Cá mó rạn nấu canh me rừng

05/04/2024 - 06:30

PNO - Một ngày cuối tuần, cả nhóm “đổi gió” vượt sóng ra đảo, ghé nhà anh đồng nghiệp. “Lần ni ra đảo, mình mời món cá mó rạn, ăn thử coi có hút hồn người đất liền không nghe?”. Lời mời của anh bạn vừa thân thiện, vừa thách đố, nhưng điều khiến tôi tò mò nhất là cái tên cá mó rạn.

Hấp dẫn tô canh cá mó
Hấp dẫn tô canh cá mó

Tàu vừa cập bến, chỉ vài bước chân rời tàu là đến chợ đảo. Những thau mực, ốc, tôm đang cựa quậy... và cả những con cá mó rạn mới được ngư dân câu lên.

Mỗi lần ra thăm đảo Cù Lao Chàm, lại được vợ chồng anh đồng nghiệp đãi một món ăn khác nhau, tùy theo buổi chợ biển. Lần này, tôi thực sự ngạc nhiên vì chỉ dăm bảy con cá kích cỡ lớn nhỏ không đồng đều nhưng lại rất nhiều màu sắc. Con có màu xanh bắt mắt, con lại có màu hồng phấn nhẹ nhàng, có con đan xen nhiều màu cam hoặc sọc đỏ, cả màu tía. Hỏi ra mới biết, loại cá mó này có một đặc điểm kỳ lạ là sinh sống và tìm thức ăn quanh các rạn san hô và có thể thay đổi màu sắc trong suốt vòng đời của chúng. Vậy nên ngay cả giữa những con đực, con cái và con non cùng loài cũng có thể có màu sắc khác nhau.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, cá mó ít xương, nhiều thịt, tính hiền, có thể phù hợp với mọi thể trạng. Trẻ em còi cọc, người mới đau dậy, phụ nữ sau sinh... ăn các món từ cá mó không thể chê vào đâu được. Cá mó rạn, đã đi mòn cả lối chợ quen thuộc, nhưng tôi chưa bao giờ gặp. Không gặp cũng phải, bởi theo ngư dân thì cá mó rạn không phổ biến ở biển Quảng Nam và thường xuất hiện vào những ngày tháng Sáu, tháng Bảy. Ngư dân bắt được nhiều mới mang ra chợ bán, nếu chỉ vài con thì để lại cho gia đình hoặc biếu người thân.

Cũng đã từng nghe kể “lõm bõm” về loài cá mó rạn chứ chưa một lần chế biến và thưởng thức, thế nên tôi không thể bỏ qua cơ hội có một không hai này, lẽo đẽo vào bếp để hiểu tận tường và trên hết là “học lõm” vài ba “chiêu”.

Nguyên liệu  canh cá mó rạn  nấu lá me rừng
Nguyên liệu canh cá mó rạn nấu lá me rừng

Thường thì người ta hay chiên giòn, nấu cháo, hấp cách thủy cá mó. Riêng nhà anh bạn đồng nghiệp lại ghiền nấu canh cá mó theo kiểu “thuyền chài” (cách nấu đơn giản, phổ biến của ngư dân miệt biển).

Ngày cá mó nhiều cũng là thời điểm me rừng xứ đảo đâm chồi mọc lá xanh mơn mởn. Lá me rừng, thứ cây mọc hoang, dưới bàn tay người miệt biển đã góp phần làm nên món canh dân dã, cuốn hút giữa trưa nóng bức. Ngoài ngon miệng, canh này khá tốt cho sức khỏe khi lá me và cá mó giàu các chất chống ô xy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, tiểu đường, chống nhiễm khuẩn, giảm đau nhức xương khớp, bảo vệ màng dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa…

Cũng không có gì phức tạp trong khâu chế biến. Chỉ cần chọn những ngọn lá me còn non, rửa sạch và tước lấy lá, bỏ cọng. Cá mua về, sau khi làm sạch, bỏ ruột, không đánh vẩy, để ráo. Tiếp tục ướp cùng một chút gia vị, tiêu, nước mắm, gừng tươi. Khi nước nấu canh đã sôi, cho cá vào vừa chín thì thêm lá me, rắc tiêu đã xay nhuyễn rồi nhanh tay tắt bếp.

Nồi canh cá mó rạn nấu lá me rừng vừa nhắc xuống cũng là lúc chị vợ anh bạn đã luộc xong chú gà kiến vàng ươm. Dẫu vậy, mọi ánh mắt đều tập trung vào tô canh lá me bốc khói. Giờ không phải vì lời giới thiệu hấp dẫn ban đầu của anh bạn mà tôi biết nguyên nhân chính là tô canh bình dân mà đủ màu sắc, đủ hương nghi ngút khói, thơm đến phổng mũi. Từng con cá thịt trắng phau, ngọt, cứ thế “hô biến” cùng nồi cơm dẻo thơm khi nào chẳng biết. Và ngay lúc này, thú thật, tôi “chỉ muốn một tháng đôi ba lần được ra thăm xứ đảo Cù Lao Chàm”. Anh bạn đồng nghiệp nghe tôi nói vậy, nở nụ cười mãn nguyện.

Phan Thị Thanh Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI