Tích cực đầu tư cho du lịch
Với sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch đặc biệt như: điểm cực Nam Tổ quốc; có Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh hạ; có các di tích lịch sử văn hóa… Đặc biệt, Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, đây là tiền đề quan trọng trong quá trình phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, nhất là việc xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
|
Mũi Cà Mau - nơi mà nhiều du khách xa gần đều muốn đến thăm |
Với tính đa dạng về tài nguyên du lịch, trong đó có nhiều tài nguyên đặc sắc, Cà Mau có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp với sản phẩm du lịch nhiều địa phương khác trong khu vực. Các tài nguyên cũng được phân bố ở các vị trí khá thuận lợi cho việc khai thác phục vụ phát triển du lịch, hay tổ chức các loại hình tham quan như: du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tham quan làng nghề, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm... đang là xu hướng phát triển của khu vực và trên thế giới, có sức cuốn hút du khách mạnh mẽ.
|
Du khách thích thú khi chụp ảnh lưu niệm ở khu du lịch Mũi Cà Mau |
Lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao - du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, có 2 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành… Năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 2 triệu lượt, tăng 23,5% so 2022, tổng thu đạt 2.908 tỉ đồng, tăng 20,4%, vượt 9% kế hoạch. Năm 2024, ngành du lịch Cà Mau phấn đấu thu hút hơn 2,35 triệu lượt khách (khách trong nước 2,33 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 13.000 lượt); tổng doanh thu từ du lịch khoảng 3.480 tỉ đồng. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2024 đã đón hơn 1,66 triệu lượt khách, tổng thu đạt 2.402 tỉ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm 2024; công suất sử dụng phòng đạt 60%.
Để có được kết quả trên, thời gian qua tỉnh Cà Mau không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: đào tạo, bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, có nghiệp vụ tay nghề, phẩm chất tốt; tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa, con người Cà Mau với du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức; thực hiện các chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước, xúc tiến du lịch với TPHCM, các tỉnh ĐBSCL, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình... Đặc biệt, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch… Tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo)... nhất là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau (du lịch thông minh) hỗ trợ tối ưu cho du khách tiếp cận các điểm đến du lịch của tỉnh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào du lịch
Bên cạnh những mặt được trên thì vẫn có những hạn chế như, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và cộng đồng về phát triển du lịch chưa đầy đủ; một số địa phương còn thiếu chủ động, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong xúc tiến xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng hiện có. Việc thu hút đầu tư du lịch vào các điểm du lịch trọng điểm còn chậm; chưa phát huy được lợi thế, điểm mạnh của tỉnh trong lĩnh vực du lịch; sản phẩm du lịch đặc trưng ít, không tạo dấu ấn để thu hút khách du lịch lưu lại và trở lại. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; chưa huy động được nhiều nguồn vốn từ các thành phần tham gia đầu tư phát triển du lịch. Nguồn nhân lực ngành du lịch Cà Mau còn thiếu số lượng, yếu về chất lượng, quản lý lao động. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới phương thức và nội dung (chủ yếu tập trung vào tham dự hội nghị, hội thảo).
Lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao - du lịch tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tập trung lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; tham mưu xây dựng hoàn thiện nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030… Tiếp tục thực hiện và phát huy chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quảng bá xúc tiến du lịch với một số tỉnh trong chương trình liên kết phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển du lịch, chương trình, sự kiện “Cà Mau - điểm đến”; triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; nâng cao khả năng của cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua chia sẻ lợi ích từ hoạt động kinh doanh du lịch cho cộng đồng địa phương; khuyến khích cộng đồng đầu tư trực tiếp, tạo ra sản phẩm du lịch. Song song đó, xây dựng và hình thành một hệ thống tích hợp, trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Cà Mau. Ưu tiên phát triển các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch như, du lịch trực tuyến, du lịch thông minh, trí tuệ nhân tạo; tăng cường sử dụng các kênh thông tin nhanh chóng và có sức lan tỏa cao như Facebook, Youtube, Instagram, Blog… trong quản lý, thông tin, quảng bá và kinh doanh du lịch.
H. Trọng - H. Thịnh