Cà na đập, thương vị chua chát mùa nước lên

11/09/2019 - 16:43

PNO - Với những đứa trẻ lớn lên ở miền sông nước, cà na đập đâu còn lạ gì. Cái hương vị chua chát mặn nồng ấy cứ len lỏi vào trong tiềm thức để người ta chợt thèm, chợt thương cho những ngày thơ ấu.

Nhớ về miền Tây, mùa nước nổi như một ký ức gắn liền khó thể tách biệt với những nỗi niềm buồn, vui lẫn lộn. Mùa nước về mang theo những âu lo nhưng cũng cho người miền Tây lắm sản vật. Cái màu vàng nghệ của điên điển heo may rung mình trước những cơn gió hay chút xào xạc của mấy bụi lau sậy trổ bông trắng muốt chợt khiến lòng người xốn xang. Mùi mắm kho cá linh dậy lên cả căn bếp lại khiến lòng dạ người ta cồn cào nhớ mùa nước nổi. Trái bần chín rụng ngoài sông, mấy dề ấu, lục bình... thả mình theo con nước lũ cũng làm cho người ta chợt nhớ, chợt thương.

Nhưng có lẽ, trong lòng mỗi người miền Tây lại thương mùa nước nổi theo một cách rất riêng. Với tôi, khi con nước mấp mé bờ đê, nước đỏ ngầu của những ngày tháng tám, lại chợt nhớ về vị chua chát của trái cà na quê nhà. Cà na đâu đi vào văn chương lãng mạn như bông súng, cá linh, điên điển hay mắm kho nhưng lại khiến người miền quê thương một cách kỳ lạ, dẫu trong lòng mình, chúng có ngọt ngào cho kham.

Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Cà na, loại trái cũng gắn với mùa nước nổi miền Tây.

Cà na thuộc loại cây thân gỗ to tướng. Cây có thể cao đến 10-15 mét, hoặc hơn nữa nếu phát triển tốt. Lá cà na to bằng 2 ngón tay ghép lại. Trái to khoảng ngón tay cái trở lên, khi sống có màu xanh nhạt, chín thì màu đậm hơn có pha chút vàng rất nhạt. Thân trái mềm, xốp và có chứa nhiều nước, bên trong có hạt cứng cũng hình bầu dục như quả với hai đầu nhọn. Cà na khi chín có mùi thơm nhẹ, mà chỉ khi đứng thật gần hoặc cho lại gần mũi mới cảm nhận được rõ ràng. Chẳng ai biết cà na xuất hiện tự bao giờ trên đất Nam bộ. Nhưng trong ký ức của nhiều người lớn tuổi ban đầu đây là một loại cây mọc dại ven sông, trước khi được trồng thành hàng, thành lối như hiện tại.

Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Cà na từng là loại cây mọc dại trước khi được trồng như hiện tại.

Cà na kỳ lạ ở chỗ cây thường có xu hướng phát triển tốt ở phía hướng về mặt nước. Trái cũng cho nhiều ở khu vực này. Thân cà na to, cành lá phát triển xum xuê. Trái cà na nhiều nhưng nhỏ nên việc thu hoạch khá vất vả. Nếu trái ở bờ sông thì chọc cho rụng xuống mặt nước, rồi vớt. Những trái ở trong bờ khi hái phải có người hứng bằng mềnh, bạt để không bị dập.

Mùa cà na gần trùng với mùa nước nổi hằng năm. Vì thế, đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết về mùa nước của người miền quê. Trong mình cà na mang cái vị chua chát nhưng lại có thể biến tấu thành nhiều món ngon cũng như cách người miền Tây điềm nhiên trước những con nước lớn ùa về mùa nước nổi mỗi năm.

Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Cà na thường phát triển tốt về hướng mé sông.
Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Việc thu hoạch cà na cũng khá vất vả vì cây cao, nhiều nhánh, trái nhỏ và trái thường nhiều ở hướng mé sông.

Cà na với lũ trẻ miền quê là nơi để leo trèo, nhảy sông cho những trưa trốn ngủ. Cành cây to khoẻ, chắc nên 2, 3 đứa tụm vào một chỗ cũng chẳng sao. Đứa nào liều hơn nữa thì lúc lắc, đu đưa vài ba lần mới cho mình rơi tỏm xuống sông. Và hầu hết ký ức của những đứa trẻ miền quê, vị chua chát của cà na như một phần không thể thiếu. Cắn vào một miếng khiến mặt đứa nào cũng nhăn nheo nhưng lại tỏ ra rất thích thú.

Cà na ngào đường, cà na ngâm vốn được những ông nhậu rất chuộng, nhưng mấy món này hơi kỳ công, chỉ có mẹ, có bà mới làm được. Còn với lũ trẻ, cà na đập mới là món ăn khoái khẩu, gom trọn cả một thời tuổi thơ.                                                                              

Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Cà na đập, món ăn vui miệng của những đứa trẻ miển quê.

Hái chừng một tô cà na, sau đó mang đi rửa sạch, đập dập rồi ngâm muối một vài phút cho ra bớt chất chát. Sau đó, cà na được mang đi trộn với đường, nước mắm thêm chút ớt đỏ. Vị chua của cà na kết hợp vị ngọt mặn của mắm đường cùng chút cay the nhẹ của ớt khiến mấy đứa cứ vừa ăn vừa nhìn nhau hít hà khoái chí. Niềm vui của trẻ nhỏ, đơn giản thế thôi. Cà na ngon nhưng khiến bụng dạ dễ cồn cào sau khi ăn. Vì thế, đứa nào cũng tranh thủ lục cơm nguội hoặc nôn nao chờ cơm chiều cho cái bụng đang réo liên hồi.

Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Ca na dap, thuong vi chua chat mua nuoc len
Cà na được đập dập cho bớt vị chát trước khi đem trộn.

Từ một món ăn dân dã, cà na bắt đầu được ưa chuộng ở thị thành. Mỗi khi vào mùa cà na, Sài Gòn cũng ngập loại trái này. Chỉ cần bước vào một khu chợ ăn vặt hoặc một xe trái cây đẩy lề đường vẫn dễ dàng tìm thấy, với giá chỉ 10.000-15.000 đồng/ly. Người chưa biết thì ăn cho cảm hết vị lạ của cà na, còn kẻ quen như mua một vé quay về tuổi thơ. Nhưng cũng có người lặng lẽ ngắm cà nha, như nhìn một người quen giữa nơi phố thị. 

Bài, Ảnh: Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI