Cả làng gom đồ, tổ chức đám cưới cho chú rể vừa ra tù

19/05/2017 - 07:00

PNO - Chứng kiến nghị lực vươn lên cũng như quyết tâm làm lại cuộc đời sau sa ngã của anh Thịnh, người dân đã làm mai rồi cùng nhau gom đồ tổ chức đám cưới cho anh sau ngày trở về từ ngục tù.

Lĩnh 18 năm tù vì “thương” em trai

Sau mỗi chuyến đi gom chuối ở các bản làng tận miền Tây xứ Nghệ, anh Nguyễn Văn Thịnh (49 tuổi, trú xóm 8, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) lại hối hả phân loại rồi mang cho vợ mình đem bỏ mối, đi chợ bán. Nhìn người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, mặt sạm đen vì nắng cháy nhưng luôn cười rạng rỡ này ít lại có thể tin anh từng bị kết án 18 năm tù về tội giết người.

Nhanh tay sắp chuối lên xe cho vợ mang ra chợ, anh Thịnh kể, chiều 30 Tết của 28 năm trước, khi anh đã ngà ngà men rượu từ đám cưới trở về thì nghe tiếng người em út lúc đó mới 12 tuổi khóc lóc vì bị đánh nhầm.

Tức giận vì em mình vô cớ bị đánh thâm tím mặt mày, lại sẵn hơi men, người đàn ông này cầm dao đi tìm nhóm thanh niên trên. trong lúc giằng co đã đâm trúng một người. Thấy nạn nhân nằm bất động, anh Thịnh sợ hãi vứt dao chạy về nhà, sau đó ân hận lên công an đầu thú rồi bị tuyên 18 năm tù giam về tội Giết người. 

Ca lang gom do, to chuc dam cuoi cho chu re vua ra tu
Anh Thịnh xót xa và không kìm được nỗi giận bản thân khi nhắc lại chuyện quá khứ.

Ngày vào tù, mọi thứ xung quanh Thịnh dường như sụp đổ. Bố mẹ anh cũng phải bán con trâu là thứ tài sản duy nhất cùng một mảnh đất ở để bồi thường cho gia đình nạn nhân. Kinh tế gia đình cũng kiệt quệ từ đó.

Anh Thịnh nói trong nước mắt “vào tù được 1 năm thì tôi nhận được tin báo cha mình qua đời. Nghe tin mẹ báo mà tim tôi đau thắt lại. Từ nhỏ đến lớn chưa làm được cái gì báo hiếu. Giờ ông ấy ra đi, tôi cũng không thể ở bên cạnh, nhìn mặt lần cuối”. Cái chết của người cha khiến anh vừa đau xót vừa ân hận để quyết tâm cải tạo thật tốt, sớm trở về thắp nén hương, đứng trước mộ nói lời xin lỗi với đấng sinh thành.

Ca lang gom do, to chuc dam cuoi cho chu re vua ra tu
Anh Thịnh phụ vợ chuẩn bị chuối mang ra chợ bán.

Quyết tâm đó đã giúp anh được 4 lần giảm án, thêm quyết định đặc xá nên được tự do trước thời hạn gần 7 năm. Năm 2002, anh Thịnh được trở về với gia đình trong niềm hạnh phúc, nhưng cũng không khỏi lo lắng, sợ những ánh mắt kỳ thị của làng xóm.

Cả làng mai mối rồi góp đồ tổ chức đám cưới

“Ngày về, tôi cứ lo không biết có nên sống ở quê hay đi đâu đó lập nghiệp một thời gian không vì sợ mọi người kỳ thị”, anh Thịnh nói và cho biết không ngờ lại nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bà con lối xóm khiến ông thêm quyết tâm làm lại cuộc đời. Rồi sự cố gắng tái hòa nhập của người đàn ông này cũng “ghi” được nhiều điểm trong lòng người dân.

Thương anh suốt ngày lầm lũi một mình, nhiều người nhắc anh lấy vợ. Nhưng nhà nghèo, thêm mặc cảm “tù tha”, anh không dám tư tưởng đến ai. Nhờ người mai mối, anh cũng tập tành đi cưa vợ. Mỗi lần nhắc đến chuyện “tán chồng”, chị Hoàng Thị Lương (44 tuổi, vợ anh Thịnh) lại phì cười “người ta đi tán gái thì nói chuyện luyên thuyên, đằng này anh ấy cứ đến ngồi lỳ một chỗ vậy. Tôi phải đến bắt chuyện nói trước đó chứ”.

Ca lang gom do, to chuc dam cuoi cho chu re vua ra tu
Hai vợ chồng anh Thịnh quây quần bên cậu con trai và mẹ.

Đánh mắt sang nhìn vợ, người đàn ông 49 tuổi này nói với một nụ cười hiền hậu “mẹ thì tuổi cao, đau ốm, nhà lại đông anh em ăn uống còn không có, lấy đâu ra tiền làm đám cưới. Mấy chị trong làng động viên, bảo Mi cứ cưới đi, choa sẽ lo cho”.

Cứ nghĩ mọi người nói đùa để động viên. Không ngờ ai nẫy đều kéo nhau qua nhà anh mang theo người vài ký gạo nếp, người con gà, người buồng cau, chai rượu…góp lại để chuẩn bị đám cưới cho anh Thịnh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng (83 tuổi, hàng xóm của anh Thịnh) cho biết, thực ra cũng không có gì lớn lao. Thấy con người anh chất phác, thật thà nhưng chỉ vì phút nông nổi mới thành ra tội lỗi như vậy. Nhưng quan trọng là anh Thịnh đã có thể quay trở lại là chính mình, sống hòa đồng và nhiệt tình giúp đỡ mọi người. Thấy hoàn cảnh gia đình anh lúc đó quá khó khăn, mọi người ai nấy đều nhiệt tình giúp đỡ hết sức cả.

“Ngày rước dâu, dù không mâm cao cỗ đầy nhưng thực sự đó là ngày mà tôi không thể nào quên. Mọi người tập trung đông đủ chúc mừng khiến tôi ứa nước mắt. Chính những điều ấy đã giúp tôi có động lực sống tốt hơn”, anh nghẹn lời khi nhớ lại.

Với quyết tấm đó, người đàn ông này đã vươn lên từ 2 bàn tay trắng trở nên có của ăn của để. Đến nay, anh Thịnh đã trở thành người làm ăn giỏi của xóm. Năm 2014, anh được tham gia Hội nghị biểu dương các cá nhân điển hình thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng ở huyện Yên Thành. 

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI