Cả năm bộ sách giáo khoa lớp Một đều có “sạn”: Học sinh phải làm sao?

14/12/2020 - 11:11

PNO - Nếu mỗi khâu làm tốt chức trách của mình, nhà biên soạn chỉn chu, hội đồng thẩm định kiểm duyệt nghiêm túc, đơn vị thực nghiệm tiến hành dạy thực nghiệm bài bản… thì học sinh đâu phải học với sách giáo khoa ngổn ngang “sạn”.

Mới đây, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (GDVN) đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xin chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) của cả bốn bộ do NXB này tổ chức biên soạn. Như vậy, ngoài SGK tiếng Việt lớp Một của bộ Cánh diều phải chỉnh sửa, bốn bộ SGK còn lại của chương trình mới đều dính “sạn”, phải chỉnh sửa. 

Theo đó, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa hơn 37 trang, gồm SGK Tiếng Việt 1 (tập 1 và 2) và SGK Giáo dục thể chất 1. Trong đó, SGK Tiếng Việt 1 (tập 1) sửa 18 trang; SGK Tiếng Việt 1 (tập 2) sửa lỗi khoảng 16 trang; SGK Giáo dục thể chất 1 được đề xuất sửa lại ở 3 trang.

Nhiều sách giáo khoa cần chỉnh sửa
Nhiều sách giáo khoa cần chỉnh sửa

Bộ Cùng học để phát triển năng lực phải sửa lỗi 24 trang. Trong đó, SGK Tiếng Việt 1 (tập 1 và 2) sửa lại khoảng 9 trang; SGK Tiếng Anh 1 sửa lại khoảng 8 trang; SGK Giáo dục thể chất 1 sửa lại khoảng 7 trang. 

Bộ Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi 7 trang. Trong đó, SGK Tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi 5 trang; SGK Tiếng Anh 1 Family and Friends (National Edition) - Student Book được kiến nghị sửa lại trang 47 và 53 về một số câu và hình vẽ.

Còn bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục có một trang trong SGK Tiếng Việt 1 (tập 1) phải điều chỉnh nội dung văn bản do ngữ liệu không đúng trong thực tế… 

Được biết, bốn bộ SGK này của NXB GDVN chiếm khoảng 70% thị phần SGK đang được sử dụng để giảng dạy cho học sinh lớp Một trên cả nước. Cùng với thị phần của bộ sách Cánh diều bị phát hiện đầy lỗi trước đó, thì tất cả học sinh lớp Một chương trình mới đều đang học với SGK lỗi, không ít thì nhiều.

Phải thừa nhận rằng, trong vô số lỗi này, rất nhiều lỗi thuộc về sai kiến thức, chứ không đơn thuần là lỗi ngữ liệu. Vậy, học sinh sẽ tiếp thu và vận dụng những kiến thức lỗi này như thế nào trong tương lai? 

Đừng vịn vào lý do SGK chỉ là một trong những học liệu để giảng dạy, rằng thầy cô sẽ dựa vào chương trình, vào chuẩn kiến thức để dạy cho học sinh mà có quyền làm ẩu. Bởi, nếu không có “lệnh” chỉnh sửa từ Bộ GD-ĐT, từ NXB thì chẳng giáo viên nào dám tự ý thay đổi kiến thức đã được in trong SGK.

Nếu mỗi khâu làm tốt chức trách của mình, nhà biên soạn chỉn chu, hội đồng thẩm định kiểm duyệt nghiêm túc, đơn vị thực nghiệm tiến hành dạy thực nghiệm bài bản… thì học sinh đâu phải học với SGK ngổn ngang “sạn”. 

Cũng trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, NXB GDVN đề xuất được chỉnh sửa trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021-2022. NXB này đã khôn hết phần thiên hạ. Trong khi bộ Cánh diều phải chỉnh sửa ngữ liệu sai sót ngay lập tức mà các bộ SGK của NXB GDVN lại “đòi” chờ đến sang năm? Nếu có sự thiên vị này, chẳng lẽ để hàng triệu học sinh tiếp tục học những quyển SGK không chuẩn xác? 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Chí Tài (NCTh) 14-12-2020 12:19:04

    Đất nước con Rồng cháu Tiên ta không lẽ không có thêm người tài giỏi đứng ra gánh vác chuyện đại sự (giáo dục có phải là quốc sách?). Nói mãi bà con nghe tới phát chán mà không biết làm gì hơn là... tiếp tục chán!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI