1. Màn tuyết phủ trắng xóa mùa đông như xứ sở thần tiên, rừng bạch dương đỏ buồn mùa thu như cổ tích… dường như tất cả những điều nên thơ của thế giới đều có ở Đông Âu, và người ta nói, tình yêu của những chàng trai cô gái Nga cũng nồng nàn và da diết hơn bất kỳ ai khác - như tình yêu của chàng trai dành cho cô gái trong ca khúc Triệu đóa hoa hồng.
Buổi sáng, tại một hẻm phố nghèo ở Tiflis (nay là Tbilisi, thủ đô Gruzia, một trong 15 nước cộng hòa hình thành nên Liên Xô) vào tháng 3/1909, cô đào Marguerite de Sevres, một ca sĩ - vũ nữ người Pháp bỗng nghe tiếng huyên náo từ dưới đường phố. Mở cửa ban-công nhìn xuống, cô như không tin được vào mắt mình khi quảng trường phía dưới khách sạn ngập sắc hoa: hoa hồng, hoa kim ngân, huệ, anh túc, thược dược… Hoa ngập con phố, tràn cả lối đi làm dân cư xung quanh cũng bối rối không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng điều làm Marguerite kinh ngạc hơn cả là đứng giữa “đại dương” hoa ấy, chàng họa sĩ nghèo Nikolai Aslanovich Pirosmanashvili (còn gọi là Niko Pirosmani) đang gọi tên cô.
|
Bức tượng Niko Pirosmani ở Gruzia |
Marguerite xúc động, cô lao xuống, ôm chầm lấy và tặng cho Pirosmani một nụ hôn. Nhưng, đó là nụ hôn của cảm kích. Cô không yêu anh. Ngay cả khi biết Pirosmani đã bán cả căn nhà để đủ tiền mua số hoa ấy tặng cô, như một cuộc “đánh cược” cuối cùng trong hành trình chinh phục trái tim người trong mộng; ngay cả khi biết hôm đó cũng là sinh nhật của Pirosmani, Marguerite vẫn lắc đầu. Cô quay về Pháp.
Theo nhiều người, đoàn của Marguerite đã kết thúc chuyến lưu diễn và Pirosmani không đủ là động lực để cô đào Marguerite ở lại, nhiều người khác thì cho biết Marguerite đã bị chinh phục bởi vị đại sứ Pháp tại Gruzia. Điều chắc chắn là họa sĩ Pirosmani đã ôm khối tình đơn phương của mình, mối tình đã sống trong ông ngay từ lúc ông nhìn thấy cô trên áp-phích, quay về nhà, dù khi này ông cũng đã chẳng còn nhà để mà về.
13 năm sau, Pirosmani qua đời, ở tuổi 56. Những năm cuối đời đó, tài nghệ của ông rất được chú ý, và sau này ông được xem là một người chiếm vị trí đặc biệt trong nền văn hóa, xã hội và hội họa Gruzia. Gia tài nghệ thuật của Niko Pirosmani hiện được trưng bày với một vị trí trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Gruzia.
|
Bên trong căn phòng mà Niko Pirosmani sống những năm tháng cuối đời |
Xuất thân của ông - một cậu bé nghèo yêu hội họa phải tự mày mò, học lóm - cũng như mối tình chua xót của ông dành cho Marguerite được chú ý một cách tỷ lệ thuận theo tiếng tăm của ông. Khối tình si ấy là đề tài cho rất nhiều câu chuyện, bài thơ, được mạn đàm ở các phòng trà… Câu chuyện của người họa sĩ "không nhà, không gia đình, chỉ có một tình yêu" (lời người thân của ông) đã được nhà văn K.Paustovsky chắp bút thành truyện ngắn mang tên Tấm vải sơn tầm thường - thuộc quyển tiểu thuyết thứ 5 tên Về phương Nam, nằm trong loạt Tiểu thuyết cuộc đời, vào năm 1960.
Lấy cảm hứng từ truyện này, Andrey Voznesensky sáng tác thành một bài thơ: “Triệu, triệu, triệu bông hồng đỏ/ Từ khung cửa sổ em có thấy/ Người đang yêu, người yêu em thật lòng/ Người đã biến cả cuộc sống của mình thành hoa để tặng em…”. Và đây cũng chính là những câu chữ đầu tiên của ca khúc Triệu đóa hoa hồng.
2. Ca khúc ban đầu được Raimond Voldemarovich Pauls sáng tác nhưng với lời từ về một câu chuyện chẳng mấy liên quan, bằng tiếng Latvia (tựa bài hát là Davaja Mariņa, nói về một cô bé thuở ấu thơ được nghe mẹ hát một ca khúc, sau này khi lớn lên cô hát tặng lại con gái mình giai điệu này). Ca khúc nhanh chóng chìm đi như hàng ngàn ca khúc khác, cho đến khi đến tai nhà thơ Andrey Voznesensky vào năm 1982. Sau khi lắng nghe giai điệu da diết, đau đớn của ca khúc, nhà thơ Andrey Voznesensky đã đề nghị nhạc sĩ Raimond Voldemarovich Pauls đổi lời, lời mới là từ bài thơ của ông, thành ca khúc Triệu đóa hoa hồng, tiếng Nga.
