Ở tuổi ngoài thất thập, họa sĩ Ca Lê Thắng mới có triển lãm cá nhân đầu tay, xuất phát từ lời “rủ rê” của một người bạn dù tên tuổi của ông đã tạo nên không ít dấu ấn. Sau 2 triển lãm tại Hà Nội lần lượt vào năm 2021, 2023 thì cuối năm 2024, ông mới có triển lãm tại TPHCM. 4 năm, 3 triển lãm xuyên suốt 1 chủ đề mùa nước nổi. Vùng đất quê hương đó - ông đã sớm rời đi theo chân gia đình ra Bắc - đã trở thành một phần của ký ức, ăn sâu và đeo bám ông dai dẳng.
Họa sĩ Ca Lê Thắng tại triển lãm Đồng chìm đáy nước
Số tác phẩm được giới thiệu rộng rãi chỉ là phần rất nhỏ so với kho tranh ông lưu tại xưởng. Vẽ với ông - đặc biệt là sau giai đoạn những người thân yêu của mình lần lượt qua đời - không chỉ là thực hành nghệ thuật mà còn là nơi nương náu, trú ẩn cho tâm hồn, là nơi trút gửi nỗi nhớ thương sâu nặng, thầm kín. Rất nhiều bức tranh của ông không tên, chỉ được đánh số, khiến bất kỳ ai được dịp ngắm nhìn như lạc vào vùng bất tận của nỗi nhớ, của kỷ niệm với màu sắc, cung bậc khác nhau. Và dù có thể gọi tên nỗi nhớ trong tranh Ca Lê Thắng bằng những định danh khác nhau thì đi đến tận cùng của nó, ta vẫn thấy ánh lên niềm hy vọng, niềm tin yêu thiết tha vào cuộc sống.
Đồng chìm đáy nước - triển lãm mới nhất của ông, qua góc nhìn của Giám tuyển Lê Thiên Bảo - đã phần nào thể hiện được dáng hình và sự chuyển dịch trong tư duy, phong cách hội họa của ông. Trong các tác phẩm, những đường biên mỏng mảnh giữa các ranh giới bầu trời - mặt đất - dòng nước được xóa nhòa, những dải màu tuôn trào. Ở đó, họa sĩ, chất liệu đã hòa trộn làm một. Mỗi bức tranh, vì thế, tưởng tĩnh mà động, có ngắm nhìn hay không thì dòng nước vẫn đang âm thầm chảy.
Họa sĩ Ca Lê Thắng bộc lộ năng khiếu hội họa từ rất sớm. 13 tuổi đã theo học vẽ với thầy - họa sĩ Diệp Minh Châu. Sau đó ông theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam rồi trở thành giảng viên và tiếp tục học lên hệ đại học giai đoạn 1972-1976. Trong suốt quá trình học tập, ông được sự hướng dẫn của nhiều họa sĩ đương đại danh tiếng như Trần Huy Oánh, Trần Lưu Hậu, Giáng Hương… Theo Giám tuyển Lê Thiên Bảo, việc ông được tiếp xúc với nhiều sách vở, tư liệu và thông tin từ nước ngoài cũng như từ miền Nam đưa ra đã tạo nên sự khác biệt trong tư duy và phong cách nghệ thuật của ông so với thế hệ họa sĩ đồng trang lứa và cha anh. Ông sớm thử nghiệm phong cách lập thể từ năm 1975. Đến cuối thập niên 1980 thì tranh Ca Lê Thắng dần chuyển sang hơi hướng trừu tượng và định danh ở phong cách này.
Khởi động lại phong trào vẽ trừu tượng
Cuối thập niên 1980-2000 là giai đoạn năng động nhất trong sự nghiệp của họa sĩ Ca Lê Thắng. Ông tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Đáng chú ý phải kể đến triển lãm tại Fujita Venté Museum (Tokyo, Nhật Bản), Metropolitan Museum of Manila (Manila, Philippines) và các triển lãm khác ở Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Singapore. Không chỉ là họa sĩ tên tuổi trong và ngoài nước, ông còn là giảng viên Trường đại học Mỹ thuật TPHCM, Phó tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TPHCM. Với tài năng và vị thế đó, không khó nếu ông muốn tổ chức một triển lãm cá nhân. Nhưng lạ thay, giới sưu tập và những người yêu tranh ông chỉ có thể “gặp” ông tại những triển lãm nhóm.
Bức Mùa nước nổi
Suốt giai đoạn 1989-1995, ông đều đặn trưng bày tại chuỗi triển lãm nhóm mang tên Recent Works, góp phần khởi động lại phong trào vẽ trừu tượng trên cả nước.
Một dấu ấn khác của ông chính là đồng sáng lập và vận hành Tạp chí Mỹ thuật TPHCM - ấn bản song ngữ được phát hành từ năm 1991-1996 cùng họa sĩ Nguyễn Trung. Tạp chí Mỹ thuật TPHCM dưới sự quản lý của ông có nhiều bài viết giá trị, là nơi tri ngộ của giới họa sĩ, giới thiệu nhiều họa sĩ đương đại và tác phẩm đến với công chúng quốc tế.
Nhắc đến họa sĩ Ca Lê Thắng, không thể không nhắc đến Nhóm 10 người, tập hợp các nghệ sĩ tiên phong trong việc hồi sinh phong trào vẽ trừu tượng gồm: Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình. Họ là những họa sĩ có phong cách sáng tác, tư duy nghệ thuật và độ tuổi khác nhau. Có người thuộc hàng tiền bối có người chỉ vừa chập chững vào nghề. Vậy mà họ vẫn gắn kết, gặp gỡ, chia sẻ và thực hành nghệ thuật bền bỉ trong sự nâng đỡ, tôn trọng nhau. Hiện tại, dù mỗi người đã trải qua những biến động khác nhau nhưng khi Ca Lê Thắng tổ chức triển lãm, họ vẫn dành thời gian ghé qua, chúc mừng và hàn huyên cùng nhau.
Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949, trải qua tuổi thơ ở chiến khu Đồng Tháp Mười. Ông theo gia đình ra Hà Nội năm 1955. Với những cống hiến quan trọng cho nghệ thuật Việt Nam, ông từng nhận nhiều tặng thưởng của Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và Bảo tàng Nghệ thuật Quang San.