PNO - Phim truyền hình hiện nay không thiếu ca khúc hay, nhưng khó có thể như thời trước, khi chỉ cần nhắc đến tên bài hát, người xem nhớ ngay tựa phim, tên tuổi ca sĩ.
“Vui lên nào anh em ơi, thanh xuân là những câu chuyện buồn vui/ Ta hãy chọn niềm vui thôi nha, thanh xuân hát ca và cười ha ha”… Ca khúc Vui lên nào anh em ơi trong phim cùng tên (đang phát trên VTV3) sáng tác theo thang âm ngũ cung mang màu sắc truyền thống, giai điệu rộn ràng, nhịp điệu nhanh, ngôn từ đậm tình quê hương, bạn bè đã góp phần làm nổi bật câu chuyện khởi nghiệp dở khóc dở cười trên quê nhà của 3 nhân vật chính.
Phim Vui lên nào anh em ơi đang được yêu thích một phần nhờ nhạc phim vui tươi, rộn ràng
Ca khúc Tìm về thanh xuân trong phim Tình yêu đến cùng gió biển (đang phát trên SCTV14) cũng được khán giả khen ngợi. Bài hát dành riêng cho tuyến chính là cặp Duyên - Khôi có giai điệu ngọt ngào, ca từ da diết, thể hiện nuối tiếc về tuổi trẻ đã qua, cộng hưởng với những khung hình lung linh của bối cảnh vịnh Vĩnh Hy mang đến cảm giác “chữa lành”.
Cùng với bối cảnh và trang phục, nhạc trong phim hiện nay được đầu tư kỹ lưỡng. Nhạc sĩ Lê Anh Dũng (sáng tác nhạc phim Hướng dương ngược nắng, Dưới bóng cây hạnh phúc, Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ, Hoa hồng trên ngực trái…) cho biết: “Khoảng 7 năm trở lại đây, các nhà sản xuất đã thoát khỏi tư duy chắp ghép mì ăn liền mà rất chú trọng đến việc đặt hàng những nhạc sĩ nổi tiếng, có trình độ thực sự để viết ca khúc cho phim. Tư duy đó rất đáng trân trọng”. Đạo diễn Giang Thanh (phim Tình yêu đến cùng gió biển) nhận định: “Nhạc phim là linh hồn của phim. Đối với phim ngôn tình, nhạc phim là một trong những chất liệu quan trọng làm nên cảm xúc người xem. Một bộ phim cần từ 2-3 ca khúc, tùy theo nội dung và mức độ đầu tư”.
Theo nhạc sĩ Lê Anh Dũng, không phải nhạc sĩ nào cũng có thể viết được và viết hay càng khó hơn. Bởi đặc thù của công việc sáng tạo là không bị bó buộc, giới hạn bởi bất kỳ khuôn mẫu, hình thức nào. Trong khi sáng tác cho phim phải đảm bảo được việc sáng tạo ra những giai điệu, tiết tấu, hòa âm mới mẻ nhưng lại không được vượt qua ngôn ngữ, hình ảnh, câu chuyện của phim; phải bám sát, thậm chí truyền tải tính cách, tâm lý một hoặc tuyến nhân vật chính xuyên suốt bộ phim. Nếu không khéo léo để dung hòa các tuyến nhân vật bằng ngôn ngữ âm nhạc, ca khúc đó có thể hay nhưng sẽ không ăn nhập gì với phim. “Tôi đã từng hợp tác với một vài nhạc sĩ nổi tiếng nhưng chưa từng viết cho phim, kết quả là họ tự rút lui khi nhận thấy không hề đơn giản như cách họ vẫn sáng tác, viết nhạc thông thường” - anh nói.
Có lẽ các nhạc sĩ sáng tác nhạc, ca khúc cho phim đều xác định ngay từ đầu là đặt niềm đam mê sáng tạo, khát khao tạo nên xu thế âm nhạc lên hàng đầu, tài chính là thứ yếu. Bởi nếu đem so sánh thù lao, có sự chênh lệch rất lớn, không xứng đáng với công sức bỏ ra. Tính đơn giản: viết ca khúc cho các lĩnh vực khác, cho đặt hàng của nghệ sĩ, ca sĩ thì âm nhạc sẽ được tính tiền theo phút. Ca khúc cũng tính theo sự nổi tiếng của nhạc sĩ, ca sĩ đặt hàng. Kết quả là thù lao cho nhạc sĩ sáng tác sẽ cao hơn gấp 10 lần trở lên so với viết nhạc cho phim.
Nhạc sĩ Lê Anh Dũng
Vì sao dù hay vẫn khó thành “hit”?
Nhạc phim đã có một thời huy hoàng ở giai đoạn năm 1990-2010. Thời đó, nhắc đến tên phim, người xem nhớ ngay đến các ca khúc trong phim hoặc ngược lại. Một số bài hát có đời sống riêng độc lập, thành “hit”. Nhiều nhạc sĩ “đóng đinh” tên tuổi với việc sáng tác nhạc phim. Không ít ca sĩ bật lên nhờ thể hiện bài hát trong phim. Phim truyền hình Việt 10 năm qua có các ca khúc chỉ cần giai điệu cất lên, người xem đã hình dung lại ngay câu chuyện, nhân vật, không khí của phim. Chẳng hạn Lặng yên (phim Lặng yên dưới vực sâu), Những bước chân lặng lẽ (phim Cảnh sát hình sự), Hương tình thân (phim Hương vị tình thân), Tình yêu muộn màng (phim Hướng dương ngược nắng)… Một số bài có sẵn và qua phim càng được nhiều người biết đến như Cám ơn con nhé (phim Về nhà đi con), Ước mơ của mẹ (phim Thương ngày nắng về), Xin lỗi (phim Trói buộc yêu thương), Ai rồi cũng sẽ khác (phim Trạm cứu hộ trái tim)…
Bài hát Tìm về thanh xuân viết cho tuyến nhân vật Duyên và Khôi trong phim Tình yêu đến cùng gió biển nhận được nhiều lời khen
Tuy nhiên, giờ thì số lượng ca khúc mà nhắc đến tên người xem nhớ ngay đến tựa phim không nhiều như trước. Nhiều phim được đầu tư đến 4-5 bài nhưng vẫn không tạo được hiệu ứng nhạc phim mạnh mẽ.
Nhạc sĩ Lê Anh Dũng cho rằng: “Ngày trước, số lượng phim, nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho phim không nhiều; khán thính giả cũng ít được cập nhật, tiếp xúc với thông tin bên ngoài đất nước nên sự cạnh tranh cũng ít. Một bài hát hay, một ca sĩ thể hiện hay dễ được mọi người yêu mến. Ngày nay, các nền tảng thông tin cởi mở, khán thính giả có rất nhiều lựa chọn; số lượng phim, nhạc sĩ sáng tác cũng nhiều hơn nên cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Đặc biệt, với sự trợ giúp của các chiến dịch truyền thông, PR, quảng bá cho một ca khúc độc lập luôn lớn gấp rất nhiều lần kinh phí sản xuất. Trong khi đó, ca khúc của phim thiếu hẳn sự hỗ trợ về truyền thông, có chăng cũng chỉ là ăn theo chiến dịch truyền thông cho bộ phim nên việc ca khúc phim trở thành hit thực sự rất khó, dù hay”.
Đạo diễn Giang Thanh đồng tình: “Ngày xưa khán giả chỉ có lựa chọn là xem truyền hình nên phim dễ thu hút và ca khúc truyền hình ăn theo vì ngày nào cũng nghe. Còn bây giờ, với sự phát triển của công nghệ, khán giả ít xem ti vi hơn, toàn lướt TikTok nên nhạc của phim khó tiếp cận người xem hơn”.