PNO - PN - 14g ngày 6/6 tại 264A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM, gia đình cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam có buổi giao lưu, ra mắt bộ sách mới. Đây là lần đầu cả nhà cậu bé cùng viết sách, với ba tác phẩm: Tròn một vòng yêu thương, Yêu...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày 3/6 vừa qua, thần đồng Đỗ Nhật Nam về nước sau gần một năm du học ở Mỹ. Mẹ em, chị Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, viết trên trang cá nhân: “Em về nhà việc đầu tiên là mang máy tính của mẹ ra sửa, bổ túc cho mẹ về tin học. Em về nhà, em chui vào từng ngóc ngách quét những túm lông mèo để bố khỏi ho; em tháo ngay cái vỏ điện thoại cũ của mẹ vì nó “quá xấu xí”, tìm mua cho mẹ cái vỏ mới có hình hoa lan hồ điệp. Em về nhà, em dọn đống sách, ngồi bần thần trước những cuốn vở những năm học đã qua. Em về nhà, em tưới cây trên ban công vào mỗi sáng; em đánh rửa nhà tắm, để thêm đôi dép vào trong để mẹ đi khỏi trượt; em viết giấy dán lên tủ: mẹ phải hứa sẽ ăn đủ hai bát cơm mỗi ngày...”.
Yêu thương mẹ kể bắt đầu từ những bài viết bày tỏ tình yêu và nỗi nhớ chị dành cho con trai cách xa nửa vòng trái đất. Đã suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định cho con du học, nhưng chị Điệp bảo không thể tránh khỏi những ngày đầu chông chênh nhớ con da diết. Đến mức chị không dám đi qua những con đường quen thuộc từng đưa con đến trường hay những buổi tối đi dạo cùng nhau. Chỉ cần một hình ảnh gợi lại kỷ niệm cùng con trai cũng có thể khiến chị rơi nước mắt.
“Mặc dù vẫn có thể trò chuyện với con mỗi ngày qua internet, nhưng yêu thương không bao giờ là đủ cả. Tôi không thể ôm con, không được nắm lấy bàn tay, lắng nghe hơi thở, mỗi ngày nhìn thấy con cười…” - chị Điệp bộc bạch. Đỗ Nhật Nam là cả thế giới của mẹ, nhưng mẹ đã để “thế giới ấy” tung cánh đến chân trời rộng lớn khác.
Thần đồng cũng không khác gì mẹ, nhưng không muốn bố mẹ thấy mình buồn. Tại Mỹ, Đỗ Nhật Nam ở trọ cùng bạn, ăn cơm chủ nhà nấu, mỗi sáng đứng trước gương, tập cười. Từng ngày gửi nỗi nhớ vào thơ. Đỗ Nhật Nam chưa bao giờ làm thơ trước đó, nên những bài thơ em viết khiến nhiều người bất ngờ. Nam rời Việt Nam tháng 8/2014, đến tháng 10 em viết bài thơ đầu tiên tặng mẹ. Đến giờ “gia tài thơ” của em đã được mấy mươi bài.
“Tôi chỉ chọn 27 bài khá dễ thương của con để in sách, còn những bài Nam viết riêng cho mẹ, tôi “giấu” lại. Có những bài đọc ngô nghê, buồn cười nhưng vô cùng đáng yêu” - mẹ thần đồng nói vui. “Mỗi bài thơ là một câu chuyện. Từng bài thơ là những cảm xúc của cậu bé được cấu tạo bởi bảy mươi ngàn tỷ tế bào yêu thương. Tình yêu thương của con rất mộc mạc và dung dị, rất ấm cúng và gần gũi, rất sống động và tạo cảm xúc lắng đọng” - TS Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Thái Hà Books cảm nhận.
Đỗ Nhật Nam cho biết mình luôn có đủ thời gian để giải trí, chơi thể thao, đọc sách, du lịch trải nghiệm… Mọi thứ trong cuộc sống của Nam như nằm trong lòng bàn tay, em làm được và làm giỏi rất nhiều việc.
Đọc Yêu thương mẹ kể, thấy Nam đã lớn lên với tuổi thơ trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đọc Đường xa con hát thấy Nam của từng ngày thả nỗi nhớ từ phương xa về với bố mẹ và đất nước; thấy được một cậu bé 14 tuổi từng ngày sâu sắc, trưởng thành. Đọc Tròn một vòng yêu thương của PGS-TS Đỗ Xuân Thảo viết cho con trai để hiểu “phía sau thâm trầm” vốn ít bày tỏ cảm xúc ấy là một tình yêu đầy đặn và sâu thẳm. Cả ba thành viên gia đình cùng viết bộ sách, tạo nên một vòng tròn yêu thương ấm áp làm lay động nhiều trái tim ông bố bà mẹ.
Gia đình Đỗ Nhật Nam
Hè này, Đỗ Nhật Nam về nước ba tháng. Sau buổi ra mắt sách cùng bố mẹ, cậu bé bắt đầu các kế hoạch: dạy học, rong ruổi đến nhiều miền đất cùng gia đình... Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ: “Thật ra tôi và gia đình chưa bao giờ xem Nam là thần đồng, chỉ thấy con có ý chí, bản lĩnh, đầy nghị lực và cực kỳ yêu kiến thức, say mê khám phá. Việc học với Nam không có gì căng thẳng, trái lại đó là sự yêu thích và say mê. Ở Mỹ, Nam chỉ học bài đến chín giờ tối, sau đó chơi cờ, giải trí với bạn rồi đi ngủ sớm. Nhiều lúc tôi thấy thời gian học bài của Nam còn ít hơn các bạn cùng trang lứa. Nam luôn tự xoay xở được khi sống ở nước ngoài nên gia đình không lo lắng gì nhiều. Tôi chỉ muốn được làm những điều tốt đẹp cho con, cùng con trong khoảng thời gian bên nhau này”.
TIỂU QUYÊN
“Mẹ ơi! Có lần mẹ đã giảng cho em nghe về ý nghĩa từ "rì rầm" trong câu: "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" rằng, những lời yêu thương, những lời nhắc nhở muốn thấm sâu, muốn lắng đọng, thường nói rì rầm. Đó là âm thanh từ xa vọng lại, phải biết lắng nghe bằng con tim của mình. Em đã thấy và em nghe rất rõ tiếng "rì rầm" từ bố mẹ gửi đến em.
Những ngày này, em cũng muốn gửi tiếng "rì rầm" cho cây và đất. Em mong đừng thêm cây nào nữa trong thành phố của mình bị chặt, bị cưa đổ.
Em rất nhớ con đường mẹ và em thường đi bộ từ Hàng Cháo về nhà...
Đất rì rầm nói cùng cây Về dòng nhựa non màu mỡ Trên tàn lá xanh bỡ ngỡ Chim dừng chân hót ngập ngừng Hoa nở xòe như reo mừng Bầu trời thiên thanh lộng lẫy Gió nghiêng, lá đưa tay vẫy Nào đậu, bình yên đầy tròn Bố rì rầm nói với con Về tình yêu thương "lạ lắm" Yêu thương không đo ngày tháng Yêu thương chẳng quản đường dài Trên những cành hoa đan cài Gió vi vu lời thao thiết Tình yêu nồng nàn da diết Chỉ là của riêng bố thôi Tình yêu không nằm trên môi Mà ngập trong tim ấm nóng Mà xua đi mùa lạnh cóng Đem về hơi ấm hồng son"
(Trích tác phẩm Đường xa con hát của Đỗ Nhật Nam )