Anh bệnh, em bệnh
Một bệnh nhân (BN) ung thư (UT) gan vừa tử vong chỉ vỏn vẹn 11 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Ông là một trong số 1.000 ca UT gan mà BV ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận mỗi năm. Điều đáng nói là có đến 70% BN đến BV ở giai đoạn muộn, khi tế bào UT đã xâm lấn, di căn sang các cơ quan khác nên không thể điều trị.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao nên kéo theo tỷ lệ UT gan cao. Ước tính trung bình, mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca UT gan mới phát hiện và chúng ta là nước tỷ lệ UT gan cao nhất thế giới.
Nhiều khảo sát cho thấy, bệnh viêm gan tăng, đặc biệt viêm gan C là do phần lớn BN thiếu kiến thức về bệnh, cũng như tâm lý chủ quan nên không tầm soát, điều trị và phòng ngừa lây lan nên đã lây truyền mầm bệnh cho người thân và những người xung quanh.
Có không ít trường hợp, cả gia đình đều mắc UT gan và lần lượt qua đời. Như gia đình anh Nguyễn Văn T., 43 tuổi, giáo viên ở Đồng Nai. Tháng 7/2016, anh vừa phát hiện bị UT gan với khối u 4,5cm. Trước đó ba năm, mẹ và em trai của anh đã qua đời vì UT gan. Còn anh phát hiện mình bị nhiễm viêm gan siêu vi B vào năm 2006, tuy nhiên, vì chủ quan và nghĩ “uống thuốc Tây” nóng nên anh tự mua thực phẩm chức năng về uống.
Gần đây, khi bị sốt kéo dài, uống thuốc không đỡ, anh đến BV Đồng Nai khám, qua siêu âm thì phát hiện UT nên anh tới BV ĐH Y Dược TP.HCM điều trị. Anh được phẫu thuật cắt một phần gan với tiên lượng khả quan. Trong khi đó, anh trai của anh T. cũng đang tích cực điều trị bệnh viêm gan B.
Tương tự, một gia đình ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có đến chín người bị viêm gan và UT gan, trong đó có ba người tử vong và một người qua đời khi mới 20 tuổi. Theo BS Trần Công Duy Long - Phó khoa Gan-Mật-Tụy, BV ĐH Y Dược, chuyện gia đình có nhiều BN cùng bị UT gan khá phổ biến ở Việt Nam. BV từng tiếp nhận và điều trị năm người cùng nhà bị bệnh UT gan, hầu hết con cái đều lần lượt qua đời ở tuổi 30-40.
Trị bệnh không khó
Bệnh UT gan tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh. Dù UT gan diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn sớm, thế nhưng, BS Long cho biết, loại UT này có “gót chân Asin”: hầu như bệnh chỉ xảy ra trên nền BN bị viêm gan.
Mà viêm gan thì có vắc-xin phòng ngừa và nếu không chủng ngừa thì chỉ cần người bị viêm gan đi kiểm tra, tầm soát định kỳ mỗi ba sáu tháng bằng siêu âm đơn giản, chỉ tốn vài chục ngàn đồng là đã phát hiện được bệnh. Thêm nữa, nếu phát hiện sớm, việc điều trị khá đơn giản, không đau đớn, tốn kém ít mà hiệu quả rất cao, nhiều trường hợp khỏi hẳn.
Có hai phương pháp điều trị UT gan ít xâm lấn, hiệu quả hiện nay là: hủy u bằng sóng cao tần (RFA) dành cho khối u có kích thước dưới 3cm và phẫu thuật cắt gan nội soi. BS Nguyễn Quang Thái Dương - phụ trách Phòng khám hình ảnh học can thiệp - siêu âm can thiệp BV ĐH Y Dược cho biết: “Trước đây, khi bị u gan là phải mổ mở, khiến BN chịu đau đớn với vết thương dài và thời gian hồi phục lâu. Còn hiện nay, với kỹ thuật RFA, BS chỉ cần luồn một cây kim xuyên qua da vào gan rồi xuyên tâm bướu, điều khiển thiết bị phát nhiệt đốt cháy khối u, có nhiều BN chỉ một lần đốt đã thoát được UT gan”.
Điển hình là trường hợp ông Lê Văn L., 69 tuổi ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị viêm gan C và chuyển qua UT gan cách đây 5 năm. Ông điều trị nội khoa ở nhiều nơi không thuyên giảm, vẫn ăn uống khó tiêu, đau hạ sườn, mất ngủ… khiến sức khỏe suy sụp, đến khi được điều trị bằng kỹ thuật RFA vào năm 2012, sức khỏe ông đã ổn định cho đến nay. BS Dương khẳng định: “Nếu phát hiện UT gan sớm, khi khối u dưới 3cm thì BN chỉ cần đốt một lần là khỏi”.
Trong trường hợp khối u lớn hơn, BN UT gan vẫn còn nhiều cơ hội điều trị bằng phẫu thuật cắt gan nội soi. Đó là những trường hợp u gan đơn độc hoặc nhiều khối u nhưng khu trú ở nửa gan (nửa gan trái hoặc nửa gan phải), hoặc khối u chưa xâm lấn mạch máu lớn, chưa có di căn xa và gan không quá xơ… BN sẽ được cắt một phần gan có khối u (gan có cơ chế tự phục hồi) với tiên lượng sống còn sau 5 năm đến 50-70% và hồi phục rất nhanh.
Bên cạnh đó còn có phương pháp nút hóa chất động mạch TACE, nghĩa là cắt đứt nguồn cung cấp máu từ động mạch tới khối u, đồng thời đưa hóa chất diệt UT vào khối u. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp BN kéo dài sự sống chứ không thể trị khỏi hoàn toàn.
Dù có thuốc chủng ngừa, có nhiều cơ hội điều trị, thế nhưng các BS đành bất lực vì đa phần BN UT gan tìm đến khi ở giai đoạn muộn - khi cơ thể đã có dấu hiệu đau đớn, bất thường mới đi khám.
BS Long chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi tiếp nhận cả 1.000 ca UT gan, nhưng chỉ 20-30% được điều trị bằng phẫu thuật nội soi, đốt u, còn lại hầu hết đều ở giai đoạn muộn, đã di căn nên không thể can thiệp, mà chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Chúng tôi tha thiết mong mọi người quan tâm đến sức khỏe, nên chủng ngừa viêm gan. Đặc biệt, những ai bị viêm gan nên đi tầm soát bằng siêu âm mỗi ba-sáu tháng/lần, sẽ hạn chế được rất nhiều cái chết tức tưởi, đau đớn”.
Thùy Dương