“Cá mập đa quốc gia” sẽ phải đóng thuế bình đẳng

10/10/2021 - 20:25

PNO - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một tổ chức quy tụ 38 quốc gia kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cũng như 70 nước không phải là thành viên, có mục đích hoạt động là tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân - hôm 8/10 đã công bố một bước đột phá quan trọng về thuế suất thuế doanh nghiệp, sau nhiều năm bất đồng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (hàng trước, trái) cùng Giám đốc Hội đồng và Ban Thư ký Ủy ban Điều hành OECD Silvia da Rin Pagnetto (phải) tham dự phiên bế mạc Cuộc họp Hội đồng các bộ trưởng của OECD ở Paris, Pháp, ngày 6/10/ 2021 - Ảnh: AFP/Getty Images
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (hàng trước, trái) cùng Giám đốc Hội đồng và Ban Thư ký Ủy ban Điều hành OECD Silvia da Rin Pagnetto (phải) tham dự phiên bế mạc Cuộc họp Hội đồng các bộ trưởng của OECD ở Paris, Pháp, ngày 6/10/2021 - Ảnh: AFP/Getty Images

Nhóm các quốc gia phát triển của thế giới đã đồng ý mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các nền kinh tế nhỏ, chẳng hạn như Cộng hòa Ireland, vốn thu hút các công ty quốc tế thông qua mức thuế thấp hơn.

“Thỏa thuận mang tính bước ngoặt, được 136 quốc gia và khu vực pháp lý đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu chấp thuận, cũng sẽ tái phân bổ hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và lợi nhuận cao nhất cho các quốc gia trên toàn thế giới, đảm bảo rằng các công ty này trả phần thuế công bằng dù nó hoạt động hay lời lỗ thế nào”, tuyên bố hôm 8/10 của OECD cho biết.

Bước đột phá diễn ra sau khi một số thay đổi được thực hiện đối với văn bản gốc, đáng chú ý là thuế suất 15% sau đó sẽ không được tăng lên và các doanh nghiệp nhỏ sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuế suất mới.

Điều này đã giúp Ireland - đối thủ lâu năm của việc tăng thuế suất thuế doanh nghiệp - đạt được kế hoạch kinh tế của mình. Hungary, một quốc gia lâu nay hoài nghi về một thỏa thuận thuế toàn cầu, cũng đã thay đổi quyết định sau khi nhận được cam kết rằng sẽ có một thời gian thực thi kéo dài.

Các quốc gia hiện phải tìm ra một số chi tiết nổi bật để thỏa thuận mới sẵn sàng có hiệu lực trong năm 2023.

Thỏa thuận được coi là “thành tựu duy nhất trong một thế hệ về ngoại giao kinh tế”, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết trong tuyên bố của mình.

Bà Yellen hoan nghênh nhiều quốc gia đã “quyết định chấm dứt cuộc chạy đua hạ thấp thuế doanh nghiệp”, và bày tỏ hy vọng rằng Quốc hội Mỹ sẽ sử dụng quá trình hòa giải để nhanh chóng đưa thỏa thuận vào thực tế ở Hoa Kỳ.

“Việc hoạch định chính sách thuế quốc tế là một vấn đề phức tạp, nhưng ngôn ngữ phức tạp của hiệp định ngày nay cho thấy mức độ đơn giản và sâu rộng của các vấn đề: Khi thỏa thuận này được ban hành, người Mỹ sẽ thấy nền kinh tế toàn cầu là nơi dễ dàng hơn nhiều để kiếm việc làm, kiếm sống, hoặc mở rộng quy mô kinh doanh”, tuyên bố của bà Yellen khẳng định.

Cụ thể những gì đã được thỏa thuận? Thỏa thuận đánh dấu một sự thay đổi trong chính sách thuế vì nó không chỉ áp đặt thuế suất thuế doanh nghiệp tối thiểu, mà còn buộc các công ty đa quốc gia phải nộp thuế tại nơi họ hoạt động, chứ không chỉ ở nơi công ty có trụ sở chính.

Công thức chính xác để xác định số tiền các công ty phải nộp thuế doanh nghiệp tại các khu vực pháp lý khác nhau là một chi tiết cần được hoàn thiện thêm.

Tuyên bố được các nhà lãnh đạo quốc tế đưa ra một phần vì COVID-19, khi đại dịch làm dấy lên nhu cầu đánh thuế công bằng hơn, trong bối cảnh các chính phủ đang tranh giành các nguồn tài trợ mới.

Khi được cử tri Mỹ bầu vào năm 2020, Tổng thống Joe Biden từng nói rằng ông muốn đánh thuế người giàu nhiều hơn để giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ.

Thanh Hải (theo CNBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI