Cả nhà chung tay… làm bếp

22/04/2020 - 15:42

PNO - Chẳng biết có phải do ở nhà nhiều, nên những ngày này tôi bỗng dưng hay nhớ về “hồi đó”.

"Hồi mẹ còn nhỏ, ở quê bà ngoại hay để dành các thứ cơm bánh ăn dư, xong chế biến thành nhiều món thần sầu. Đơn giản là phơi khô từ cơm nguội, bánh mì cho tới sợi bún, sợi hủ tíu… để khỏi lãng phí. Gặp hôm trời mưa gió hay muốn đổi bữa để đám con đỡ ngán cơm, ngoại chịu khó nấu nướng vài món biến tấu khác mà bây giờ rất ít gặp", tôi hay kể với con như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ví như món cơm khô rang hoặc ngào đường. Nguyên liệu vô cùng đơn giản, chỉ là cơm nguội ăn dư, phơi khô, đem rang trên chảo, đợi vàng thơm thì lấy ra ăn. Hoặc thêm vào chút đường cát, ngào chung, thành thức ăn vặt mà đứa trẻ nào cũng mê mẩn. 

Bún cũng tương tự vậy, được rang lên, thêm đường, giống như món “bánh rế” thời bây giờ. Nhìn cũng hấp dẫn bọn nhóc lắm. Lại còn cả bánh mì ế phơi khô, khi ăn chỉ cần hấp cách thủy cho mềm lại. Phết thêm mỡ hành, chấm xì dầu hoặc nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Đơn giản vậy thôi. 

Bây giờ người ta thêm nào bì thính, thịt băm, rau sống này nọ, thành món bánh mì hấp bán ngoài hàng quán. Con gái tôi nghe qua liền đề nghị: “Để con mua chục ổ bánh mì về cắt lát, phơi khô cất trong nhà, phòng khi cần, mẹ nhé!”.

Cá nhân tôi thì ấn tượng mãi với món cơm nắm muối vừng. Mùa này nhiều nhà thủ sẵn hũ muối vừng. Cách làm rất dễ: đậu phộng rang chín, để nguội, mang ra giã nhuyễn hoặc hơi giập, nêm vào chút muối, chút đường tùy ý. Có thể trộn chung với mè đen, mè vàng, hay hạt điều, hạt bí, hạt hướng dương, óc chó gì cũng được. Cuối cùng, các bà mẹ hãy mạnh dạn “triển” thêm món cơm nắm ăn cùng, không gì đơn giản hơn. 

Cơm nấu chín, còn đang nóng hổi, dùng vải mùng sạch “vắt” cơm thành từng nắm nhỏ hoặc nhồi thành một viên cơm to, để nguội. Lúc ăn thì xắt từng lát. Cơm nắm có thể để được vài ngày ở nhiệt độ thường mà không hư. Vẫn là gạo tẻ nấu lên đấy thôi, nhưng cơm nắm mang hương vị khác hẳn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bây giờ, mỗi khi tôi hỏi con mình: “Có muốn ăn cơm nắm không?”, là cả bọn nhao nhao đồng ý. Đứa nào cũng thích món này. Chỉ riêng cái cảnh nhìn mẹ xới chén cơm bốc khói ra “nắm” thôi cũng đủ khiến chúng cảm thấy thú vị rồi.

Những ngày này, ở yên trong nhà, còn gì vui thích hơn khi ngắm mớ hạt nảy mầm, mọc lên đôi lá nhỏ, thơm nồng mùi cải xanh, rau thơm, hành ngò. Chẳng cần nhiều không gian, thùng xốp hay đất. Có thể tái sử dụng những thứ đồ dùng có sẵn như thau, xô, chai nước, chậu hoa cũ… là ta đã sở hữu một màu xanh be bé rồi. Niềm vui thu hoạch thì bao la, dù nhiều khi chỉ là rổ rau nhỏ cả nhà ăn vừa đủ bữa. Hoặc mớ lúa trổ lên xanh rì mát mắt trong cái chậu bé bằng… bàn tay, trưng trên bàn bếp, bệ cửa sổ.

Nhưng tâm trạng người ta sẽ bình yên hơn rất nhiều, khi nhìn từng mầm sống cỏ cây đang tiếp tục sinh sôi ở ban-công nhà mình. Lòng bỗng dưng tĩnh lại, bớt lo âu, yêu thương và nâng niu sự ấm áp sum vầy phải lâu rồi mới có được. Lại thấy bản thân tránh được cảm giác quẩn quanh vô nghĩa, tiết kiệm được chút tiền chợ tí teo vẫn dành để… mua rau.

Các bà nội trợ khéo tay hoặc chỉ cần “làm siêng” tỉ mẩn chút, là có thể tự muối dưa cải chua, muối cà pháo, giá hẹ hay bắp cải rau răm, củ kiệu để cải thiện bữa cơm hằng ngày trong mùa dịch bệnh. Ăn dần rất tiện, đỡ ngán. Lại không tốn kém gì nhiều. Hoặc mua trứng về muối, vui vẻ hình dung ra mâm cháo trắng hột vịt muối buổi sáng đông đủ những thành viên trong gia đình.

Xào hũ thịt ba rọi với mắm ruốc thơm lừng. Xé ký chà bông heo, gà, cá gì đó, vừa sạch sẽ vệ sinh lại “giá gốc”. Thêm yên tâm vì nhà mình cũng có “đồ khô” phòng dịch. Cũng nên lắm chứ. Đâu cần thứ nào cũng ra chợ khuân về tích trữ, ta hoàn toàn có thể tự “giải trí” bằng cách tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi, tăng thêm vẻ sinh động đáng tự hào trong căn bếp nhỏ ấm cúng nhà mình. Rủ rê huy động được chồng con cùng chung tay làm nữa thì càng tuyệt! 

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI