Ca mổ sinh tử

13/12/2017 - 07:25

PNO - Nếu không có sự quyết tâm và tấm lòng từ mẫu của ê-kíp phẫu thuật, có một đứa trẻ đã phải chấm dứt cuộc sống khi chưa đầy tháng.

Tìm gặp bác sĩ Đào Trung Hiếu - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, bà Trần Thị Thảo, bà ngoại bệnh nhi Đào Thị C.V., cứ nắm bàn tay ông không buông, nghẹn ngào.

“Cảm ơn các bác sĩ. Cả nhà tui đều nghĩ đã mất cháu. Vậy mà nó đã được cứu...”. “Đó là trách nhiệm của thầy thuốc chúng tôi” - bác sĩ (BS) đáp lời bà nhẹ tênh. Thật ra, hỏi lại ông và ê-kíp phẫu thuật mới hiểu, đó là một ca mổ cực kỳ căng thẳng; phải tính toán, chuẩn bị suốt 20 ngày.

Qua hình ảnh CT, các BS chẩn đoán khối bướu của bệnh nhi (BN) là dị dạng mạch máu hỗn hợp bạch huyết - một bệnh rất hiếm gặp và mới là ca thứ 6 trên thế giới.

Đây còn là một ca mổ sinh tử vì BN quá nhỏ, chỉ mới 20 ngày tuổi. Ngay sau khi lọt lòng mẹ bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), nặng 3,9kg, trong đó khối bướu chiếm gần 1/3 trong lượng cơ thể, bé V. lập tức được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Gia đình lúc đó vẫn còn đang bàng hoàng vì tuy từ tuần thai 16, BS siêu âm đã thông báo thai nhi có bướu, nhưng không ai nghĩ khối bướu lại lớn đến vậy - ôm gần hết vùng bụng, ngực, hông của bé. 

Ca mo sinh tu
Bà ngoại bé V. cảm ơn bác sĩ Hiếu đã “tái sinh” cháu bà

Chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 được vài hôm thì BN sốt liên tục, khối bướu cũng tăng trưởng khá nhanh, kéo theo chỉ số nhiễm trùng tăng vọt, đặt BS Hiếu và đồng nghiệp trước lựa chọn: nếu không mổ, BN cầm chắc cái chết. Nếu mổ, khả năng BN chết trên bàn mổ cũng rất cao. Nếu may mắn qua được cửa tử, BN lại có nguy cơ bị liệt tay.

BS Hiếu chia sẻ: “Mổ cho trẻ sơ sinh có khối bướu lớn và phức tạp như thế là vô cùng khó khăn, nhưng không thể chờ bé lớn hơn mới mổ vì bướu phát triển quá nhanh, bé không lớn kịp theo bướu và tình trạng nhiễm trùng bướu rất nặng. Tuy nhiên, mổ cũng vô cùng nguy hiểm. Đáng lo nhất là tình trạng mất máu không kiểm soát được trên bàn mổ.

BN chỉ có khoảng 100cc máu, nếu bị mất 20-30cc máu mà không khống chế được, chắc chắn đe dọa tính mạng. Bướu đã lan ra tận vùng nách - nơi có những mạch máu lớn và hệ thống thần kinh chằng chịt (đám rối thần kinh cánh tay) chi phối toàn bộ vận động và cảm giác của cánh tay trái.

Khối bướu vừa lớn vừa nhiễm trùng nặng, nếu không tách được dây thần kinh, mổ xong mà cánh tay bé bị liệt thì phẫu thuật cũng xem như không thành công. Đã vậy, mổ xong sẽ thiếu da để may lại vết mổ; nếu để vết mổ phơi tự nhiên, chắc chắn bị nhiễm trùng, tiếp theo là nhiều khả năng BN tử vong do nhiễm trùng. Làm thế nào để tách được bướu, giữ được an toàn cho BN trên bàn mổ và sau mổ tay BN vẫn vận động được là một loạt thách thức với cả ê-kíp”.

Ca mo sinh tu
 

Nhìn thấy trước nhiều nguy cơ, nhưng BS Hiếu cùng ê-kíp vẫn quyết định phẫu thuật vì muốn tìm một cơ hội sống cho BN. Ca mổ được chuẩn bị với nhiều phương án dự phòng. Ngày BN vào phòng mổ, gia đình bé đã nghĩ đó là lần cuối được gặp bé. Trong phòng mổ, ê-kíp mổ có đến hai BS gây mê và một lượng máu dự phòng rất lớn: 6 bịch máu (750ml) và 300ml huyết tương tươi.

Khi những đường dao mổ hạ xuống, các BS lại phát hiện đó không phải là khối bướu đơn độc, mà bên trong còn có nhiều nang nhỏ, xen lẫn vào lớp cơ thành ngực, thành bụng và nhiều mạch máu lớn, dây thần kinh đi sâu vào trong bướu, khiến việc bóc tách càng trở nên cực kỳ phức tạp. Có nhiều nang chứa đầy mủ và mô hoại tử - là nguyên nhân gây nhiễm trùng, sốt cao liên tục cho BN và nếu không được mổ sớm, BN chắc chắn khó qua khỏi.  

Sau 7 giờ 50 phút ngộp thở bên bàn mổ (chưa kể 2 giờ chuẩn bị), cả ê-kíp mới dám thở phào nhẹ nhõm vì giải tỏa được nỗi lo, các nguy cơ đã không xảy ra, mọi thứ vẫn được kiểm soát tốt. Trước lúc mổ, bé nặng 4,150kg, mổ xong còn 3,2kg). Bé được ra phòng hồi sức trong tình trạng không sốc và chỉ 20 giờ sau mổ đã không cần dùng đến máy thở.

Một ngày sau, bé tỉnh lại. Đến ngày thứ ba, bé uống được sữa, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát hoàn toàn. Đến lúc này, cả ê-kíp mới thật sự yên tâm. Chỉ còn một vấn đề phải hồi hộp chờ đợi là cánh tay trái của BN. Phải đến mấy ngày sau, cánh tay bé mới vận động được.

BS Đào Trung Hiếu nhận được điện thoại của BS Huỳnh Thị Phương Anh, chung ê-kíp phẫu thuật, thông báo bằng giọng như sắp khóc: “Bác ơi, bé mới lấy tay đánh vô mặt em”. Cả hai thầy trò mừng đến rơi nước mắt. Cùng lúc, những giọt nước mắt hạnh phúc cũng lăn dài trên mặt của đôi vợ chồng trẻ công nhân ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang - cha mẹ bé V. Nếu không có sự quyết tâm và tấm lòng từ mẫu của ê-kíp phẫu thuật, có một đứa trẻ đã phải chấm dứt cuộc sống khi chưa đầy tháng. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI