Cả năm quần quật, nghĩ mà thương…

06/01/2020 - 06:06

PNO - Nhiều lệ kiêng rất thú vị khiến con cái nghe qua một lần là nhớ và hào hứng làm theo ngay, bởi nó rất chi… “trúng ý”.

Ngày còn sống, mẹ luôn rất kỹ càng trong những lệ kiêng cữ đầu năm. Lệ kiêng của mẹ rất nhiều, ghi lại chắc mất nguyên cuốn sổ: từ chuyện ăn mặc, hành xử, nói năng, đến đi đứng, chơi bời… nhất nhất đều không được “phạm luật” nếu không muốn xui rủi cả năm. Nhiều lệ kiêng rất thú vị khiến con cái nghe qua một lần là nhớ và hào hứng làm theo ngay, bởi nó rất chi… “trúng ý”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong số những lệ kiêng kiểu ấy có hai cái lệ kiêng khá lạ đời, liên quan tới hai nhân vật dị thường chỉ tồn tại trong trí tưởng: ông Chổi và ông Hà Bá.

Bắt đầu là chuyện ông Chổi, tức vị thần lo chuyện quét dọn. Cuối năm nào cũng vậy, cả nhà làm cuộc “tổng ra quân” dọn dẹp, quét tước; từ nhà trên, nhà dưới, nhà bếp, nhà kho, ra đến tận sân, hè, bờ rào, cổng ngõ...

Mẹ bảo: “Rác rưởi năm cũ dứt khoát không được để tồn đọng sang năm mới”. Thế là tất tật các loại chổi - từ chổi đót quét nhà, chổi xương quét sân, đến chổi chà quét ngõ - đều phải tập trung, làm việc cật lực. Vậy nhưng, quét dọn gì cũng chỉ đến ba mươi tết trước giao thừa là hết. Sau giao thừa cho đến hết ngày mồng một, cấm không ai được quét nhà, quét sân. 

“Cho các “ông Chổi” nghỉ đầu năm. Cả năm quần quật, nghĩ mà thương…” - lời mẹ. Lệnh ấy khiến tôi mừng “vấp té”; bởi ngày thường tôi được (chính xác là bị) phân công nhiệm vụ quét nhà. Một công việc đơn điệu, hết ngày này sang ngày kia kéo thành điệp khúc lê thê, ai không phát ớn?

Xong ông Chổi tới phần ông Hà Bá; tức vị thần canh giếng. Ngày đầu năm, mẹ cấm xách nước vì phải để cho ông Hà Bá nghỉ ngơi. “Đầu năm không được dội gàu ùm ùm làm kinh động ổng…” - cũng là nguyên văn lời mẹ. Để đủ nước xài cho ngày đầu năm; thùng, lu, vò, chát… - tất tật mọi thứ đồ có thể dùng đựng nước - đều được mẹ huy động ra chứa nước trong ngày cuối năm hết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều ba mươi tết, sợ con quên, mẹ còn đem cất gàu, lấy cái nia to ụp luôn miệng giếng cho chắc ăn. Lần này thì đến lượt chị Hai tôi mừng, bởi chị là “trưởng ban thủy lợi” của cả nhà, chuyên lo việc xách nước…

Tôi lớn lên qua mỗi mùa tết nhất. Niềm tin vào ông Chổi và ông Hà Bá cần nghỉ ngơi trong ngày đầu năm cứ dần rơi rụng, dần bị đánh bạt bởi những kiến văn khoa học thừa lý thiếu tình. Thi thoảng tôi đem lý thuyết về chuyện không ông Chổi hay ông Hà Bá nào tồn tại về mà cãi mẹ.

Đầu năm, đôi khi còn cố tình xoèn xoẹt quét nhà, ùm ùm xách nước để… bài trừ dị đoan. Mẹ nghe, không phản đối nhưng buồn. Lụm cụm một mình trong túp nhà xưa, để ý mỗi đận tết về, mẹ vẫn trung thành cùng cái nếp đầu năm không quét nhà, xách nước...

Rồi mẹ đi…

Tết này, tôi bước qua ngưỡng tuổi năm mươi, bắt đầu hiểu ra, rằng cuộc đời có nhiều cái thấy vậy mà không phải vậy, rằng không phải cái gì đúng lý cũng đúng tình. Ngồi buồn lãng đãng chuyện xưa, chợt giật mình khi nhớ ra chuyện ông Chổi cùng ông Hà Bá; lại vẳng bên tai câu cảm thán của mẹ một thuở nào mà nghe như mới hôm qua: “Cả năm quần quật, nghĩ mà thương...”. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI