Tích cực tư vấn, giải quyết việc làm
Tính đến đầu tháng 10/2024, Cà Mau giải quyết việc làm cho 42.493/40.300 người, đạt 105,44% kế hoạch. Trong đó làm việc trong tỉnh là 14.980 người, ngoài tỉnh 27.113 người, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 400 người... Dự kiến đến cuối năm 2024, giải quyết việc làm cho 44.330 lao động, đạt 110% chỉ tiêu kế hoạch.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho hay, thời gian qua đã đào tạo được 23.688/28.000 người, đạt 84,60% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 643 người; sơ cấp là 5.667 người; đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 17.378 người. Nguồn kinh phí đào tạo nghề được từ ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn xã hội hóa… với tổng số tiền hơn 16,1 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau còn ban hành chính sách và định mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng dành cho các đối tượng người khuyết tật, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất, người thuộc hộ cận nghèo… được các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, nên mang lại hiệu quả cao trong quá trình đào tạo nghề.
Cũng trong thời gian qua, Cà Mau xem tư vấn, giới thiệu việc làm là quan trọng. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai thực hiện.
Việc tuyên truyền, tư vấn, thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức như: giới thiệu việc làm trực tiếp tại trung tâm, tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm, tư vấn lưu động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đây là hoạt động thu hút nhiều lao động đến tham gia, bởi được tìm hiểu nhiều thông tin, được tiếp cận trực tiếp với đơn vị tuyển dụng, giúp người lao động dễ dàng tìm được việc làm phù hợp.
|
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau thông tin về tuyển lao động làm việc tại Nhật Bản với mức lương 29 triệu đồng/tháng - Ảnh: Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau |
Song song đó, còn tư vấn thông qua các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, người lao động ở bất kỳ nơi đâu chỉ cần có thiết bị kết nối internet là có thể dễ dàng tìm được công việc phù hợp, nộp hồ sơ và đặt lịch phỏng vấn mà không phải gặp trực tiếp đơn vị tuyển dụng. Ngoài ra, đơn vị tuyển dụng cũng lựa chọn được ứng viên phù hợp, chủ động quảng bá thông tin của mình trên sàn giao dịch việc làm online.
Tỉnh cũng triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua lực lượng cộng tác viên tại địa phương; đây là lực lượng nòng cốt ở cơ sở, am hiểu địa bàn cũng như nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động của địa phương, từ đó cập nhật danh sách và gửi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để thực hiện các quy trình tư vấn chuyên sâu.
Đối với việc tư vấn và giới thiệu việc làm qua các trang thông tin điện tử như hệ thống Fanpage, Zalo…, trung tâm thường xuyên đăng tải các video bản tin việc làm để người lao động dễ dàng tìm hiểu.
Hiện tại, trung tâm đã xây dựng và đưa vào sử dụng được ứng dụng Chatbot với nội dung đa dạng, ngắn gọn và dễ hiểu… người truy cập chỉ cần chọn một nội dung tương tác cụ thể thì hệ thống sẽ tự động phản hồi lại nội dung một cách đầy đủ.
Ngoài ra, hình thức tư vấn chat trực tuyến cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả của các trang thông tin, giúp phản hồi nhanh nhất nội dung người dùng đặt ra.
Thông qua đó, người lao động dễ dàng nắm bắt được những thông tin về việc làm và một số chính sách của tỉnh hỗ trợ cho người lao động tỉnh Cà Mau, đồng thời cũng nắm rõ thông tin về thời gian tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giúp gia tăng số lượng người lao động đến tham gia các phiên giao dịch việc làm.
|
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tư vấn việc làm ở huyện U Minh - Ảnh: Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau |
Huy động nguồn vốn hỗ trợ việc làm
Để đạt được kết quả giải quyết việc làm như trên, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung những giải pháp như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu hút đầu tư các dự án vào khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách sắp xếp, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để phục vụ cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm thích ứng với điều kiện sản xuất mới.
Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp.
Xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ hoạt động dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chú trọng phát triển thị trường lao động bằng các chính sách pháp luật về lao động việc làm, cung cấp đầy đủ và phổ biến rộng rãi thông tin, số liệu về thị trường lao động dưới nhiều hình thức đa dạng để người lao động và người sử dụng lao động có nhu cầu khai thác, phục vụ các hoạt động giao dịch việc làm thuận lợi.
Tập trung phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động tìm kiếm việc làm; đảm bảo nguồn cung lao động cho phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; cơ cấu lực lượng lao động phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh.
|
Cà Mau đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống - Ảnh: Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau |
Tăng cường hoạt động đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng cách tuyên truyền, phổ biến chính sách về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến tận xã, phường, thị trấn.
Thông tin thường xuyên về chính sách mới và tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai danh sách các đơn vị được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài... để người lao động có đủ thông tin, chủ động trang bị các điều kiện khi muốn đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là về kiến thức pháp luật, tay nghề và ngoại ngữ.
Nâng cao hiệu quả vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nguồn lực Trung ương và địa phương, các hoạt động tín dụng ưu đãi trên địa bàn, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Huỳnh Trọng