Cà Mau triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế

21/10/2021 - 18:51

PNO - Ngày 21/10, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế địa phương này trong những tháng cuối năm 2021.

Kế hoạch vừa nêu nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn…

Với tác động của đại dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội: sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản giảm; hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng; sản lượng các sản phẩm công nghiệp giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 33,9%; thu ngân sách giảm 7%; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và đạt thấp so với kế hoạch, giảm so cùng kỳ; các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao bị tạm ngừng; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, lao động tự do và những ngành nghề không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Dự báo những tháng cuối năm, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh vẫn chịu tác động rất lớn, như: Xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, thương mại, thu ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất kinh doanh…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, kế hoạch yêu cầu trước hết phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời không để dịch COVID-19 lan rộng. Đồng thời, mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng và xóa vùng cam, vùng đỏ tiến tới xanh hóa toàn địa bàn tỉnh gắn với việc khôi phục kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Từ đó tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội” trong tình hình mới. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng công nghệ số, chính phủ điện tử. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Huy động tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên phục vụ công tác bảo đảm sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội.

Đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội. Phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau giao.

Trên cơ sở lộ trình mở cửa, kế hoạch nêu trên đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.

Cụ thể, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, quy định về phòng chống dịch COVID-19 liên quan đến hoạt động sản xuất trên các phương tiện truyền thông, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống khuyến nông cơ sở, các tổ chức đoàn thể, chi, tổ, hội ở địa phương, đặc biệt là các tổ COVID cộng đồng và các chốt kiểm soát. Giải thích, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không chủ quan, lơ là mất cảnh giác làm lây lan dịch COVID-19. Tập trung triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19

Về triển khai các chủ trương, chính sách, các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về chỉ đạo điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2021; về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội trước diễn biến ảnh hưởng COVID-19. Kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Cà Mau xác định đây là “trụ đỡ” của địa phương này. Do đó, phát huy lợi thế của ngành nông nghiệp để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất phù hợp điều kiện bình thường mới; tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của người dân.

Về thị trường, theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa duy trì hoạt động kinh doanh, đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân; không để xảy ra tình trạng ùn ứ, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa. Cùng với đó, xây dựng, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng; phát triển các kênh phân phối, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu. Đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số; tăng cường hoạt động thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tuyến…

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Một nội dung quan trọng nêu trong kế hoạch là hoàn thành dứt điểm việc chi chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; tổ chức rà soát, thu thập thông tin về nhu cầu giải quyết việc làm của người lao động tại địa phương và người lao động đi làm việc ngoài tỉnh đã trở về địa phương để tư vấn, giới thiệu việc làm cho phù hợp…

Minh Vương

Nguồn: P.V

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI