Cả nhà tiếp sức cho bà ngoại “mần tiến sĩ”

14/03/2022 - 14:17

PNO - Con đường học hành của chị Nguyễn Thái Giao Thủy dài dằng dặc. Lên đến chức “bà ngoại” chị còn nhận bằng tiến sĩ.

Thời áo trắng của chị Nguyễn Thái Giao Thủy (Giám đốc Công ty Truyền thông Phúc Gia, TP.HCM) dài dằng dặc, khởi nguồn từ những ngày đánh vần ê a và tạm chấm dứt khi lên đến chức “bà ngoại”. Thế mà khi vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), ông xã chọc: “Em còn tính học gì nữa không?”, chị trả lời tỉnh bơ: “Biết đâu mai này trên đường đời lỡ vấp trúng cục đá, “dây thần kinh học” tiếp tục nảy lên thì em phải học nữa!”. 

Câu trả lời của chị vừa dí dỏm vừa mang tính “dọa” chồng, vì quá trình vợ đèn sách thì “hậu phương - chồng” cũng đâu được thảnh thơi. 

Ông xã chúc mừng chị Giao Thủy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ
Ông xã chúc mừng chị Giao Thủy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ

Phóng viên: Lấy bằng tiến sĩ trước thềm tuổi hưu, chị có thấy mình là “hàng hiếm”?

Tiến sĩ Nguyễn Thái Giao Thủy: Thực sự hiếm ai ở tuổi này vẫn còn cắp sách đi học. Thầy cô (nhiều người trẻ tuổi hơn tôi) thấy tôi từng tuổi này mà chịu khó học hành nghiêm túc nên ưu ái và thương tôi lắm. Có lẽ vậy mà thầy cô đã nới tay, đánh giá loại xuất sắc cho luận án Ngoại giao văn hóa của Việt Nam nhìn từ góc độ quyền lực mềm (2001 - 2016) của tôi chăng? (cười tươi - PV). 

Thực ra đường học của tôi vô cùng cam go. Năm 18 tuổi tôi thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật và học 5 năm tại đây, cứ ngỡ ra trường mình sẽ trở thành cô họa sĩ vẽ tranh sơn mài như chuyên ngành đã học, nhưng tôi lại bén duyên với ngành mỹ thuật ứng dụng và quảng cáo gần 30 năm. Khoảng sáu năm sau khi ra trường, săn được học bổng tại Mỹ cho ngành quản trị kinh doanh, nhưng tôi phải bỏ do mới sinh bé thứ hai. Lúc ấy công việc kinh doanh đang trong giai đoạn phát triển nên tôi cũng không thể bỏ công ty để đi học. 

 

 

“Nếu lấy bằng tiến sĩ lúc còn trẻ sẽ mở ra cho tôi nhiều cơ hội hơn, thì khi đã “có tuổi” như thế này, tôi vẫn thấy việc học là vô giá”.

 


Tiến sĩ Nguyễn Thái Giao Thủy 

 

Mười năm sau, tôi theo bạn bè đăng ký hai chuyên ngành ngữ văn Anh và quan hệ quốc tế tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, không ngờ tôi đậu luôn cả hai chuyên ngành này và bắt đầu trở lại thời sinh viên khi tuổi không còn trẻ. Trong 4 - 5 năm này, tôi vừa sinh thêm hai bé, vừa phải làm việc, vừa chăm hai bé lớn đang học cấp II, vừa học lấy hai bằng cử nhân. Giờ nghĩ lại tôi không hiểu tại sao mình có thể vượt qua thời gian ấy không chút lo âu như thế.

Sau khi học xong, tôi tiếp tục nhận được 50% học bổng thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đức, nhưng đành lỗi hẹn do cậu út lúc này cũng mới vừa một tuổi và cần dồn nguồn lực tài chính cho cậu con trai lớn du học. Để không bỏ lỡ giấc mơ của mình và vẫn có thời gian bên cạnh chồng con, tôi tiếp tục nộp hồ sơ thi tuyển thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội… 

Một lần đang ngồi trên xe trong một chuyến du lịch, con gái nhỏ của tôi lúc đó đang học lớp Hai, chợt quay sang tôi nói: “Mẹ ơi! Mai này khi lớn lên con cũng muốn học giỏi như mẹ vì mẹ là thần tượng của con”. Tôi buột miệng: “Vậy mẹ dự định học tiến sĩ đấy, con có muốn học như mẹ không?”. Cô con gái nhanh nhảu trả lời: “Con cũng sẽ học tiến sĩ như mẹ!”. Lúc đó hình như xe có sự rung lắc nhẹ vì ông xã đang cầm lái (cười - PV). Không bỏ lỡ cơ hội, tôi quay sang chốt luôn là sẽ học tiếp lên tiến sĩ, ông xã bàn ra: “Em học nhiều quá rồi, giờ toàn tâm toàn ý với công việc đi!”. Còn nhớ khi ấy tôi vừa kết thúc chương trình thạc sĩ hơn một năm và tưởng như đó đã là “trạm cuối”.

Ngay cả khi thật sự bước vào giai đoạn học tiến sĩ, có lúc tôi tưởng phải bỏ dở vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều biến cố gia đình. Có thời gian tôi phải bay liên tục ra nước ngoài để lo ổn định chỗ ở cho con trai tại Mỹ, lo việc cưới xin cho con gái tại Úc. Trong hành trang đem theo để làm bà sui còn có cả laptop và sách vở. Thời gian ấy, hằng đêm tôi thường thức đến 3g sáng để cố gắng hoàn thành luận án cho đúng tiến độ.

