ tư vấn online, tôi không sử dụng tới thuốc mà chỉ tăng cường vitamin, trái cây… Tới bây giờ, sau bốn hôm đã thấy khỏi tới 90 - 92%”.
Theo khảo sát của phóng viên, trên các diễn đàn chợ thuốc như Chợ thuốc Hapulico miền Bắc, Chợ thuốc Hapulico Hà Nội, Chợ thuốc Molnupiravir, thuốc Molnupiravir được bán công khai, tràn lan. Thậm chí người chưa mắc bệnh cũng tìm mua thuốc này để dự phòng, cùng với các loại thuốc ho, hạ sốt hay máy đo Sp02, test nhanh…
Thuốc Molnupiravir có mức giá khác nhau, từ 3 triệu tới hơn 4 triệu đồng một hộp 40 viên. Loại vỉ 100 viên Molnupiravir 200mg có mức giá lên tới hơn 6 triệu đồng. Trong vai người mua thuốc, chúng tôi được một tư vấn viên cho hay, người mắc COVID-19 trong độ tuổi từ 18 - 65 đều có thể dùng loại thuốc này khi các triệu chứng ở mức độ nhẹ như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. “Thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú”, người này nhấn mạnh.
Theo đó, loại Molnupiravir 200mg, hộp 40 viên được hướng dẫn ngày uống tám viên, chia làm hai lần và uống đủ cho liệu trình năm ngày. Giá mỗi hộp Molnupiravir là 3,8 triệu đồng. Ngoài Molnupiravir, một số loại thuốc điều trị COVID-19 khác như Abidol, Favibiravir… cũng được bán tràn lan trên mạng trước nhu cầu điều trị F0 tại nhà đang tăng.
Thời gian qua, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế, TP.Hà Nội triển khai điều trị F0 tại nhà, trong đó chương trình cấp túi thuốc C, có Molnupiravir phát miễn phí cho người bệnh. Tuy nhiên, ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), đơn vị được Sở Y tế Hà Nội giao quản lý thuốc Molnupiravir trên địa bàn, cho hay, thành phố vừa được cấp 200.000 viên song số lượng này không đủ cho tất cả bệnh nhân.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, Molnupiravir không cần thiết khi đa số người trẻ, đã tiêm đủ liều vắc xin, chỉ diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng. Thuốc này hiện đang trong quá trình thử nghiệm và chỉ được sử dụng cho nhóm có nguy cơ cao, người lớn tuổi, mắc bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin. Ngay cả người khi sử dụng Molnupiravir cũng phải ký cam kết tham gia chương trình thử nghiệm.
Không nên tùy tiện sử dụng thuốc điều trị COVID-19
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus như Molnupiravir đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Các đặc tính của thuốc cũng như tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp.
|
Thuốc Molnupiravir được rao bán với giá đắt đỏ trên mạng |
Hiện nay, thuốc đang trong chương trình điều trị thử nghiệm, có kiểm soát của Bộ Y tế nên người dân không tùy tiện mua thuốc kẻo dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Người dân khi có triệu chứng bệnh nên liên hệ với y tế cơ sở, y tế địa phương để được hướng dẫn, phân loại kịp thời, trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển đến bệnh viện để điều trị.
Thực tế, việc người dân tự mua thuốc điều trị, một phần xuất phát từ tâm lý lo lắng do chưa tiếp cận đầy đủ tư vấn từ đội ngũ y tế. Với số lượng nhân viên hạn chế của các trạm y tế phường, không ít người dân phải loay hoay, tự giải quyết các vấn đề của mình. Với kinh nghiệm của một F0 từng tự mua thuốc điều trị nhưng không sử dụng đến, chị N.M. chia sẻ: “Hiện, trên mạng xã hội có một số fanpage của các bác sĩ tư vấn F0 rất hiệu quả. Tôi đã tham gia vào nhóm “Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”, được bác sĩ tận tình chia sẻ khi có các triệu chứng như ho, sốt. Từ đó, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác an tâm hơn”.
Hiện còn fanpage khác như “Hỗ trợ tư vấn y tế miễn phí dành cho F0 điều trị tại nhà từ xa”, ứng dụng 365 hay ứng dụng Giúp tôi… cũng đang là địa chỉ để người dân có thể tham khảo việc sử dụng thuốc, điều trị COVID-19 tại nhà hiệu quả, thay vì chạy theo các đơn thuốc trôi nổi trên mạng xã hội, tiềm ẩn rủi ro…
Lo dịch phức tạp sau hai kỳ nghỉ tết Tính đến chiều tối 30/12, theo thống kê của Bộ Y tế, TP. Hà Nội là địa phương có số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất nước với 1.866 trường hợp. Như vậy, liên tiếp trong gần hai tuần qua, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong “bản đồ COVID-19”. Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã công bố kết quả giải trình tự gen 22 mẫu dương tính, nghi ngờ mắc biến chủng Omicron. Theo đó, 15/22 mẫu thuộc biến thể Delta, có bảy mẫu không đủ tải lượng để giải trình tự gen. Như vậy, sau trường hợp nhập cảnh từ Anh đầu tiên vào Việt Nam xác định nhiễm Omicron, Hà Nội vẫn chưa xác định thêm ca bệnh nào. Dù vậy, theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguy cơ biến chủng này xâm nhập là rất cao. Đặc biệt, trong dịp nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán tới đây, nếu không có biện pháp kiểm soát, nâng cao ý thức của người dân thì nguy cơ xảy ra lây lan, bùng phát bệnh dịch. Cùng lo ngại trên, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội diễn ra mới đây, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhận định, tình hình dịch trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn biến phức tạp khi ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Từ nay đến tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đặc biệt có khoảng 140.000 người Việt Nam ở nước ngoài đăng ký về nước ăn tết. Lượng người dân từ các tỉnh, thành trở về Hà Nội ăn tết tăng cao nên tình hình dịch còn diễn biến khó lường. Phó bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố không tổ chức liên hoan, gặp mặt cuối năm. Thành phố vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng nếu không kiềm chế được sự gia tăng; người dân và cơ quan quản lý lơ là thì chắc chắn dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong cũng tăng. |
Minh Quang