Cả nhà cùng thắng

10/11/2015 - 09:33

PNO - Đối với con trẻ, lời hứa đã được người lớn thốt ra thì chúng sẽ ghim vào lòng như đinh đóng cột.

Chúng sẽ nhắc tới, nhắc lui đến khi nào ta thực hiện lời đã hứa mới thôi. Nếu ta thất hứa với chúng, đủ thứ chuyện rắc rối sẽ xảy ra. Trẻ sẽ buồn và thất vọng. Tệ hơn, trẻ cảm thấy mất niềm tin vào bố mẹ và sẽ tự cho phép mình thất hứa với người khác từ chính cách hành xử của người lớn.

Ca nha cung thang
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Giữ chữ tín với con là việc mà các bậc cha mẹ nên coi trọng. Trong trường hợp của chị Phượng My, có thể thấy chị đã rất cố gắng thực hiện bằng được lời hứa, dù điều đó khiến chị khổ sở.

Tuy nhiên, mối lo lắng của ông xã chị cũng hợp lý; vì nếu cứ lặp đi lặp lại như vậy, trẻ sẽ dễ trở thành người ích kỷ, chỉ quan tâm đến điều mình muốn mà không suy nghĩ gì cho hoàn cảnh của người khác. Cách tốt nhất để giải quyết triệt để tình huống khó xử này là hãy dạy cho trẻ suy nghĩ “cùng thắng”.

Khi giữa hai người có sự mâu thuẫn về ý kiến, tùy theo giải pháp chúng ta chọn mà một trong ba kịch bản sau đây có thể xảy ra:

- Một người thắng, một người thua: là cách chị Phượng My đã chọn. Chị đã chiều theo ý muốn của con mà hy sinh việc riêng của mình. Rõ ràng, đây không phải là giải pháp tốt nhất vì làm sao trọn vẹn được khi có một bên phải ấm ức chịu thua. Chưa kể là dù nó có thể giải quyết được việc trước mắt nhưng sẽ để lại những hậu quả lâu dài khác.

- Hai bên cùng thua: cách “đập một phát để nó riu ríu lên xe” của ông xã chị sẽ dẫn đến kịch bản này. Làm như vậy, tất nhiên là con thua, nhưng chị cũng thua đau không kém. Chị sẽ mất đi lòng tin yêu của con, làm tổn thương cảm xúc của con. Cái giá phải trả không hề rẻ chút nào!

- Hai bên cùng thắng: Đây là kịch bản lý tưởng nhất, tức là con sẽ đồng ý dời lại “kèo” ăn chim cút vào hôm sau một cách vui vẻ, và chị sẽ đến chỗ hẹn đúng giờ trong thư thả. 

Để rèn cho trẻ suy nghĩ “cùng thắng”, chị cần dành thời gian trò chuyện với con về những gì đã xảy ra. Chẳng hạn, có thể hỏi con cảm thấy thế nào khi mẹ thực hiện lời hứa với con (hẳn bé sẽ trả lời là con rất vui).

Chị có thể nói: “Mẹ cũng vui lắm khi thấy con vui. Nhưng hôm đó, mẹ mệt ơi là mệt vì phải phóng xe thật nhanh để kịp giờ hẹn. Trên đường xe lại đông, mấy lần mẹ suýt gặp nguy hiểm. Mẹ ước gì con có thể thông cảm cho mẹ, vì quán bán chim cút người ta đóng cửa chứ có phải tại mẹ đâu. Con cũng đâu muốn mẹ phải vất vả và nguy hiểm như thế, đúng không con?”. (Lưu ý là nói với con một cách nhẹ nhàng, tình cảm chứ không phải trách móc hay đổ lỗi). 

Tiếp theo đó, hãy rủ rỉ tâm sự với bé: “Lúc đó, mẹ suýt nữa thì nổi cáu nhưng mẹ nghĩ, nếu mẹ đét cho con một cái thì hẳn con sẽ buồn lắm. Như thế thì con lại thua mất, mà mẹ cũng thua vì đã làm con đau. Vậy theo con, có cách nào khác khiến con vui mà mẹ cũng vui không?”

Hãy cùng bé lần lượt liệt kê ra các giải pháp khác nhau theo tinh thần đó, cho đến khi nào chọn được giải pháp phù hợp nhất. Chẳng hạn: “À đúng rồi, mình sẽ dời sang chiều hôm sau, à mẹ sẽ khao con một ly sinh tố nữa vì con đã rất biết nghĩ cho mẹ, phải không nè!”.

Mỗi khi gặp tình huống tương tự, chị hãy tập cho con suy nghĩ theo các kịch bản như vậy và hướng đến giải pháp “cùng thắng”.

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương (Người sáng lập Trường ngoại khóa TOMATO)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI