Cả nhà lột tôm cho má

03/01/2023 - 05:49

PNO - Bạn của Út qua nhà tôi ăn cơm, nói tôm khô này mua chắc mắc dữ, nên lên mạng tra giá thử, rồi lè lưỡi kêu: “Trời, tới mấy triệu một ký!”. Má nhướn mày: “Có chục triệu cũng đừng hòng mua được”.

 

Tôm khô, thành quả của cả nhà
Tôm khô, thành quả của cả nhà

Khi những trận mưa vơi bớt và bấc đổ về, buổi sáng trở lạnh, má lục đục chuẩn bị đặt mua tôm. Phải là loại tôm ngon, đều tăm tắp, không to quá cũng chẳng nhỏ quá. Ấy là lúc đám con cháu trong nhà khều khều nhau cười khổ, sắp cực tới nơi rồi đó nhe. Cực, tức là má sắp làm tôm khô. 

Công việc mới được thêm vào lịch làm việc của cả nhà: lột vỏ tôm.

Những con tôm được nêm sẵn gia vị, luộc chín, đến khi đỏ au thì đổ ra từng thau lớn, và mọi người cùng xúm vô làm. Thằng Út hậu đậu, cứ lột được một con nguyên lành là có hai, ba con khác nham nhở. Chị dâu quen tay, thoăn thoắt lột. Ba chầm chậm, thư thả từng con một. Anh Hai lo giữ hai đứa cháu, mừng rơn vì không phải lặn ngụp trong mớ tôm đó. 

Người phụ đông vậy, nhưng chẳng ai làm lại má. Quay trước quay sau, một thau tôm đầy vun má đã xử lý hết. Những mẻ tôm được má phơi qua mấy con nắng ngoài sân, hong cho khô. Má trải đều chúng trên từng cái nia, phủ vải mùng ở trên để ruồi kiến không bu. 

Từ ngày tôm ra sân, má thành người thấp thỏm. Cứ ngồi hay nằm một chút lại phải đi ra ngóng coi trời có chuyển mưa không. Tôm chưa kịp khô gặp nước thì chỉ có hư. Thằng Út tài lanh lên mạng tra thử, kêu kiểu làm của má là tôm nhiều nắng. Nghĩa là nhiều hơn một nắng nhưng không khô quắt như tôm khô ngoài chợ. Má lắc đầu nói không biết, bà ngoại dạy sao má làm y chang vậy thôi. Làm bằng nỗi nhớ, bằng sự trân trọng những điều xưa cũ mà nếu không giữ lại biết đâu sẽ sớm phôi phai. 

Lột vỏ tôm cực trần ai, mấy ký phơi phóng đủ nắng gom lại chỉ được một keo nhỏ xíu. Mà má đâu có làm ít ít, má làm năm sáu keo một lần. Chuỗi công việc canh đặt tôm, tẩm ướp luộc sơ, lột vỏ rồi phơi, canh nắng coi mưa cứ vậy lặp đi lặp lại hoài, không thấy điểm dừng. Đám con than nhức lưng, má chỉ cười cười, không đáp. Anh Hai lẳng lặng nhìn cái lưng má đã cong nhiều, thầm nghĩ ráng dành dụm tiền tết mua tặng má cái máy mát xa cho đỡ đau mỏi. 

Làm tôm khô cực cũng do tính má, má kỹ vô cùng. Tôm phải sạch vỏ, bỏ cả đầu lẫn đuôi. Việc lấy cho hết đường gân đen trên lưng tôm khó quá thì tận tay má làm. Thằng Út thắc mắc sao không để đầu tôm nhìn cho nhiều, má giải thích rằng đầu nhiều gạch, nhìn đẹp đó chớ tôm dễ hư. Mấy cha con vốn không cẩn thận, má sợ không biết cách giữ phần đầu sạch sẽ. Một con tôm hư có thể lan ra làm hư cả mẻ tôm, chỉ có nước bỏ đi. Vừa uổng công lao cả nhà, vừa tiếc của. 

Phần đầu tôm lặt ra, má đem đi nấu canh. Có khi nấu với bầu, có khi mướp. Có khi nấu với nhiều loại nấm làm thành xúp. Mấy ký tôm dồn lại, tôm nhiều gạch khiến nước canh đỏ cam đẹp mắt, ngọt lừ. Cả nhà ăn cứ hít hà. Má nhìn thằng Út vét đáy nồi cơm, cứ tủm tỉm cười hoài.

Tôm khô má làm dĩ nhiên chất lượng, má trữ vài keo bỏ tủ lạnh ăn cả năm. Mấy keo còn lại, má để tặng cậu Ba, thím Bảy, một keo để anh chị Hai đem theo lên thành phố ăn.

Bạn của Út qua nhà tôi ăn cơm, nói tôm khô này mua chắc mắc dữ, nên lên mạng tra giá thử, rồi lè lưỡi kêu: “Trời, tới mấy triệu một ký!”. Má nhướn mày: “Có chục triệu cũng đừng hòng mua được”. Cũng đúng, bởi đó là thành quả của cả nhà, cộng với công thức gia truyền bà ngoại chỉ dạy cho má.

Sau này gia đình anh Hai dọn lên thành phố, cận tết mới về, sợ má cực nên anh nói má đừng làm tôm nữa. Má cứ nhất quyết làm. Chị Hai hiểu ý má, thủ thỉ với chồng, má thích nhìn con cháu ăn ngon, bởi những món má tự tay làm. Anh Hai gãi gãi đầu chịu thua, thôi thì mỗi năm tranh thủ về sớm ngồi lột tôm với má. 

Phát Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI