Cá linh non đầu mùa nước nổi

10/09/2020 - 09:17

PNO - Người dân miền tây hay nói đùa, ngày trước con nhà nghèo mới ăn cá linh nhưng nay, dân có tiền mới thưởng thức món cá một năm mới rộ một lần này.

Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, miền tây bắt đầu vào mùa nước nổi. Khi con nước lên cao cũng mang theo nhiều sản vật gồm tôm cá, cây trái sống theo nguồn nước từ Châu Đốc, An Giang đổ về. Như thông lệ, cứ đến mùa nước nổi thì cá linh non cũng bắt đầu rộ mùa. 

Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất. Cá chỉ lớn hơn đầu đũa ăn nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Đặc biệt là cá linh dễ chế biến thành những món ăn dân dã hằng ngày trong mỗi bữa cơm gia đình như món cá linh kho mắm, canh chua cá linh bông điên điển, cá linh kho mía, cá linh kho tiêu, kho mẵn (lạt), kho sả ớt, cá linh chiên muối giòn, cá linh lăn bột chiên giòn.

Mặc dù dễ chế biến nhưng khâu làm cá linh tươi ngon là rất quan trọng.  Cá linh khi ra khỏi nước sẽ chết rất nhanh. Vì thế, cá lúc nào cũng cần có nước và khi nào chế biến thì chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt. Nếu cá lớn hơn một xíu thì trước khi chế biến, chỉ cần lấy 1 chút ruột ở bụng ra là xong.

Các món nước của cá linh thường được ăn kèm với bông điên điển và bông súng
Các món nước của cá linh thường được ăn kèm với bông điên điển và bông súng

Ngoài cá linh, đặc sản mùa nước nổi miền tây còn có bông điên điển, một loại hoa ăn kèm với cá linh được xem là ngon và đúng điệu nhất. Cây điên điển cũng là một sản vật của mùa nước nổi, cây dại mọc ven bờ sông, bờ ruộng thường trổ bông liên tục để mọi người có thể hái đều đặn mỗi ngày cho đến hết mùa nước. Vì sống theo con nước và mọc dại nên thân cây rất mềm nhưng hoa thì lúc nào cũng vàng rực.

Bông điên điển cũng sống theo con nước như cá linh
Bông điên điển cũng sống theo con nước như cá linh

Cách chế biến cá linh rất nhanh gọn, giản dị như cách của người miền tây. Nếu ăn canh chua, lẩu chua hay lẩu mắm, sau tất cả những công đoạn chuẩn bị của nước lèo xong là bỏ cá tươi vào là có thể ăn liền. Các món kho thì hơi kỳ công hơn chút. Nếu kho hành tiêu hay sả ớt thì cá rửa sạch, nêm chút gia vị gồm nước mắm, đường, bột ngọt, nước màu dừa và giã thêm đầu hành bỏ vào chờ cho thấm. Sau đó bắt nồi lên kho lửa nhỏ liu riu cho đến khi cá cạn nước, cho thêm tí tiêu là xong.

Với món cá kho mía thì khác hơn tí. Vẫn các công đoạn ướp cá chờ gia vị thấm. Nếu kho mía thì mía cắt khúc nhỏ lót dưới nồi, cho cá lên kho dưới lửa nhỏ. Lửa nhỏ sẽ làm cá thấm vị ngọt của mía nên con cá rất ngon, bùi. 

Canh chua cá linh non
Canh chua cá linh non

Cá kho lạt hay kho thơm cũng tương tự. Sau khi cá ướp thấm xong cho lên bếp, lửa lớn. Đến khi cá sôi thì đổ nước dừa và thơm vào rồi nhỏ lửa lại. Riêng với những món cá kho còn nhiều nước, người ta hay ăn kèm với bông điên điển và bông súng ma (loại bông súng sống theo con nước, cũng nhỏ mềm). Cách ăn loại cá kho này cũng thú vị, cá cho ra dĩa nặn thêm tí chanh rồi bông súng, bông điên điển cho ra chén riêng, múc nước và cá vào là có thể ăn.

Cá linh non kho lạt
Cá linh non kho lạt

Với những món chiên, cá linh non thường được làm phổ biến là cá chiên muối giòn và lăn bột chiên giòn. Cá chiên muối giòn thì chỉ cần làm sạch cá, ướp tí muối, ít bột ngọt, tiêu. Bắt chảo dầu nhiều cho nóng rồi đổ vào chiên vàng giòn, lấy ra là ăn. Với món cá linh lăn bột chiên giòn thì hơi cầu kỳ hơn. Cá linh non mua về lăn bột, pha thêm vài trứng gà rồi chiên. Món này phải ăn kém rau sống chấm mắm tỏi ớt mới ngon.

Cá linh non lăn bột chiên giòn
Cá linh non lăn bột chiên giòn

Vì cá chỉ sống theo con nước nên chỉ khoảng 3 tháng là cá linh hết mùa. Chính vì thế, cá linh giờ trở nên quý hiếm. Một phần nữa là vì mùa nước nổi gần đây nước không còn nhiều nên cá linh cũng ít đi. Những người dân miền tây hay nói đùa, ngày trước nhà nghèo mới ăn cá linh nhưng nay, dân có tiền mới thưởng thức món cá một năm mới rộ một lần này. Điều này hoàn toàn đúng khi một ký cá linh giờ đắt hơn cả thịt heo, thịt bò, thịt gà và hải sản loại sang như cua ghẹ vì có giá từ 300.000 - 400.000/kg. Chưa kể, muốn ăn cũng khó khi vài năm gần đây, các nhà hàng ở Sài Gòn tìm săn mua về để bán món “đặc sản miền tây”.

Thảo Nguyễn 

 

 

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=