Cà Mau nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

25/09/2023 - 15:47

PNO - Ngày 25/9, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm OCOP thì tỉnh sẽ thu hồi các sản phẩm không đạt yêu cầu…

Theo UBND tỉnh Cà Mau, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập của người dân, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Sản phẩm tôm khô đất của HTX Nguyễn Thơ (huyện Đầm Dơi) đạt tiêu chuẩn OCOP
Sản phẩm tôm khô đất của HTX Nguyễn Thơ (huyện Đầm Dơi) đạt tiêu chuẩn OCOP

Phấn đấu đến năm 2025, tập trung củng cố chất lượng 77 sản phẩm được đánh giá, phân hạng giai đoạn 2019 - 2021. Đến năm 2025, công nhận ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và ít nhất 197 sản phẩm đạt 3 - 4 sao (bao gồm các sản phẩm được công nhận giai đoạn 2019 - 2021). Ưu tiên phát triển các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là HTX, 12% chủ thể là DNNVV có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. Khoảng 5% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).

UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ thể OCOP đã được công nhận sản phẩm OCOP tiếp tục rà soát, duy trì các chỉ tiêu, tiêu chí có thang điểm cao; khắc phục các chỉ tiêu, tiêu chí có thang điểm trung bình và đặc biệt có kế hoạch, lộ trình cải thiện những chỉ tiêu, tiêu chí có thang điểm thấp để nâng điểm sản phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng thiết bị, khoa học kỹ thuật, công nghệ thế hệ mới, hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tập trung cải thiện về chất lượng, an toàn thực phẩm; chú ý về việc hình thành câu chuyện sản phẩm đặc sắc, để nâng cao hình ảnh sản phẩm, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng; cải thiện bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm…

Cùng với việc khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Cà Mau còn thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh khi có sai phạm. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với 9 sản phẩm của 3 chủ thể, gồm: 5 sản phẩm nước mắm Mạch Long (50 độ đạm, 40 độ đạm, nước mắm Mạch Long loại 1, loại 2 và loại 3) của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại xuất khẩu Đại Phát (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước); sản phẩm nha đam Cô Ba Gần của hộ kinh doanh Cô Ba Gần (xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi); tôm sấy giòn, tôm khô Minh Đức, tôm thẻ khô Minh Đức của HTX Minh Đức (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi). Lý do thu hồi các giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên là do chủ thể đã dừng sản xuất và chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác; không có khả năng khôi phục sản xuất và đang thực hiện các thủ tục giải thể HTX.

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI