PNO - Toàn tỉnh Cà Mau hiện công nhận và quản lý trên 110.900 người có công, trong đó có khoảng 14.981 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng hơn 41 tỉ đồng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, việc chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thời gian qua, tỉnh đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn mới đối với người có công. Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người có công. Qua đó, được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt qua nhiều kênh thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền, lồng ghép tập huấn nghiệp vụ, đối thoại trực tiếp, triển khai đảm bảo chính sách đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người có công với cách mạng và thân nhân trong việc thực hiện chính sách.
Tỉnh Cà Mau luôn quan tâm chăm sóc cho người có công với cách mạng
Mỗi năm, Sở đều xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ, các hoạt động chăm lo người có công. Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc thăm hỏi, động viên các đối tượng người có công vào các dịp lễ, tết. Xây dựng, tổ chức vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm lo, tôn tạo các nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ. Hỗ trợ người có công và thân nhân người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, đau ốm, bệnh tật. Giải quyết điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại gia đình, đặc biệt hằng năm tổ chức chu đáo việc đưa thân nhân liệt sĩ, người có công đi thăm thủ đô Hà nội, viếng Lăng Bác và gặp mặt lãnh đạo các cơ quan Trung ương. Vào dịp tết thì lãnh đạo tỉnh quan tâm, dành một phần kinh phí để thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công, thân nhân liệt sĩ… thể hiện sự tri ân và đền ơn đáp nghĩa.
Bên cạnh đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt việc xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngoài ra, góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng. Các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, có các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh và gia đình cách mạng, nhất là trong phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình.
Đồng thời thực hiện điều dưỡng tại gia đình năm 2024 cho các huyện, thành phố… với tổng số 3.379 người, số tiền trên 6,2 tỉ đồng. Tham mưu xét chọn và đưa đại biểu dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2024 tại Hà Nội. Tổ chức lễ công bố quyết định và trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân 41 liệt sĩ theo quy định. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh rà soát, hoàn thiện danh sách số lượng liệt sĩ trên địa bàn tỉnh và bổ sung hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công lần đầu cho 12 hồ sơ liệt sĩ. Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết thêm, lũy kế đến nay đã vận động hơn 11,3 tỉ đồng, đạt 111,6% kế hoạch năm. Qua đó xây dựng, sửa chữa 204 căn nhà, với số tổng số tiền 9,7 tỉ đồng, từng bước nâng cao mức sống của hộ gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú.
Hướng đến thoát nghèo bền vững
Toàn tỉnh hiện có 4.900 hộ nghèo, vì vậy tỉnh chú trọng giảm nghèo bền vững. Các ngành, các địa phương đều xác định công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cho nên đã chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp, bước đi cụ thể tăng cường tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên công chức, viên chức, người dân thấy rõ vai trò của công tác giảm nghèo bền vững nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả đối với từng chủ trương chính sách khi được triển khai. Đặc biệt, giảm nghèo bền vững thời gian qua đã phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, góp phần quan trọng trong kết quả giảm nghèo của Cà Mau, thông qua việc các Chi đoàn, Chi hội, Ban Công tác Mặt trận đăng ký nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hỗ trợ cho hơn 9.000 hộ (trung bình mỗi năm khoảng 2.300 hộ). Riêng năm 2024, Mặt trận và các ngành đoàn thể đã đăng ký hỗ trợ thoát nghèo cho hơn 2.000 hộ.
Trung tâm dịch vụ việc làm Cà Mau giải quyết chính sách thất nghiệp cho người dân - Ảnh: Trung tâm DVVL Cà Mau
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau nhìn nhận, các chính sách an sinh xã hội và trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh tỉnh…) đã đẩy mạnh vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ người nghèo thông qua chương trình an sinh xã hội và đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” đạt được những kết quả nhất định. Đồng thời động viên các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện và giám sát có hiệu quả các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhìn chung, sau thời gian triển khai các chính sách trợ giúp người nghèo, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ đã tạo điều kiện tốt về nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các tổ chức Hội LHPN ở Cà Mau phát triển sản phẩm OCOP góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn có thu nhập…
Để không tạo tâm lý ỷ lại vào nhà nước, tới đây tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong dân, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức hội, đoàn thể để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, điều kiện của từng hộ nghèo cùng với sự trợ lực của toàn xã hội tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo bền vững…
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Graffiti (nghệ thuật vẽ tranh tường) được giới trẻ rất yêu thích nhưng đang bị thả nổi, dẫn đến tác phẩm nghệ thuật thì hiếm mà tranh vẽ bậy thì nhiều.