Triệu đoá hoa hồng với giọng hát của Alla Pugacheva:
Sau khi được ca sĩ nổi tiếng của Liên Xô thời ấy Alla Pugacheva hát, Triệu đóa hoa hồng trở thành cơn địa chấn. Khắp Liên bang Xô Viết, đâu đâu cũng nghe Triệu đóa hoa hồng vang lên. Khi Alla Pugacheva đi biểu diễn bất kỳ đâu, cô cũng được yêu cầu ca khúc này, hát đi rồi hát lại. Có lần, cô phải hát 3 lần ca khúc này trong một đêm diễn, theo yêu cầu của khán giả.
Một nhạc sĩ người Nga sau này nhớ lại, cho biết: chỉ tính trong thập niên 1980, video bài hát với phần thể hiện của Alla Pugacheva đã được đài truyền hình Liên Xô phát đi phát lại không biết bao nhiêu ngàn lần. Với ca khúc này, Alla Pugacheva đoạt giải Bài hát của năm tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình Liên Xô năm 1983.
Điều kỳ lạ là, không chỉ có Liên Xô, khi “du nhập” các nước khác, Triệu đóa hoa hồng cũng tạo nên cơn địa chấn không khác gì ở quê nhà. Thậm chí, cư dân thành phố Fukuyama ở Nhật - một thành phố trồng rất nhiều hoa hồng, đã chọn đây là bài hát chính của thành phố mình - cứ mỗi khi tàu vào ga Fukuyama, bài hát nay lại được cất lên. Hàn Quốc - xứ sở của pop music khu vực châu Á và nền âm nhạc đặc thù phân khúc trẻ - cũng “bị” đắm đuối với Triệu đóa hoa hồng khi nhóm nhạc nữ Infinity of Sound trình diễn trên nền nhạc cụ dân tộc. Ấn Độ, Trung Quốc, Anh… đều diễn ra một cơn lên đồng với bài hát này.
Triệu đoá hoa hồng phiên bản Hàn Quốc- nhóm Infinity of Sound:
Cũng năm 1983, Đoàn Ca nhạc nhẹ Bông Sen có chuyến lưu diễn tại Liên Xô để phục vụ người Việt tại đây. Choáng ngợp trước giai điệu buồn đẫm lệ và trước việc bài hát hiện diện khắp mọi nơi ở xứ sở bạch dương, nhạc sĩ Thế Hiển đã nhờ một người bạn tìm mua giúp tư liệu, đĩa hát và văn bản của bài hát. Mang tất cả về Việt Nam, nhạc sĩ Thế Hiển nhờ NSND Trung Kiên dịch lời bài hát sang tiếng Việt nhưng sau đó ông nhập thêm một bản dịch khác từ nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền. Không dám thất lễ với ai, nhạc sĩ Thế Hiển ghép 2 bản dịch lại và phổ biến, bài hát Triệu đóa hoa hồng bắt đầu “làm mưa làm gió” tại Việt Nam sau đó.
Triệu đoá hoa hồng gây sốt tại Việt Nam qua giọng hát của Ái Vân:
Qua giọng hát của ca sĩ Ái Vân, bài hát trở thành tiếng lòng thầm kín của bất kỳ chàng trai, cô gái nào giai đoạn ấy. Đi bất cứ nơi đâu, nẻo phố, công trường… người ta đều nghe giọng Ái Vân da diết: “Tặng một đại dương hoa hồng thắm/ Cho nàng ca sĩ anh yêu thầm…”. Một điều lạ là, tuy bài hát là tiếng lòng của một chàng trai nhưng những ca sĩ thể hiện thành công bài hát đều là nữ.
Gần tròn 40 năm, Triệu đóa hoa hồng trở thành biểu tượng của một tình yêu đầy hy sinh và tuyệt vọng. Như một lẽ tất nhiên, ca khúc được gắn với khối tình si và… nghèo.
|
Tờ tiền in hình Niko Pirosmani |
Bức tượng Niko Pirosmani buồn bã gắn cùng câu chuyện về ca khúc Triệu đóa hoa hồng là một trong những điểm đến của bất cứ du khách nào. Không chỉ được tạc tượng, hình ông cũng xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá
1 lari của Gruzia.
Theo những lời kể lại, để mua được cả một “phố hoa” tặng người trong mộng, ông không chỉ bán căn nhà mà còn bán cả những dụng cụ vẽ cùng những bức tranh khi ấy chưa được xem là có giá trị. Những năm cuối đời, ông sống trong một căn phòng thuê lại, dưới một chân cầu thang ẩm thấp. Ông mất giữa năm 1918 vì suy dinh dưỡng và bệnh gan.
|
Minh Nguyễn