* Ngày “Bảng hổ đề tên”, chị đã viết trên trang cá nhân lời cảm ơn những người đã hỗ trợ chị, trong đó có ông xã. Thật bất ngờ khi giờ đây nghe chị nói chính chồng đã cản chị học lên tiến sĩ…

- Ngay khi bảo vệ xong luận án, tôi đã viết “Trên hết là lời cám ơn đến tình yêu thương lẫn động viên của anh bạn cùng nhà Phan Đăng Thái. Trong những lúc cô bạn rối bời giữa công việc, gia đình lẫn bài vở, lắm lúc sự mệt mỏi vì dịch bệnh hoành hành, cô ấy muốn buông xuôi tất cả nhưng nhờ những lời động viên lẫn sự chăm sóc ân cần đó đã giúp cô ấy bình tâm bước tiếp…”. 

Vốn dĩ là người độc lập, nhanh nhạy, có thể làm một lúc rất nhiều việc nhưng quả thực nếu không được ông xã choàng gánh công việc thì rất khó để tôi gặt hái kết quả. Ngoài việc đưa đón các con đi học, phụ giúp công việc nhà là lo đám tiệc đôi bên, là ly cà phê mỗi sáng hay mỗi chiều giúp vợ thêm phần tỉnh táo hay là cái ôm vai khi anh ấy đã ngủ một giấc dài nhưng khi thức dậy vẫn thấy vợ ngồi đồng trước một bàn đầy tài liệu. Là giảng viên tiếng Anh, ông xã đã giúp tôi rất nhiều trong việc tra cứu và dịch giúp tài liệu nước ngoài mỗi khi tôi cần thêm tư liệu viết bài cho các tạp chí trong và ngoài nước. 

Có lần ông xã cản khi tôi phân vân có nên học tiếp lên tiến sĩ hay không, nhưng khi tôi đã chọn thì anh lại kề bên cổ vũ và tiếp sức. Trong quá trình học, đôi lần tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ cuộc nhưng anh động viên: “Ban ngày lo việc công ty, con cái, ban đêm lo việc học, em stress, căng thẳng lắm, anh biết nhưng hãy cố gắng lên em nhé! Đoạn đường này em đã đi gần đến đích rồi, cần gì nói anh phụ”.

Gia đình chị Giao Thủy du xuân
Gia đình chị Giao Thủy du xuân

Chính hành động và lời nói ấm áp ấy đã khiến tôi thấy việc học giờ đây không chỉ là chuyện của riêng tôi nữa, tôi cần phải theo đuổi ước mơ đó đến cùng, vì đây vừa là tâm sức vừa là sự tự hào của cả gia đình. Các con nhỏ vừa học vừa phụ việc nhà với ba để mẹ tập trung “mần tiến sĩ”. Chỉ riêng việc nấu ăn là tôi xí phần vì tôi vốn nấu ăn rất nhanh và nấu được khá nhiều món. Tính tôi cầu toàn, làm gì cũng phải đẹp, bận rộn thế nào cũng phải chỉn chu, tươi xinh và thỉnh thoảng cũng không quên tranh thủ làm người mẫu cho chồng chụp hình để “sống ảo”, xả stress nhằm tái tạo nguồn năng lượng mới.

* Giá trị của tấm bằng tiến sĩ được chị cảm nhận như thế nào? 

- Thành công không nằm ở đích đến mà là cả một hành trình. Trong quá trình học, tôi may mắn được học hỏi với nhiều vị giáo sư tài năng và đầy tâm huyết. Các thầy cô đã khơi gợi cho tôi niềm say mê với văn hóa và lịch sử nước nhà… Những kiến thức ấy giúp tôi thay đổi cách chiêm nghiệm cuộc sống, con người và cả thế giới xung quanh mình. Học xong thạc sĩ, tôi đã hào phóng tự thưởng cho mình một chữ “giỏi” nhưng khi học lên tiến sĩ, tôi thấy mình như đang đứng chơi vơi trước biển, vì biển học quá đỗi mênh mông, càng học càng thấy mình nhỏ bé… 

Tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh một cô bé đen nhẻm ngồi bên cột đèn trước một quán ăn ở Sài Gòn. Cô bé ấy vừa học bài bên chiếc đèn hột vịt được đặt trên thùng thuốc lá, vừa bán vé số, vừa bán thuốc lá kiếm tiền phụ ba má nuôi các em ăn học. Những đêm trăng cô bé thường nhìn lên cột đèn, mơ về chú Cuội và chị Hằng thầm ước: “Ước gì mình được học hoài học mãi đến khi không còn gì để học nữa. Học để đổi đời, để không còn ngồi đây bán thuốc lá, bán vé số và để không còn khổ nữa”.

Cô bé ngồi dưới cột đèn năm ấy là chính tôi của cái thời đất nước mới giải phóng, nhà nhà nghèo khó, mấy ai coi trọng chuyện học hành. Nhưng niềm khát khao mãnh liệt ấy đã hình thành và thôi thúc tôi vượt qua mọi trở ngại để dần chinh phục ước mơ, hoài bão của đời mình. Từng là họa sĩ, là doanh nhân, sắp tới có thể tôi sẽ thử sức mình thêm ở lĩnh vực giáo dục như truyền thống của đại gia đình tôi và ông xã…

Vì dịch bệnh, cháu ngoại của tôi gần hai tuổi hiện đang ở nước ngoài nên bà cháu chưa một lần gặp mặt trực tiếp. Hy vọng trong ngày nhận bằng tiến sĩ sắp tới, tôi sẽ có được trọn vẹn niềm hạnh phúc trong vòng tay của thầy cô, gia đình, bạn bè và nhất là có cậu bé lũn cũn chạy lên sân khấu tặng hoa chúc mừng bà “quại”. 
 

* Xin cảm ơn và kính chúc tiến sĩ luôn hạnh phúc, thành công

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.