Cả nhà cùng kể chuyện lịch sử

02/09/2024 - 12:58

PNO - Đến với Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, Di tích hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân, Di tích hầm nổi và hộp thư bí mật… rất nhiều người ngỡ ngàng khi thấy hướng dẫn viên nhí có đôi mắt to tròn, đen láy.

Một lần, đang chuẩn bị cho buổi họp mặt các nhân chứng lịch sử Biệt động Sài Gòn, 2 chàng trai Trần Trọng Nghĩa, Trần Trọng Nhân đang yên vị trong nhà bỗng bật dậy, chạy ra đường.

Thì ra, nhìn thấy các ông bà, cô chú từ xa, các em ào ra đón để xách phụ đồ đạc và dìu đỡ lên thềm vì các ông bà, cô chú già yếu, có người còn bị thương tật từ thời chiến. Các em lễ phép chào hỏi, ân cần quan tâm như gặp người thân trong gia đình. Ly nước mát nhanh chóng được bưng ra cho các bậc lão thành cách mạng thấm giọng, để từ đó những mạch chuyện lịch sử tuôn trào.

Trọng Nghĩa, Trọng Nhân là con của anh Trần Vũ Bình - chị Đoàn Dương Thái Anh và là cháu nội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (C trưởng biệt động, thuộc đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định). Anh hùng Trần Văn Lai và vợ là bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai) đã làm nên nhiều chiến công.

Ông Trần Vũ Bình (giữa) và 2 con trai tiếp đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM -  trong chuyến thăm các di tích Bảo tàng Biệt động Sài Gòn cuối năm 2022 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Trần Vũ Bình (giữa) và 2 con trai tiếp đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - trong chuyến thăm các di tích Bảo tàng Biệt động Sài Gòn cuối năm 2022 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong đó, ông bà đã ròng rã nhiều năm đào hầm bí mật, cất giấu hơn 2 tấn vũ khí phục vụ cho cuộc tấn công Dinh Độc Lập vào năm 1968 (nay là hội trường Thống Nhất). Từ nhỏ, anh em Trọng Nghĩa - Trọng Nhân đã đam mê lịch sử, tự nghiên cứu sách sử và tích cực hỗ trợ ba mẹ trong việc phục dựng, bảo tồn di tích lịch sử cũng như đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan.

Đến với Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM), Di tích hầm chứa vũ khí bí mật và hầm trú ém quân (287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3), Di tích hầm nổi và hộp thư bí mật (113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1)… rất nhiều người ngỡ ngàng khi thấy hướng dẫn viên nhí có đôi mắt to tròn, đen láy.

Từ 8-9 tuổi, Trọng Nhân đã tiếp khách tham quan, thuyết minh về di tích cũng như tự tin trả lời rành rọt các câu hỏi đột xuất. Hầm nổi, hầm trong lòng đất và hàng ngàn hiện vật như xe cổ, vũ khí, cà mèn, bình nước, chiếc máy đánh chữ của các chiến sĩ… được số hóa, trưng bày lớp lớp ở bảo tàng được Nhân nhớ vị trí và kể vanh vách từng câu chuyện, nhân vật liên quan. Mới 15 tuổi, Trọng Nhân đã có thâm niên 6-7 năm làm hướng dẫn viên tại bảo tàng nhà mình.

Trọng Nghĩa tiếp các bạn thanh niên đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trọng Nghĩa tiếp các bạn thanh niên đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định - Ảnh do nhân vật cung cấp

Điều đặc biệt là với cùng một nội dung thuyết minh, Trọng Nhân biết cách biến hóa phong cách cho phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề của đoàn khách. Phong cách chững chạc, nghiêm trang, trầm hùng với các chính khách, người lớn tuổi; hài hước, sinh động và gần gũi với khách nhỏ tuổi. Vì mến mộ cậu chủ nhà hiếu khách, nhiều bạn học sinh đã xin chữ ký, xin số điện thoại để lui tới bảo tàng uống nước, ăn cơm tấm hay trao đổi về đề tài lịch sử.

Tiếp khách nhỏ tuổi, Trọng Nhân càng phấn khởi, hăng hái và càng nhận thấy tính hữu ích của công việc mình làm. Cậu cũng cực kỳ có trách nhiệm khi nhận công việc, luôn đúng giờ, trang phục chỉn chu và tự áp dụng kỷ luật thép như nhà binh. Trọng Nhân cũng “bật mí” ước mơ sau này làm bộ đội để bảo vệ đất nước, tiếp nối truyền thống cách mạng kiên cường của gia đình.

Chị Thái Anh nhớ như in kỷ niệm vào năm 2018, khi cả nhà được mời vào hội trường Thống Nhất dự chương trình kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công, nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Khi đó, đáng lẽ Trọng Nhân cũng được ngồi cùng hàng ghế với cả gia đình để nhà báo phỏng vấn, nhưng cậu đã nhường ghế cho một gia đình khác. Rồi cậu lùi lại xa xa, lặng lẽ ngồi ở một góc chăm chú theo dõi chương trình, vẻ mặt xúc động pha lẫn tự hào, cảm kích khi nghe ôn lại những chiến công hào hùng của thế hệ đi trước, trong đó có các ông bà của mình. Năm ấy, Nhân mới học lớp Ba.

Từ nhỏ, Trọng Nhân đã tiếp đoàn khách thanh niên đến tham quan Di tích hầm nổi  và hộp thư bí mật - 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ nhỏ, Trọng Nhân đã tiếp đoàn khách thanh niên đến tham quan Di tích hầm nổi và hộp thư bí mật - 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp

Còn anh Hai Trọng Nghĩa cũng từng là hướng dẫn viên kỳ cựu, luôn có mặt trong các buổi tiếp đoàn, quán xuyến công việc và là giám đốc của chuỗi cà phê Đỗ Phủ cùng Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Do đang tập trung cho việc học và phụ giúp gia đình quản lý các điểm kinh doanh khác nên Nghĩa thống nhất “chia lửa” cho em trai chịu trách nhiệm hướng dẫn chính tại các điểm di tích lịch sử này.

“Gần 30 năm qua, tôi và gia đình dành hết tâm sức phục dựng, bảo tồn di tích Biệt động Sài Gòn. Đó là hành trình dài dằng dặc, gian khổ, chông gai và hạnh phúc. Nhưng đời người hữu hạn mà câu chuyện lịch sử luôn phải kể tiếp, kể tiếp để thế hệ trẻ tri ân ông cha đã hy sinh xương máu, trân trọng hòa bình, độc lập và đừng thờ ơ, lãng quên quá khứ. Nếu không có sự tiếp nối, chuyền tay thì xem như chúng tôi chỉ thành công một nửa. May mắn là các con đã cùng thắp ngọn lửa tình yêu đối với lịch sử gia đình, lịch sử dân tộc, để các thế hệ tự hào về nhau, tiếp sức cho nhau cùng lan tỏa tình yêu thiêng liêng này” - ông Trần Vũ Bình nhìn các con, xúc động chia sẻ.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI